Phục hồi chuỗi cung ứng
CEO của Nvidia, Jensen Huang, tuyên bố sẽ "đẩy nhanh việc phục hồi" doanh số tại thị trường Trung Quốc, sau khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington dịu xuống, cho phép nhà sản xuất chip AI hàng đầu nối lại việc vận chuyển một dòng chip quan trọng được thiết kế đặc biệt tại thị trường Trung Quốc.
CEO Nvidia Jensen Huang được giới truyền thông săn đón trong chuyến đi tới Trung Quốc hôm nay.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Trung Quốc vào hôm nay (16/7), ông Huang cho biết công ty vẫn chưa nhận được giấy phép xuất khẩu từ Washington để khởi động lại việc vận chuyển sản phẩm H20, nhưng kỳ vọng giấy phép sẽ "sớm được cấp". Nvidia đã báo cáo khoản lỗ 4,5 tỷ USD trong quý tháng 4, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với chip tiên tiến, khiến công ty không thể vận chuyển lượng lớn chip H20 tồn kho.
"Một số khoản lỗ chúng tôi đã ghi nhận rất khó để phục hồi, nhưng những gì chúng tôi dự trữ sẽ không bị hủy bỏ vĩnh viễn", ông Huang nói. CEO của doanh nghiệp đắt giá nhất hành tinh cho biết công ty sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có cần khởi động lại sản xuất dòng chip Hopper thế hệ trước, bao gồm H20, hay không, sau khi nhận được đơn đặt hàng từ khách hàng.
"Các đơn hàng cũ của khách đã bị hủy. Nhu cầu của họ có thể đã thay đổi. Chúng tôi phải khởi động lại chuỗi cung ứng", ông Huang nói thêm, đồng thời lưu ý rằng quá trình này mất khoảng 9 tháng.
Trước đó, ông Huang đã gặp gỡ các quan chức chính phủ Trung Quốc và có bài phát biểu tại một hội nghị về chuỗi cung ứng ở Bắc Kinh, nơi ông ca ngợi năng lực sản xuất của Trung Quốc cũng như những tiến bộ trong lĩnh vực AI của các công ty như DeepSeek và Alibaba.
Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Huang diễn ra sau khi Nvidia nhận được cam kết từ chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ phê duyệt giấy phép cho chip H20, đánh dấu sự đảo ngược bất ngờ so với lệnh cấm xuất khẩu chip AI dành riêng cho Trung Quốc vào tháng 4.
"Tôi đã đến Washington một tuần trước và nói với ông Trump cùng nội các của ông ấy rằng tôi sẽ đến Trung Quốc. Ông ấy nói: 'Chúc chuyến đi vui vẻ'", ông Huang chia sẻ tại cuộc họp báo. "Tôi không thay đổi ý định của tổng thống… mọi thứ hoàn toàn nằm trong các cuộc thảo luận giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc", ông nhấn mạnh và cho biết "kiểm soát xuất khẩu là một trụ cột của an ninh quốc gia và là cơ chế cho hoạt động trao đổi toàn cầu".
Thay đổi chính sách
Hôm qua (15/7), Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Howard Lutnick cho biết sự thay đổi chính sách của Washington là một phần trong các cuộc đàm phán thương mại gần đây giữa các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc tại London và Geneva.
Bộ xử lý Blackwell RTX Pro 6000 của Nvidia.
Việc được phép nối lại vận chuyển là một thắng lợi lớn cho Nvidia, sau chiến dịch vận động mạnh mẽ của Huang tại Washington, nơi ông cảnh báo rằng Mỹ có nguy cơ mất vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào tay các công ty Trung Quốc như Huawei, nếu các công ty Mỹ không thể tiếp tục xuất khẩu phần cứng sang Trung Quốc.
Nvidia cũng công bố một dòng chip xử lý đồ họa (GPU) mới dành riêng cho thị trường Trung Quốc vào thứ Ba, được cho là hoàn toàn tuân thủ các quy định kiểm soát xuất khẩu hiện hành. Tuần trước, tờ Financial Times đưa tin rằng Nvidia có kế hoạch ra mắt một phiên bản chip mới cho Trung Quốc, dựa trên bộ xử lý Blackwell RTX Pro 6000. Huang cho biết vào thứ Tư rằng chip mới này rất phù hợp cho các ứng dụng sản xuất tự động.
Stacy Rasgon, nhà phân tích cấp cao tại Bernstein chuyên về ngành chip Mỹ, nhận định rằng sự thay đổi chính sách của Nhà Trắng sẽ cho phép "Nvidia cạnh tranh tại Trung Quốc" và "duy trì lợi thế hệ sinh thái của họ". Ông lưu ý rằng sự đảo ngược chính sách này sẽ thúc đẩy lợi nhuận của nhà sản xuất chip này trong năm tới. "Jensen đã khéo léo tiếp cận Trump và các thành viên trong chính quyền, đồng thời nêu rõ những rủi ro nếu duy trì lệnh cấm," ông nói thêm.
Dù hiệu năng của chip H20 đã bị giảm bớt và phải cạnh tranh với các đối thủ địa phương, các công ty internet Trung Quốc vẫn được dự đoán sẽ là khách hàng nhiệt tình, nhờ sự phụ thuộc vào phần mềm Cuda của Nvidia và nhu cầu ngày càng tăng để đáp ứng khối lượng công việc AI.
Các nhà phân tích tại Jefferies nhận định rằng việc nới lỏng hạn chế xuất khẩu sẽ mang lại "tâm lý tích cực" cho các công ty lớn như Alibaba, Tencent và Baidu, khi nhiều doanh nghiệp đẩy nhanh việc ứng dụng AI trong nhiều ngành công nghiệp. "Khách hàng từ các lĩnh vực khác nhau đang áp dụng AI - không chỉ trong internet, fintech, giáo dục và xe điện - mà còn trong các ngành như sản xuất, nơi cần sử dụng AI và chuyển đổi sang điện toán đám mây," nhà phân tích Thomas Chong viết.
Đức Bình