Nộp lại phù hiệu, ngừng tuyến nhưng vẫn chở khách
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông xe khách lật khiến 10 người tử vong ở Hà Tĩnh, chiều nay, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã có văn bản gửi Cục Đường bộ VN báo cáo nhanh liên quan đến phương tiện.
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, xe khách bị lật ở Hà Tĩnh đã ngưng tuyến vận tải cố định và nộp phù hiệu về Sở, đến nay chưa có thông tin gì về việc xe khách được cấp mới phù hiệu vận tải.
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, xe ô tô BKS 43F-007.76 thuộc quản lý của công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Hải Vân và được Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng (nay là Sở Xây dựng Đà Nẵng) cấp phù hiệu xe chạy tuyến cố định. Số phù hiệu 204/BXTT/2024 ngày cấp 29/7/2024, ngày hết hạn 29/7/2025.
Tuy nhiên, ngày 14/7, Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ Du lịch Hải Vân đã có thông báo số 194/HV về việc phương tiện ngừng khai thác vận tải hành khách cố định tuyến Đà Nẵng đi Lâm Đồng và ngược lại. Lý do đưa ra nhằm thay xe, đồng thời, doanh nghiệp đã nộp lại phù hiệu vận tải về Sở Xây dựng theo quy định qua Trung tâm hành chính công của thành phố (có biên bản).
Đến ngày 16/7, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã ban hành thông báo số 704/TB-SXD về ngừng hoạt động của xe tuyến vận tải khách cố định bằng ô tô đối với xe 43F-007.76 và 43F-008.47 trên tuyến vận tải khách cố định Đà Nẵng (Bến xe trung tâm Đà Nẵng) đi Lâm Đồng (Bến xe liên tỉnh Đà Lạt) đồng thời thu hồi phù hiệu và chuyển đổi trạng thái trên phần mềm https://qlvt.moc.gov.vn/ sang trạng thái: Hết hiệu lực.
Qua tra cứu thông tin, đến thời điểm hiện tại, xe ô tô BKS 43F-007.76 không đăng ký kinh doanh vận tải tại Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đồng thời chưa thấy cơ quan cấp thẩm quyền cấp phù hiệu để phương tiện 43F-007.76 hoạt động.
Thế nhưng sáng 25/7, chiếc xe khách này vẫn được nhà xe Tân Kim Chi đưa vào hoạt động, theo đại diện nhà xe là vận chuyển hành khách theo hợp đồng du lịch từ Hà Nội đi Đà Nẵng, khi đến địa phận tỉnh Hà Tĩnh thì nổ lốp, mất lái gây ra tai nạn thương tâm khiến 10 người tử vong, 14 người bị thương.
Đáng chú ý, theo quy định của Luật Đường bộ và Nghị định 158/2024 quy định về hoạt động vận tải đường bộ, xe hợp đồng trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) vận chuyển hành khách phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Xây dựng tại bệnh viện, chị Hoàng Minh A (SN 1999, trú TP Hà Nội) - một trong những hành khách may mắn thoát nạn, cho biết, chị cùng 3 người trong gia đình đặt mua vé riêng lẻ qua số hotline của nhà xe, trả tiền trước với giá 900.000 đồng/cabin cho hành trình từ Hà Nội vào Huế.
Được nhà xe hẹn đón tại văn phòng trên đường Ao Sào (khu đô thị Ao Sào, Hoàng Mai, Hà Nội) lúc 20h tối 24/7. Gia đình chị A không cùng đoàn với các hành khách khác trên xe, cũng như không ký hợp đồng vận chuyển nào với nhà xe.
Coi thường tính mạng hành khách, doanh nghiệp không thể vô can
Theo tìm hiểu của PV Báo Xây dựng, ngày 8/2 vừa qua, một chiếc xe khách giường nằm cũng của nhà xe Tân Kim Chi tuyến Đà Nẵng - Đà Lạt lưu thông trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc – Nam, khi đến địa phận tỉnh Phú Yên cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) khi tự đâm vào dải phân các, hậu quả 3 người tử vong.
Hồi tháng 2/2025, một chiếc xe khách giường nằm khác của nhà xe Tân Kim Chi cũng tự lật trên quốc lộ 1A khiến 3 người tử vong.
