Ổn định cuộc sống những hộ chăn nuôi không có khả năng chuyển đổi nghề

Ổn định cuộc sống những hộ chăn nuôi không có khả năng chuyển đổi nghề
4 giờ trướcBài gốc
67 khu vực không được phép chăn nuôi
Thực tế những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng phát triển khá ổn định, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò, lợn và gia cầm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm cho người lao động, giảm nghèo và ổn định đời sống khu vực nông thôn. Theo kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2020, toàn tỉnh có 11.912 hộ chăn nuôi khu vực thành thị; sau nhiều lần rà soát, lấy ý kiến của các huyện, thành phố hiện nay có khoảng 206 hộ chăn nuôi trong khu vực nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư có khả năng gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi.
Tỉnh Cao Bằng hỗ trợ các hộ gia đình phải di dời chuồng trại ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Ảnh: Đ. Huệ
Trước thực tế đó, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 44/2023/NQ-HĐND ngày 13.7.2023 quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đi quan trọng để ngành chức năng, các địa phương quản lý chăn nuôi bài bản theo quy hoạch.
Theo Nghị quyết số 44/2023/NQ-HĐND, trên địa bàn tỉnh có 67 khu vực không được phép chăn nuôi; các chính sách để hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi đang hoạt động thuộc diện phải di dời chuồng trại ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi gồm: hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi mà không có nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề; hỗ trợ di dời chuồng trại ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Qua khảo sát cho thấy, Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành được Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nội dung nghị quyết nêu rõ 3 chính sách: hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề (thời gian đào tạo dưới 3 tháng); hỗ trợ các cơ sở khi ngừng hoạt động chăn nuôi mà không có nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề; hỗ trợ di dời chuồng gia súc ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và các mức hỗ trợ kinh phí tương ứng.
Sớm hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở chăn nuôi
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng với Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây về thực hiện Nghị quyết số 44/2023/NQ-HĐND cho thấy, Sở cũng như các địa phương rất tích cực, rốt ráo trong thực hiện nghị quyết. Kết quả, toàn tỉnh có 266/294 cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi (90,48% số cơ sở) đã cam kết dừng chăn nuôi và đăng ký nhận chính sách hỗ trợ “ngừng hoạt động chăn nuôi không có nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề” hoặc chính sách “hỗ trợ di dời chuồng trại ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi”. Trong đó, một số hộ đã dừng việc chăn nuôi hoặc di dời chuồng trại trước thời hạn trước thời hạn Luật Chăn nuôi năm 2018 và Nghị quyết số 44/2024 của HĐND tỉnh quy định. Đáng chú ý, tại địa bàn các huyện Ban đi khảo sát thực tế cho thấy, không phát sinh hộ chăn nuôi mới trong khu vực không được phép chăn nuôi.
Tuy nhiên, các cơ sở cam kết dừng chăn nuôi chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng thức ăn thừa và lao động nhàn rỗi (hưu trí), chăn nuôi không phải là thu nhập chính. Còn 28 cơ sở chăn nuôi không cam kết dừng hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi, các cơ sở này đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng do các cơ sở không có quỹ đất để di dời chuồng trại; một số hộ không có nghề nghiệp ổn định đã vay vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và quy trình sản xuất khép kín (từ nấu rượu, nuôi lợn, xây dựng hệ thống biogas...); một số cơ sở chăn nuôi là hộ có thu nhập thấp, gia cảnh neo đơn khó khăn, quá độ tuổi lao động, không thể đi đào tạo để chuyển đổi nghề, không có đất canh tác…
Ngoài ra, qua khảo sát cũng cho thấy, cách hiểu về cơ sở chăn nuôi còn khác nhau nên việc thực hiện còn khó khăn, chưa đồng nhất. Kết quả thống kê được trong khu vực không được phép chăn nuôi có 294 cơ sở là chưa bao gồm các cơ sở chăn nuôi để giết mổ (thu gom lợn về tập trung tại 1 địa điểm để giết mổ dần); Nghị quyết số 44/2023 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi chưa bao quát (có các khu vực có mức độ phát triển đô thị, mật độ dân cư giống nhau, tuy nhiên, có khu vực thì được quy định là khu vực không được phép chăn nuôi, có khu vực thì vẫn được phép chăn nuôi)...
Trước thực trạng trên, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Cao Bằng cho rằng: để thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, đồng thời ổn định được đời sống Nhân dân, cần sớm triển khai hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở chăn nuôi đã dừng việc chăn nuôi hoặc di dời chuồng trại ra khỏi khu vực cấm; huy động các lực lượng chức năng tham gia tuyên truyền, vận động các hộ chưa cam kết dừng việc chăn nuôi hoặc di dời chuồng trại ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc HĐND tỉnh lưu ý, cần hướng dẫn thêm cho các huyện, thành phố đối với sở chăn nuôi gia súc giết mổ đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi; tiếp tục rà soát các khu vực dân cư cần bổ sung danh sách khu vực không được phép chăn nuôi… Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho tỉnh các giải pháp cụ thể đối với những hộ sống phụ thuộc vào nghề chăn nuôi nhưng không có khả năng chuyển đổi nghề hoặc di dời chuồng trại có thể ổn định cuộc sống.
Đinh Thị Huệ
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/on-dinh-cuoc-song-nhung-ho-chan-nuoi-khong-co-kha-nang-chuyen-doi-nghe-post401708.html