Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam
5 giờ trướcBài gốc
Lâu lâu mới có một chuyến ghe về bờ, mỗi lần về cũng phải vài ba tiếng, có khi ghe đi loanh quanh đánh bắt thì cũng mất cả ngày mới cập bến. Năm thứ 3 về làm dâu, chị Thảo gặp thêm cơn bão Linda năm 1997. Chẳng cứ chị Thảo, cả Hòn Đốc lẫn một dải Tây Nam ngơ ngác. Thời điểm đó, ai nói tới hai chữ “du lịch”, hẳn bị coi là “mê sảng”.
Bãi dừa đảo Nam Du.
Những người đầu tiên
Ra đảo theo chồng là gần như chị Thảo tách biệt với gia đình, với cuộc sống cũ. Có lúc nhớ nhà chị cũng chỉ khóc chứ trở đi cách biển, trở lại cách đò. Đợt cơn bão số 5, cơn bão cướp đi mạng sống của 787 người và 1.231 người mất tích, từ nhà chị Thảo nhìn ra, thấy nước biển rút cạn, trơ khấc. Căn nhà của chị Thảo gió tốc hết cả mái.
Nhưng cũng lúc ấy, chồng chị Thảo cạo đầu, nói không đi biển dài ngày nữa. Những chuyến đi dài ngày tuy mang lại thu nhập nhưng bào mòn sức khỏe lẫn tinh thần của anh. Biển Tây Nam yên mà không yên, như cái tên “quần đảo Hải Tặc” - nơi Hòn Đốc là trung tâm, mỗi lần anh ra khơi là mỗi lần chị Thảo phập phồng lo lắng. Không đi biển dài ngày, hai vợ chồng phải tìm cách khác để mưu sinh. Đó là lúc chị có những vị khách tới ở nhờ.
Đó là những cô cậu sinh viên thành phố, ưa khám phá, chi tiêu vừa phải, họ ra đảo và kẹt lại vì tàu bè hạn chế. Chị Thảo đã quen nấu ăn cho cả chục người cùng đội giã cào của chồng, nên nấu cơm thêm cho mấy người khách, sắp xếp chỗ ngủ lại cho họ không khó. Dần dần, người ta truyền tai nhau, ai tới Hòn Đốc đều qua nhà chị ăn và tìm dịch vụ lưu trú. Lúc ấy, chị nghĩ mình có thể làm mô hình homestay, như những mô hình trong Phú Quốc mà chị vẫn nghe nói. Chị bắt đầu sửa sang lại phòng ở, làm phòng tắm, nhà vệ sinh thật sạch, đón những vị khách chính thức đầu tiên. Homestay khi đó không có biển hiệu, người ta đến phần nhiều vì truyền miệng. Đảo không có điện lưới, chị thắp đèn dầu đón khách, mà dầu cũng là mua từ Hà Tiên chuyển ra. Có bận không có đèn, chủ lẫn khách ăn cơm trong bóng tối. Có tiền, chị mua đèn tích điện, rồi mua được máy chạy dầu. Vậy là dù đảo chỉ chạy điện 2 tiếng mỗi ngày, nhưng nhờ mua máy phát, nhà chị bây giờ vẫn có thể đủ điện cho khách ở những nhu cầu cơ bản.
Chị Trương Bé Sáu, xã An Sơn (quần đảo Nam Du, Kiên Giang) cũng bắt tay vào kinh doanh du lịch từ những vị khách đầu tiên bất ngờ như thế. Gia đình chị ở Nam Du đã nhiều năm. Thời ấy đảo nghèo, chỉ Tết các gia đình mới được ăn thịt heo. “Nuôi con heo mấy tháng chờ Tết mới được ăn, đến giờ tui vẫn thèm cảm giác đó”, chị Sáu nhớ lại. Nhưng mẹ chị, bằng một cách kỳ diệu, như rất nhiều bà mẹ vĩ đại tảo tần trên mảnh đất Việt Nam này, luôn vun vén đủ để gia đình không bao giờ phải chịu đói qua mỗi tao đoạn gian nan. Bởi vậy, khi mấy chú bộ đội xa nhà đến ăn nhờ bữa cơm, bà vẫn vui vẻ làm được những mâm cơm chu đáo đúng nghĩa cơm nhà. Lâu dần, bộ đội còn gửi cả gạo nhờ bà nấu mỗi ngày. Lớn lên như vậy, chị Sáu đã quen với cách của mẹ. Nên chị bắt tay làm dịch vụ du lịch mà không hề bỡ ngỡ, thậm chí còn chơi lớn, đem cả vốn liếng đi đóng một cái tàu du lịch đưa khách chơi quanh đảo.