Đáng nói là, qua điều tra, cơ quan chức năng xác định tài xế Phạm Quốc H (40 tuổi) chỉ có giấy phép lái xe hạng C, trong khi loại xe khách giường nằm (24 giường và 2 ghế ngồi), để điều khiển, tài xế cần có giấy phép lái xe hạng E. Chưa kể, thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe chở 30 người (quá số người theo quy định là 26 người).
Như vậy, chỉ trong chưa đầy 6 tháng, hai chiếc xe khách của cùng một doanh nghiệp vận tải gây ra hai vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi tính mạng của 13 người và làm cuộc sống của hàng chục hành khách khác bị ảnh hưởng do bị thương.
Cả hai vụ tai nạn đều bộc lộ những lỗ hổng về sử dụng, quản lý lái xe, phương tiện của doanh nghiệp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận: TNGT là điều không ai mong muốn. Vụ tai nạn giao thông xảy ra sáng 25/7 khiến 10 người tử vong có nhiều điểm tương đồng với các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Lạng Sơn và Lâm Đồng trước đây. Khi đó, doanh nghiệp vận tải phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề, đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị xử lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Điều này cho thấy rõ, trách nhiệm của doanh nghiệp rất lớn khi vẫn để phương tiện không đủ điều kiện tham gia kinh doanh vận tải, dẫn đến sự cố đáng tiếc", ông Hùng nói.
Phân tích nguyên nhân, ông Hùng cho rằng, xuất phát từ khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình vận tải như xe tuyến cố định, xe limousine trá hình và xe hợp đồng.
"Trong bối cảnh đó, để duy trì nguồn thu nhằm trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng, chi trả lương và các chế độ cho người lao động, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải đưa phương tiện ra ngoài hoạt động dù biết sẽ gặp rủi ro về pháp lý và an toàn", ông Hùng nhìn nhận.
Đồng tình hành vi trên là coi thường tính mạng hành khách, tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, ông Hùng cho rằng có lỗ hổng của cơ quan quản lý Nhà nước sau khi thu hồi phù hiệu vận tải.
Để ngăn tình trạng doanh nghiệp ngang nhiên sử dụng xe không phù hiệu hoạt động vận tải, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô VN kiến nghị cơ quan quản lý khi thực hiện thu hồi phù hiệu của phương tiện cần có biện pháp phối hợp với lực lượng CSGT để giám sát, kiểm soát chặt chẽ qua hệ thống giám sát hành trình.
"Việc này nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn phương tiện hoạt động trái phép trên đường. Thực tế hiện nay, với các quy định hiện hành như quy định về lắp thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát người lái xe, sử dụng biển số màu vàng cho xe kinh doanh vận tải đã cho phép cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện vi phạm.
Tuy nhiên, việc chậm trễ trong xử lý hoặc chỉ phát hiện sau khi xảy ra tai nạn là điều rất đáng tiếc, cho thấy cần tăng cường vai trò giám sát chủ động và trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị liên quan, không nên để sự việc nghiêm trọng xảy ra rồi mới tổng hợp, báo cáo lên cấp trên", ông Hùng nhấn mạnh.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra, xác định các hành vi vi phạm của lái xe, doanh nghiệp liên quan đến vụ tai nạn. Từ đó, căn cứ mức độ vi phạm cũng như quy định pháp luật để xử lý nghiêm, tạo tính răn đe.
Mặt khác, thời gian tới, cơ quan quản lý cũng cần rà soát, siết quy định quản lý nhằm nâng cao công tác đảm bảo TTATGT liên quan hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, trong đó có rà soát công tác tổ chức hoạt động, đào tạo lái xe, bảo dưỡng phương tiện của các doanh nghiệp vận tải.
Liên quan đến vụ tai nạn xe khách sáng 25/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ của đơn vị kinh doanh vận tải đối với xe chở khách BKS 43F-007.76, nhất là kiểm tra về điều kiện an toàn của phương tiện kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các vi phạm của nhà xe, chủ xe (nếu có).
Bộ trưởng Bộ Công an được giao chỉ đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh và công an các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, gây ra vụ tai nạn nêu trên. Lưu ý xử lý nghiêm đối với lái xe, chủ xe hoặc nhà xe và các cá nhân có liên quan trong trường hợp để xảy ra vi phạm quy định về điều kiện an toàn của phương tiện trong vụ tai nạn.
Yến Chi