Ở TP.HCM nhiều năm, lần nào mua vé Tết cũng căng thẳng

Ở TP.HCM nhiều năm, lần nào mua vé Tết cũng căng thẳng
4 giờ trướcBài gốc
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Hoàng Hạnh (nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cho biết năm nay cô mua vé về quê từ ngày 17/1, với giá 2,5 triệu đồng.
“Vì giá vé chênh lệch, chặng bay TP.HCM - Vinh đắt hơn chặng TP.HCM - Hà Nội, tôi so sánh và thấy tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng tiền vé nếu di chuyển đường vòng như vậy”, Hạnh nói.
Ngoài ra, để mua được mức giá rẻ nhất, cô phải chọn bay vào lúc nửa đêm. Lịch trình “đi đường vòng” cũng là cách cô tranh thủ gặp gỡ bạn bè cũ và có dịp đi chơi vào cuối năm.
Nữ nhân viên văn phòng cho biết đã có nhiều năm làm việc tại TP.HCM song mỗi lần mua vé Tết đều khiến cô căng thẳng vì giá tăng chóng mặt.
May mắn, vì ở xa, cô thường được công ty ưu tiên về quê sớm và tiếp tục làm việc online cho đến ngày nghỉ theo lịch nhà nước, giúp cô đỡ được khoảng một nửa tiền vé.
“Cách đây vài năm, tôi thường mua vé rất sớm, cách tận 2 tháng trước Tết vì sợ tăng giá. Nhưng sau khi theo dõi ít năm, tôi nhận ra trong khung thời gian nghỉ lễ, giá vé máy bay vẫn luôn cao như vậy, thậm chí đến sát ngày còn giảm nhẹ khi được tăng cường số chuyến. Vì thế, năm nay tôi chỉ mua trước một tháng”, Hạnh bày tỏ.
Giống như Hạnh, việc mua sắm, di chuyển về quê đón Tết Nguyên đán luôn là vấn đề đau đầu với nhiều người con làm việc xa quê. Việc cân đối sao cho kịp hoàn thành công việc, sớm về nhà bên gia đình và tối ưu chi phí không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Về quê sớm
Theo số liệu của Cục Hàng không, tính đến ngày 9/12, các hãng cung ứng tổng cộng hơn 7 triệu ghế trên các đường bay quốc tế và nội địa trong giai đoạn từ 14/1/2025 đến 12/2/2025, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn trước kỳ nghỉ lể, tỷ lệ đặt chỗ trên các chặng bay từ TP.HCM đi các tỉnh, thành đa phần đã đạt trên 50%.
Trong khi đó, theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt (VRT), sau 2 tháng mở bán vé tàu Tết, tính đến đầu tháng 12, ngành đường sắt đã bán trên 137.000 vé.
Hạnh mua vé bay đêm để tiết kiệm chi phí.
VRT cho biết tốc độ bán vé tàu năm nay khá nhanh và sản lượng vé bán hiện nay tăng 23%, doanh thu tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyến tàu đi các ngày từ 22/1 (23 tháng Chạp) đến 26/1/2025 (27 tháng Chạp) đã hết vé chiều từ Nam ra Bắc.
Theo Hạnh, đặt vé máy bay quá sớm cũng khiến cô có chút lo lắng vì sợ tháng cuối năm công ty có nhiều kế hoạch bất ngờ, sợ phải đổi hoặc hủy vé.
Muốn thoải mái di chuyển nên Hạnh cũng không mang nhiều hành lý, lược bỏ việc mua sắm quà cáp từ TP.HCM. Thay vào đó, cô chỉ tiết kiệm tiền mặt để biếu gia đình, những thứ cần sắm sửa đều lên danh sách để đặt qua mạng và giao thẳng về nhà.
“Trước đây, khi về quê tôi thường mua quần áo, đồ chơi cho các cháu, quà bánh cho cả nhà. Vài năm trở lại đây, đồ dùng Tết tôi đều đặt qua mạng, từ quần áo tặng bố mẹ đến chăn ga để thay cho năm mới. Tôi thấy như trút được một gánh nặng lớn”, cô nói.
