Ôm trái đắng khi đặt phòng online du xuân

Ôm trái đắng khi đặt phòng online du xuân
4 giờ trướcBài gốc
Những cú lừa cay đắng
Một trong những hình thức phổ biến nhất là các website giả mạo hoặc tin nhắn lừa đảo cung cấp dịch vụ đặt phòng giá rẻ. Khi nhập thông tin thẻ thanh toán hoặc chuyển tiền, khách hàng không nhận được xác nhận đặt phòng hoặc phòng đã bị đặt trước bởi người khác.
Mạng xã hội đang xôn xao vụ việc một khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh đặt phòng khách sạn tại Nha Trang từ ngày 1/2/2025 đến 5/2/2025 qua ví điện tử. Tuy nhiên khi đến nơi nhận phòng, người dùng lại được thông báo: “Khách sạn chúng tôi không nhận tiền online, không đặt qua bên thứ ba”.
Chia sẻ trong hội nhóm hơn 2 triệu thành viên, người này cho biết nhân viên khách sạn xác nhận từ tết đến nay đã có vài gia đình đến và gặp tình huống tương tự. Cơ sở lưu trú nói không nhận được tiền và thông tin đặt phòng của khách do đó không thể giao phòng.
Nạn nhân P.T.T bị lừa nhiều lần.
Vị khách cho biết đã liên hệ với số điện thoại trong phần thông tin đặt phòng nhưng không được. Tổng đài chăm sóc khách hàng của ví điện tử nói “sẽ liên lạc các bộ phận liên quan để xử lý và giúp hủy đặt phòng”. Tuy nhiên, người dùng sẽ mất phí ngày đầu tiên.
Một ngày sau khi chưa được giải quyết thỏa đáng, người dùng quay lại khách sạn, quay video xác minh cùng nhân viên khách sạn. Đại diện đơn vị lưu trú xác nhận đúng địa chỉ, thông tin như trên nền tảng nhưng họ không nhận đặt phòng qua ví điện tử.
Trong phần bình luận, một số người cho biết đã gặp tình trạng tương tự. Nhiều người khác cho biết, không chỉ ví điện tử, họ còn gặp tình trạng tương tự trên nhiều nền tảng đặt phòng online phổ biến. Theo những người có kinh nghiệm lâu năm, giá trên các nền tảng, ứng dụng đặt phòng online đôi khi không sát với thực tế, đặc biệt trong những dịp cao điểm du lịch. Việc nền tảng để giá quá thấp so với thực tế để thu hút khách hàng khiến đơn vị lưu trú bị thiệt, dẫn đến việc không bàn giao phòng như trên đơn hàng đã thanh toán.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng các đối tượng xấu đã lợi dụng lỗ hổng của nền tảng, mạo danh khách sạn đăng thông tin để trục lợi. Trước đó, nhiều người còn bị lừa mất hàng trăm triệu đồng khi đặt phải “khách sạn ảo”. Kẻ gian đã giả mạo các trang thông tin của khách sạn lớn, thu tiền khách hàng rồi chặn liên lạc, không cung cấp dịch vụ.
Như trường hợp một người phụ nữ ở Hải Phòng vừa bị chiếm đoạt trên 1 tỉ đồng khi đặt phòng nghỉ dịp cận Tết Nguyên đán 2025 gây xôn xao dư luận gần đây.
Theo đó, vụ việc xảy ra vào ngày 26/1, chị P.T.T (quận Hải An, Hải Phòng) tìm kiếm và đặt phòng cho chuyến du xuân của cả gia đình qua fanpage tích xanh mang tên Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình. Chị T. vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc định mệnh, đó là ngày 27 Tết, bận nhiều công việc nên đầu óc không được tỉnh táo.
Sau khi nhắn tin qua lại, đối tượng bảo chị chuyển khoản trước khoản đặt phòng với số tiền 6.570.000 đồng, do tin tưởng đồng thời cũng là cuối năm nên chị không mảy may nghi ngờ đồng ý chuyển khoản.
Tuy nhiên khi chuyển khoản thành công thì đối tượng nói là “chưa ghi nội dung chuyển khoản” và đề nghị chị chuyển khoản lại và ghi nội dung chuyển khoản như đối tượng gửi.
Sau hai lần chuyển khoản, kẻ lừa đảo bắt đầu vin vào tâm lý khách hàng đã chuyển khoản hai lần, muốn lấy lại tiền, từ đó đã giăng bẫy, yêu cầu khách hàng cung cấp số tài khoản ngân hàng kèm tên và số điện thoại để nhận lại tiền.
Đối tượng gửi cho chị T. một bức ảnh chụp nội dung “Giao dịch không thành công” và yêu cầu nhập mã xác thực VNpay để nhận lại tiền từ doanh nghiệp.
Nóng lòng muốn nhận lại tiền, đồng thời đối tượng liên tục thúc ép nhập mã xác thực, chị T. đã vào ứng dụng ngân hàng của mình nhập mã xác thực VNpay với các con số do các đối tượng lừa đảo gửi cho.
Các đối tượng lại liên tục thúc ép chuyển tiền và làm theo hướng dẫn nên cứ như ma xui quỷ khiến, chị đã chuyển tới 7 lần với số tiền hơn 1 tỉ đồng.
Trước khi đặt phòng chị đã cẩn thận kiểm tra fanpage của resort có tích xanh, nên chị nghĩ rằng đây là trang uy tín và đã nhắn tin liên hệ đặt phòng.
Sau đó xác thực khuôn mặt, mã OTP và đến bước “xác nhận”. Lúc này đối tượng gọi điện liên tục thúc ép chị nhấn vào “xác nhận”, do vậy chị đã nhấn vào. Tuy nhiên, chị T. đâu biết mã xác thực VNpay mà bọn chúng gửi chính là số tiền mà chúng muốn chuyển ra khỏi tài khoản của chị.