Chị Trương Bé Sáu, một trong những hộ kinh doanh homestay đầu tiên trên đảo Nam Du.
Hoang sơ Tây Nam
Nếu không tính tới Phú Quốc, thì tiềm năng du lịch của biển Tây Nam vẫn còn rất nhiều, và đa phần đều ở thế hoang sơ chưa khai thác. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đã có hơn 150 hòn đảo nổi; các huyện đảo, xã đảo với dân số khoảng 155 nghìn người, có tiềm năng lớn về phát triển du lịch biển đảo. Nguồn tài nguyên du lịch biển ở đây dường như vô tận, đặc biệt biển Tây Nam có điều kiện khí hậu ôn hòa, ít chịu sóng gió, có thể đón khách quanh năm, khác với các vùng biển chỉ có thể đón khách một mùa hè. Những Thổ Chu, Nam Du, Hải Tặc, Bà Lụa, Hòn Sơn (Kiên Giang), Hòn Chuối, Hòn Khoai, Hòn Buông (Cà Mau)... không chỉ có ưu thế bãi biển, thuận lợi cho các hoạt động du lịch biển, mà còn là những trung tâm của các di tích lịch sử, văn hóa đáng giá. Một trời biển Tây Nam, có thể tự tin sánh với các vùng biển nổi tiếng nhất thế giới mà không hề kém cạnh.
Gần 20 năm, từ những homestay đầu tiên, bây giờ người ta đã bắt đầu biết tới du lịch biển Tây Nam nhiều hơn. Không chỉ Phú Quốc, người ta bắt đầu biết đến lặn ở Hòn Sơn, biết tới bãi dừa Nam Du, cột mốc A1 ở Thổ Chu, biết tới lặn ngắm san hô Hòn Đốc… Tàu ra Hòn Đốc một ngày có 2 chuyến đi, 2 chuyến về. Tàu ra Nam Du thì thường xuyên hơn, mỗi ngày 3 chuyến, ngày cuối tuần thì 2-3 tiếng lại có một chuyến. Ở Hòn Đốc, Nam Du, chính quyền xã cũng tổ chức các lớp hướng dẫn để người dân hiểu cách làm hướng dẫn viên địa phương.
Hòn Đốc bây giờ không chỉ có một homestay của chị Thảo. Đã có thêm những khách sạn, và cả một resort mới mở. Chị Thảo nói họ cũng không cần mò mẫm làm du lịch nữa, đã có nhiều lớp học, có cấp chứng chỉ, mọi người được hướng dẫn làm chuyên nghiệp hơn. “Điểm thứ nhất là mình phải nhiệt tình, để người ta thấy homestay giống như nhà mình. Khách muốn gì mình đều tạo điều kiện cho họ. Thứ nữa mình phải học hỏi dần, có nâng cao lên. Như nấu ăn thôi, mình phải tìm hiểu công thức, thay đổi cho hợp khẩu vị nhiều người”, chị Thảo chia sẻ. Từ khi đảo có mạng internet, việc tìm kiếm thông tin cũng dễ dàng hơn. Hiện quy mô phòng của nhà chị Thảo tối đa được 100 khách. Chị cũng sửa sang để có nhiều loại phòng phù hợp nhiều yêu cầu. Chồng chị và cậu con rể sẽ là hướng dẫn viên đưa khách tham quan, lặn ngắm san hô, trải nghiệm đánh cá trên biển. Chị và em gái nấu ăn, mở quán cà-phê. “Khách lai rai là đủ sống, mình ăn ít no dai, nhưng khách nhớ tới mình”.
