Trong năm 2025, Ô tô TMT lên kế hoạch doanh thu 3.838,7 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến lãi 269,98 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 325,36 tỷ đồng. Trong đó, sản lượng tiêu thụ xe điện dự kiến tăng 310% lên 3.404 xe (năm 2024 ghi nhận 830 xe); xe tải nhẹ, tải trung tăng 98% lên 3.456 xe; và xe tải nặng tăng 96% lên 1.215 xe.
Ô tô TMT lên kế hoạch lãi trở lại trong năm 2025
Trước đó, kết thúc năm 2024, Ô tô TMT ghi nhận doanh thu đạt 2.325,79 tỷ đồng, hoàn thành 88% so với kế hoạch năm và ghi nhận lỗ sau thuế kỷ lục 325,36 tỷ đồng so với kế hoạch lãi 38,57 tỷ đồng.
Về định hướng kinh doanh trong năm 2025, Ô tô TMT cho biết, sẽ tiếp tục tái cấu trúc Công ty và các công ty con để bộ máy tổ chức gọn nhẹ, tinh nhuệ và hiệu quả hơn; tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng quản trị đối với Ban Tổng giám đốc và các cán bộ quản lý khác trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh.
Về nhà cung cấp, ngoài 2 đối tác là Tập đoàn Tata - Ấn Độ và Sinotruk - Trung Quốc, Ô tô TMT cũng đã triển khai hợp tác sâu rộng với nhà cung cấp DFAC và SGMW. Đây là doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe tải nhẹ và xe điện có thị phần lớn tại Trung Quốc.
Ngoài ra, điểm đáng lưu ý, trước đó với việc lỗ kỷ lục trong năm 2024, tính tới 31/12/2024, Ô tô TMT ghi nhận tổng lỗ lũy kế lên tới 269,98 tỷ đồng, bằng 72,4% vốn điều lệ (đầu năm lãi lũy kế 52,7 tỷ đồng) và tổng nợ vay lên tới 630 tỷ đồng, bằng 560,5% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn lên tới 442,9 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 187,1 tỷ đồng.
Đóng cửa phim giao dịch ngày 21/4, cổ phiếu TMT tăng 650 đồng lên 12.200 đồng/cổ phiếu.
Duy Bắc