Chỉ khi tài khoản của chị hết tiền các đối tượng mới dừng lại. Lúc này chị T. bừng tỉnh, vào website tìm số điện thoại của khách sạn thì được biết phòng khách sạn đã ngừng bán một tháng nay, lúc này chị T. mới ý thức được đã bị các đối tượng lừa đảo. Sau đó chị liên hệ lại thì bọn chúng đã tắt máy, thoát ứng dụng, đóng tài khoản Facebook…
Ngay sau đó, chị T. đã đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hải Phòng trình báo. Hiện lãnh đạo Công an TP Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan vào cuộc, xác minh và điều tra làm rõ vụ việc.
Cảnh giác khi đặt phòng online
Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp lễ tết, mùa cao điểm du lịch và tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty, khu nghỉ dưỡng, phòng vé bán combo, vé máy bay du lịch để lừa đảo du khách.
Khi đặt phòng nghỉ dưỡng, khách hàng cần phải kiểm tra thông tin cẩn thận (ảnh minh họa).
Còn nhớ năm 2024, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 83 người chuyển tiền đặt mua tour du lịch online. Đây là một trong những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ nhu cầu du lịch của du khách được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Trên thực tế, có nhiều thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo khác được cơ quan chức năng cảnh báo.
Tháng 11/2024, Công an tỉnh Ninh Bình đã cảnh báo tình trạng các đối tượng lừa đảo lập các trang mạng xã hội giả mạo các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay trên địa bàn tỉnh hòng chiếm đoạt tài sản của du khách…
Các website, fanpage được lập ra có giao diện gần giống trang web, fanpage của các khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng… có uy tín, sử dụng số điện thoại đường dây nóng để liên hệ, tư vấn cho du khách và gửi kèm nhiều hình ảnh đẹp, có nhận xét của khách hàng khác nhằm gia tăng mức độ uy tín để tạo niềm tin với du khách...
Sau khi đã chiếm được lòng tin của du khách, đối tượng sẽ yêu cầu du khách chuyển tiền đặt cọc trước với lý do khách sạn, nhà nghỉ quá tải, nếu không đặt trước sẽ không giữ được phòng, đến khi du khách vì thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng hoặc thanh toán tiền phòng, tiền ăn cho đối tượng thì chúng sẽ cắt đứt liên lạc với du khách…
Minawa Kenhga Resort & Spa Ninh Bình cũng là một trong những điểm lưu trú bị giả mạo. Đại diện Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, Sở đã nắm được thông tin việc du khách đặt phòng trên fanpage giả mạo một cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh và bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng. Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ. Đồng thời giao phòng chức năng đến làm việc với khu nghỉ dưỡng để hướng dẫn xử lý và tuyên truyền cho du khách biết.
Nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nâng cao nhận thức của người dân và du khách, góp phần đảm bảo môi trường du lịch an toàn, ngày 7/2/2025, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã có Văn bản số 132/SDL-TTr về việc cảnh báo hành vi lừa đảo khi đặt phòng lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Sở cũng đã gửi văn bản chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nghiêm túc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch thông tin về giá cả, hình thức đặt phòng chính thống trên website, fanpage chính thức và các nền tảng đặt phòng trực tuyến uy tín. Áp dụng các biện pháp bảo mật, xác thực thông tin để giúp khách hàng nhận diện fanpage, website chính thức, tránh tình trạng bị giả mạo.
Các cơ sở kinh doanh cần chủ động thông tin đến khách hàng về các phương thức lừa đảo phổ biến, khuyến nghị khách chỉ đặt phòng qua các kênh chính thức. Phối hợp với cơ quan chức năng để cung cấp thông tin về các trường hợp lừa đảo, hỗ trợ du khách khi xảy ra sự cố. Không lan truyền hoặc lợi dụng các thông tin sai lệch về lừa đảo nhằm thu hút sự chú ý, nếu phát hiện trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý theo quy định.
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phát đi thông tin cảnh báo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người có nhu cầu đi du lịch. Có thể kể đến là làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán cùng con dấu của công ty. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.
Chiêu trò, thủ đoạn thứ hai là các đối tượng chạy quảng cáo những bài đăng với nội dung bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ, nhiều ưu đãi kèm theo. Khi có nạn nhân tiếp cận, đối tượng mời chào và đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc khoảng từ 30-50% giá trị. Sau khi đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân tự khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ... nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và chiếm đoạt tài sản.
Một đối tượng lừa đảo bán tour du lịch cho 83 nạn nhân tại tòa.
Thủ đoạn thứ ba là quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi người dân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để người dân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do người khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.
Các đối tượng cũng dùng thủ đoạn mạo danh đại lý bán vé máy bay, tạo lập những website/fanpage của các công ty du lịch uy tín, mạo danh đại lý vé máy bay, tạo các website, trang mạng xã hội, địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự website thật của hãng. Ngoài ra, nhiều người dân có thói quen đặt vé online phục vụ nhu cầu đi du lịch, về quê… dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đơn cử như một số khách hàng mua vé nhận được thẻ lên tàu bị cạo sửa thông tin như giá vé, đối tượng khuyến mãi, ngày đi tàu, ga đi ga đến… nên không có giá trị đi tàu.
Thủ đoạn thứ năm là làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Đối tượng sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hình ảnh của người mà các đối tượng muốn giả mạo, thực hiện cuộc gọi video để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.
Mai Ngọc
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/om-trai-dang-khi-dat-phong-online-du-xuan-i758848/