Với cách làm bài bản, sáng tạo và phù hợp thực tiễn, OCOP không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà phát triển bền vững cho nhiều vùng nông thôn của tỉnh Nam Định.
Xác định rõ vai trò chiến lược của chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 25/10/2022 để triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025. Việc tổ chức được thực hiện một cách có hệ thống, từ kiện toàn bộ máy chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách đến hướng dẫn quy trình xây dựng sản phẩm OCOP và xúc tiến thương mại.
Sở Nông nghiệp và Môi trường giữ vai trò chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố để hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP. Đồng thời, các đơn vị này cũng tích cực đưa sản phẩm lên nền tảng số như Zoom, Zalo, Facebook, góp phần quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ ngành nông nghiệp, các sở ngành khác cũng tích cực vào cuộc. Sở Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại qua các hội chợ, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản. Báo Nam Định và các cơ quan truyền thông địa phương cũng tích cực tuyên truyền, lan tỏa những mô hình làm OCOP hiệu quả.
Tính đến đầu năm 2025, toàn tỉnh Nam Định có 529 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 65 sản phẩm đạt 4 sao và 460 sản phẩm 3 sao.
Người dân thôn Phượng, xã Nam Dương (huyện Nam Trực) phơi miến, bánh đa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ Nam Định
Tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh đều có sản phẩm OCOP. Huyện Hải Hậu dẫn đầu với 123 sản phẩm, tiếp đến là Giao Thủy với 121 sản phẩm. Về cơ cấu ngành hàng, 486 sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm, chiếm tỷ lệ áp đảo; còn lại là đồ uống (25), sinh vật cảnh (9), thủ công mỹ nghệ (5), du lịch nông thôn (3) và may mặc (1).
Toàn tỉnh hiện có 270 cơ sở sản xuất tham gia OCOP, gồm: 65 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, 60 hợp tác xã, 145 hộ kinh doanh cá thể.
Sự đa dạng về chủ thể và ngành hàng cho thấy chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ đến tận các thôn, xã, làng nghề truyền thống, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân nông thôn.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, chương trình OCOP tại Nam Định vẫn còn những hạn chế. Một số địa phương chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa chương trình, dẫn đến sự vào cuộc còn thụ động. Nhiều sản phẩm vẫn mang tính nhỏ lẻ, thủ công, thiếu đổi mới trong thiết kế, mẫu mã.
Ngoài ra, liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ còn lỏng lẻo. Chưa nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu hoặc vươn ra thị trường lớn. Các phương án sản xuất kinh doanh của một số chủ thể chưa rõ ràng, thiếu tính chuyên nghiệp. Kênh phân phối sản phẩm OCOP còn hạn chế ở quy mô địa phương, thiếu các chiến dịch marketing dài hạn.
Để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả, UBND tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới: tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các điểm bán OCOP trên cả nước; ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường online; tập trung truyền thông sâu rộng, giúp người dân và các chủ thể hiểu đúng, đủ về OCOP; đầu tư nâng cấp bao bì, nhãn hiệu, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang rà soát và điều chỉnh chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho các cơ sở OCOP, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ. Các sở ngành sẽ tiếp tục tư vấn để chủ thể hiểu rõ xu hướng thị trường, cải tiến sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là các chủ thể OCOP phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, mở rộng liên kết vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn. Từ đó tạo nền tảng để Nam Định không chỉ có nhiều sản phẩm OCOP mà còn có sản phẩm OCOP “kiểu mẫu” - đủ sức cạnh tranh và lan tỏa trên thị trường quốc tế
Bảo Ngọc