Mới đây, Mercedes-Benz Việt Nam tung ra thị trường mẫu ô tô điện Mercedes-Benz G 580 EQ Edition Onegiá 8,68 tỷ đồng, có khả năng xoay 360 độ tại chỗ, giúp việc đỗ xe cực kỳ tiện lợi.
Tính năng trên khá mới mẻ với người dùng xe tại Việt Nam, nhưng trên thế giới trong vài năm trở lại đây đã trở thành xu hướng trang bị cho một số dòng xe, và được các hãng sản xuất tập trung quảng cáo.
Vậy tính năng xoay ô tô 360 độ ra đời như thế nào và nó có ưu, nhược điểm ra sao?
Tank Turn: Khi ô tô tự xoay như xe tăng
Được ra mắt lần đầu vào cuối năm 2019 trên chiếc bán tải chạy điện R1T của hãng xe Mỹ Rivian, tính năng ô tô tự xoay 360 độ hay còn gọi là "Tank Turn" đã gây sự chú ý đặc biệt.
Về kích thước, R1T dài 5.700 mm, lớn hơn so với một chiếc bán tải phổ thông như Nissan Navara, nhưng không cần tài xế phải vần vô-lăng khó nhọc mà chỉ cần bấm nút, xe sẽ xoay vòng tròn để thoát khỏi chỗ đỗ hẹp y hệt một chiếc xe tăng chiến đấu đảo chuyển động xích 2 chiều.
Hãng xe Mỹ lắp đặt 4 mô-tơ điện độc lập cho 4 bánh xe, vì thế mỗi bánh xe có thể điều khiển quay riêng. Khi cần xoay tại chỗ, hai bánh bên này quay tiến, hai bánh bên kia quay lùi. Điều này tạo ra một chuyển động quay quanh trục giữa xe, tương tự như xe tăng quay đầu.
Mô phỏng cách 2 bánh trước và 2 bánh sau chuyển động đảo ngược để tạo nên cơ chế xoay 360 độ.
Trong khi đó, với ô tô chạy xăng/dầu thường dùng một động cơ trung tâm truyền lực tới bánh trước hoặc sau (hoặc cả hai), nên không thể điều khiển từng bánh một cách độc lập. Riêng xe điện có hệ thống điều khiển điện tử mô-men xoắn chính xác đến từng bánh, cho phép thực hiện các động tác như quay tại chỗ hay di chuyển chéo (crab walk).
Về sau, các hãng như Mercedes-Benz (G 580 với “G-Turn”), Hyundai Mobis và gần đây có YangWang U8 của BYD Trung Quốc cũng bắt đầu phát triển các phiên bản xe xoay được 360 độ tương tự Rivian R1T.
Ưu và nhược điểm của tính năng xoay 360 độ
Ngay khi xuất hiện, "Tank Turn" trên xe Rivian R1T nhận được các đánh giá tích cực. Rõ ràng tính năng này giúp tài xế cực kỳ tự tin khi quay đầu xe trong không gian hẹp, đặc biệt hữu ích khi off-road hoặc đi trong đô thị đông đúc. Nó tăng tính cơ động của phương tiện lên rất nhiều so với ô tô truyền thống mất nhiều thời gian để vần vô-lăng.
Video quảng cáo khả năng xoay 360 độ trên xe bán tải Rivian R1T. Nguồn: Rivian
Tuy nhiên, nhược điểm của tính năng xoay 360 độ theo thời gian ngày càng rõ rệt hơn.
Đầu tiên, nó khiến lốp xe bị mài mòn không đều. Khi xe xoay tại chỗ, các bánh xe quay ngược chiều nhau trên cùng một điểm tiếp xúc, gây ma sát cực lớn với mặt đường, dễ làm mòn lốp nhanh hơn bình thường, đặc biệt là ở những bề mặt khô hoặc nhám như bê tông. Ngay cả loại lốp hiệu suất cao vẫn không tránh khỏi hao mòn nếu thực hiện thường xuyên.
Tiếp đến, khi hoạt động tính năng xoay 360 độ thường xuyên có thể gây ra áp lực có hại lên trục truyền động và nhiệt tăng cao tại mô-tơ và bộ điều khiển, khiến chúng gichtuổi thọ.
Siêu xe điện YangWang U9 của Trung Quốc phô diễn khả năng xoay 360 độ.
Ở Mỹ, hãng xe Rivian đã nhận được nhiều chỉ trích về tính năng "Tank Turn" có thể gây hại cho mặt đường, thậm chí nguy hiểm cho người dân nếu tài xế lạm dụng biểu diễn. Đến năm 2023, CEO của Rivian, R.J. Scaringe, cho biết đã gỡ bỏ chế độ lái này trên những chiếc xe R1T bản thương mại bởi hãng xe đã nhận thấy nhiều bất cập nếu người dùng sử dụng tính năng này.