Theo báo cáo của ngành Đường sắt (ĐSVN), tối 8/4 tại đường ngang km 84+458 khu gian Dụ Nghĩa - Phú Thái (An Dương, Hải Phòng), trong lúc cần chắn chuẩn bị hạ xuống để tàu chạy qua thì tài xế điều khiển ô tô mang biển số 34H-105.82 cố tình vượt qua đường tàu, đâm vào cần chắn và mắc kẹt trên đường sắt. Vụ việc đã khiến 1 bên cần chắn đường tàu bị cong vênh.
Cũng trong tối 8/4, tại đường ngang km 44+210 ở khu gian Cẩm Giàng - Cao Xá (Cẩm Giàng, Hải Dương) khi tàu chuẩn bị chạy qua, ô tô mang biển số 34F-011.06 cố tình vượt tín hiệu rồi đâm vào chắn tàu khiến trụ cần chắn xoay vào lòng đường sắt.
Lúc 4h40 sáng nay (9/4), tại đường ngang km 1684+780 xã Hố Nai 3 (Trảng Bom, Đồng Nai), khi cần chắn đang hạ xuống để đoàn tàu SE3 chuẩn bị thông qua thì ô tô biển kiểm soát 50H-540.89 cũng cố tình vượt qua nên làm hỏng cần chắn.
Ô tô biển kiểm soát 50H-540.89 cố tình vượt qua đường tàu khi tàu sắp đến nên làm hỏng cần chắn đường sắt. Ảnh: Cắt từ clip do VRN cung cấp
Trước đó, ngày 5/4, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông Bình Định xác minh, xử phạt vi phạm hành chính 11 triệu đồng đối với tài xế ô tô tải mang biển 77H-8017 vì không chấp hành tín hiệu cảnh báo đường ngang, cố tình vượt qua đường sắt khi tàu sắp đến. Ngoài ra, tài xế này còn bị tước giấy phép lái xe 2 tháng theo quy định.
Theo thống kê của ĐSVN, riêng trong quý I/2025 đã xảy ra 116 vụ tài xế ô tô cố tình vượt đường ngang. Do đó, ngành ĐSVN đã tăng cường thực hiện công tác giám sát tại các trung tâm giám sát đường ngang để kịp thời xử lý, khắc phục khi có những sự cố xảy ra.
Cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt tài xế ô tô có hành vi cố tình vượt qua đường sắt khi tàu sắp đến. Ảnh: VNR
Tuy nhiên, ngành ĐSVN nhận định quá trình phối hợp xử lý trường hợp ô tô vi phạm còn gặp rất nhiều khó khăn như việc các tài xế sau khi gây hư hỏng cần chắn tự động và phụ kiện thường bỏ trốn khỏi hiện trường; xe vi phạm ở tỉnh này nhưng nơi xảy ra vi phạm ở tỉnh khác nên cơ quan công an khó mời chủ xe đến làm việc; nhiều xe tải gây ra sự cố đường sắt thường là xe không chính chủ nên lực lượng chức năng khó xác minh danh tính.
“Không chấp hành tín hiệu cảnh báo đường ngang, cố tình vượt qua đường sắt khi tàu sắp đến, tài xế không chỉ vi phạm pháp luật mà còn rơi vào nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, đe dọa an toàn chạy tàu nếu không được ngăn chặn kịp thời”, đại diện ngành ĐSVN cảnh báo.
Lộc Liên