Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53km, qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn qua Đồng Nai dài 34km, gồm 2 dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet tại dự án thành phần 2 đoạn qua huyện Long Thành (Đồng Nai) dài 18km, trong những ngày cuối tháng 11 này, các nhà thầu đang triển khai khoảng 50 mũi thi công, huy động hơn 460 nhân lực và gần 200 máy móc thiết bị.
Sản lượng thi công đến thời điểm này đạt khoảng 810/4.279 tỷ đồng, tương đương gần 20% tổng khối lượng hợp đồng.
Tại cuộc họp giao ban gần đây, ông Trần Văn Thân - Phó chủ tịch huyện Long Thành - đã có ý kiến với lãnh đạo tỉnh về việc đã bàn giao nhiều mặt bằng nhưng Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) vẫn chưa tăng cường máy móc, thiết bị triển khai thi công.
Còn theo thông tin từ Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải), công tác giải phóng mặt bằng dự án này đã đạt được một số tiến triển đáng kể. Đến nay, đơn vị nhận bàn giao xong 87% diện tích mặt bằng. Tuy nhiên, hiện trạng mặt bằng vẫn theo kiểu "xôi đỗ". Thực tế, mặt bằng sạch chỉ đạt 68% (khoảng 12,5km).
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Giám đốc Ban QLDA 85 - cho biết dù đã có mặt bằng nhưng đơn vị thi công chỉ triển khai cầm chừng, nhiều hạng mục dang dở.
Lý do là việc thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp đang gây khó khăn đối với dự án. Hiện nay, trữ lượng khai thác của các mỏ thương mại trong tỉnh bị hạn chế, trong khi các vị trí khai thác đặc thù lại chưa đáp ứng nhu cầu hơn 4 triệu m3.
Thêm vào đó, cơ quan chức năng đã hoàn thiện thủ tục đưa vào sử dụng 4 bãi đổ thải với trữ lượng 573 nghìn m3, nhưng so với nhu cầu 1,2 triệu m3 thì vẫn còn thiếu hụt khoảng 627 nghìn m3.
Ngoài ra, việc di dời hạ tầng kỹ thuật như điện, cáp quang và việc người dân chưa thực hiện tháo dỡ, di chuyển tài sản để bàn giao mặt bằng cũng ảnh hưởng tiến độ thi công.
Bí thư Huyện ủy Long Thành - ông Dương Minh Dũng khẳng định địa phương sẽ chủ động phối hợp với chủ đầu tư thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng theo thứ tự ưu tiên, chỗ nào cần mặt bằng liền mặt để thi công trước thì đến vận động người dân.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng yêu cầu các phòng ban của huyện xử lý những khó khăn, vướng mắc; đề nghị các hộ dân sớm di dời để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
“Tôi đã chỉ đạo Đoàn thanh niên và dân quân tự vệ phối hợp, hỗ trợ người dân di dời tài sản và nhanh chóng bàn giao mặt bằng” - ông Dũng nhấn mạnh.
Dự án này được khởi công giữa tháng 6/2023 với quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Khi hoàn thành, cao tốc này rút ngắn thời gian di chuyển ô tô từ TPHCM đi Vũng Tàu chỉ hơn 1 giờ.
Bên cạnh đó, dự án sẽ kết nối các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Hoàng Anh- ĐN