Ở Nam Du, chị Trương Bé Sáu đã có 2 tàu trở khách và một hệ thống homestay nhà nghỉ có tiếng. Khách tới đảo chị đã lên một kế hoạch đầy đủ chu đáo và khép kín. Ở những hòn đảo này, người ta có thể trải nghiệm một kiểu du lịch địa phương đúng nghĩa, với những người dân địa phương hướng dẫn bằng phong cách Tây Nam Bộ đặc trưng.
Đợt Tết âm lịch, mấy homestay ở Hòn Đốc, Nam Du đều kín khách từ 29 Tết tới hết mồng 7-8, ngay cả khi, điều kiện sinh hoạt ở đây chưa hẳn lý tưởng cho các cuộc nghỉ dưỡng. Chị Thảo bảo khách ở đây lâu chị đều tư vấn cho họ cân nhắc. “Đảo còn ít hoạt động, mình không thể vì muốn giữ khách mà nói dối”, chị bảo. Đấy cũng là điều còn nuối tiếc với du lịch vùng đảo Tây Nam. Những hoạt động du lịch ở đây đều chủ yếu từ thói quen tự phát, hiếm có những hoạt động đầu tư bài bản, ngoài một vài vị khách lẻ, rất khó xây dựng một tour quá 3 ngày.
Ở Thổ Chu (Kiên Giang), những đoàn khách lẻ tới đảo cũng chỉ 1-2 ngày, trong khi tàu thì 2-3 ngày mới có một chuyến ra đảo. Điều này cũng cản trở đáng kể khi lựa chọn. Dịch vụ trên đảo hầu như không có. Trong khi, ở đây có một bãi cát đẹp, những không gian lý tưởng và một điểm cơ sở A1 là cột mốc khởi đầu của 12 điểm cơ sở biển Việt Nam.
Tiềm năng Nam Du cũng còn bỏ ngỏ, bởi dù điều kiện tự nhiên bãi biển đều có đủ, nhưng đầu tư còn chưa tới. Bà Võ Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn, đã sống ở đảo năm thứ 19, nói rằng những người dân bám đảo ở đây “Không có gì lý giải ngoài tình yêu đảo, tinh thần cách mạng”. Nam Du từ khi có khách du lịch tới cũng có biến đổi đáng kể. “Những năm gần đây du lịch đến với địa phương, từ đó cũng tạo công ăn việc làm cho người dân trên xã đảo này. Khách du lịch mỗi năm đều tăng, dịch vụ du lịch cũng nhiều hơn”, bà Gái chia sẻ. Bà Gái cho hay, Hội Liên hiệp phụ nữ và xã cũng có nhiều hỗ trợ cho người dân sinh kế, phát triển du lịch, nhưng kinh phí cũng chỉ được phần nào. Bởi đầu tư du lịch cần vốn lớn. Hỗ trợ người dân mới dừng ở mức độ cho vay để mua xe máy cho khách thuê chạy trên đảo. Như chị Trần Thị Út, hộ dân đầu tiên cho thuê xe máy ở Nam Du, từ 10 chiếc đầu tiên đã có 43 chiếc xe máy làm dịch vụ. Nhưng bà Gái cũng nói: “Vay vốn đầu tư homestay hay làm dịch vụ khách thì hơi khó với nhiều hộ, do chi phí xây dựng cao, kinh phí hỗ trợ có hạn”.
Du lịch biển Tây Nam không còn là chuyện viển vông, sống bằng làm du lịch ở Tây Nam lại càng không phải điều khó, nhưng để Tây Nam vươn lên đúng với tiềm năng, hẳn còn cần thêm những bàn tay.
Đợt dịch Covid-19 dường như là lúc Hòn Đốc đón khách... nhiều nhất. Nhiều người tìm thấy ở đây như một chốn chữa lành. Có người ở nhà chị Thảo cả tháng.
Theo Bài và ảnh: HỒNG VIỆT (NDĐT)
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/o-goc-tay-nam-post311204.html