Còn với Phan Thái (sinh năm 1999, nhân viên phòng gym ở Hà Nội), giá vé máy bay đắt đỏ khiến anh quyết định di chuyển bằng xe khách để về Quảng Bình dịp Tết Nguyên đán, dù giá vé có nhỉnh hơn ngày thường.
Thái về quê trước Tết Nguyên đán nửa tháng.
"Năm nay tình hình tài chính của tôi khá khó khăn nên đi xe khách sẽ rẻ hơn nhiều so với máy bay. Tôi sẽ về quê sớm, vào 14 hoặc 15 tháng Chạp nên cũng không quá lo việc bị nhồi nhét hay cháy vé như thời điểm sát kỳ nghỉ", Thái cho biết.
Đặc thù công việc trong ngành dịch vụ vốn khó có thể nghỉ Tết sớm, năm nay, Thái may mắn sắp xếp được công việc và được quản lý hỗ trợ cho về sớm vì là một trong số ít nhân viên quê ở xa.
"Có năm đông khách, đến khoảng 27, 28 tháng Chạp tôi mới về quê được. Khi đó, đi máy bay vừa đắt vừa 'cháy vé', xe khách cũng còn rất ít chuyến hoặc biết trước sẽ chịu cảnh nhồi nhét, thật mệt mỏi", anh kể.
Thái chia sẻ với những người làm việc xa quê như anh, việc mỗi năm có thể yên vị ở nhà cùng gia đình dọn dẹp, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán sớm là điều hạnh phúc và may mắn.
Đứng ngoài "cuộc đua săn vé"
Không giống nhiều người đi làm xa nhà, Vân Anh (quê Nghệ An), làm việc tại TP.HCM, chọn đứng ngoài “cuộc đua” săn vé Tết.
“Năm nào vé cũng đắt như vậy, tới gần ngày cũng không thấy cao hơn nên tôi không nóng ruột lắm. Hơn nữa, năm nay tôi chưa biết ngày nào sẽ về quê nên cũng chưa vội mua vé”, cô nói.
Vân Anh xem xét tình hình công việc mới quyết định mua vé về quê.
Vân Anh, hiện là nhân viên văn phòng, cho biết giống như năm ngoái, năm nay cô tiếp tục tranh thủ kinh doanh online một số mặt hàng quà Tết.
Sát Tết, shipper thường nghỉ nên cô sẽ phải tự đi giao hàng. Vì vậy, cô sẽ phải chờ đợi xem khi nào bán hết hàng mới rục rịch mua vé.
“Năm ngoái, đến tối 29 Tết tôi mới bay về quê, khá ‘chill’ vì không phải chen chúc với nhiều người. Năm nay, việc kinh doanh có vẻ chững hơn so với năm ngoái. Tôi đang trông chờ vào tháng tiếp theo để xem tình hình”, Vân Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, do đặc thù công việc, cô nàng 28 tuổi cũng được nghỉ Tết lâu hơn nên không áp lực phải về sớm. Cô thường ở nhà, đợi đến lúc giá vé rẻ hơn mới trở lại TP.HCM.
Linh chưa vội mua vé máy bay về Quảng Bình.
Tương tự, Trác Linh (sinh năm 1999, làm việc tại TP.HCM) cũng về quê Quảng Bình vào khoảng 24, 25 tháng Chạp, muộn hơn vài ngày so với mọi năm.
Ngoài bận việc, cô cũng đã lên lịch tham gia một số buổi tiệc tất niên với đồng nghiệp, bạn bè.
Để tiết kiệm thời gian, Linh chọn di chuyển bằng máy bay thay vì tàu hay xe khách.
Cô chấp nhận chi phí đội lên một chút để đổi lại sự thuận tiện, thoải mái trong những ngày cuối năm vốn đã bận rộn, mệt mỏi.
"Năm nay Tết Nguyên đán đến sớm hơn mọi năm nên tôi thấy hơi cập rập, khó có thể về sớm được. Tôi cũng chưa vội mua vé mà sẽ xem xét tình hình, xem chuyến nào thuận tiện và giá hợp lý nhất thì mua", cô cho hay.
Mai An - Đinh Phạm
Ảnh: NVCC
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/o-tphcm-nhieu-nam-lan-nao-mua-ve-tet-cung-cang-thang-post1517942.html