Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh, thành phố nội đồng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long về tăng cường chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh Mỹ công bố sơ bộ mức thuế nhập khẩu đối ứng ở mức 46% với Việt Nam. Mức thuế đối ứng của Mỹ dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất ngành hàng thủy sản Việt Nam.
Trong thời gian Chính phủ hai nước đàm phán nhằm sớm đạt thỏa thuận, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tránh tâm lý lo sợ dẫn đến tình trạng thu hoạch ồ ạt thủy sản nuôi hoặc hạn chế sản xuất, xuống giống... làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và mục tiêu tăng trưởng của ngành.
Sẵn sàng cho kịch bản không thể đàm phán thuế đối ứng với Mỹ trong thời gian ngắn
Để chủ động cho kịch bản xấu nhất, chuẩn bị phương án chuyển hướng tích cực, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh, thành phố nội đồng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tại địa phương bám sát địa bàn sản xuất, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật quản lý tốt thủy sản hiện đang nuôi, thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin thị trường đến người dân và doanh nghiệp yên tâm, ổn định sản xuất trong thời gian các bộ, ban, ngành chức năng đàm phán với Chính phủ Mỹ.
Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh, thành phố nội đồng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tối ưu hóa chuỗi sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng triệt để các biện pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, quan tâm xây dựng thương hiệu, đảm bảo kiểm soát và truy xuất nguồn gốc xuất xứ để tránh bị Mỹ áp gian lận nguồn gốc hàng hóa và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Cục Thủy sản và Kiểm ngư đề nghị các địa phương sẵn sàng cho kịch bản không thể đàm phán, nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đồng thời tìm kiếm thị trường mới.
Trong thời gian này, Cục Thủy sản và Kiểm ngư lưu ý các địa phương tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến tăng sản lượng thu mua và tạm trữ nguyên liệu trong thời gian thị trường xuất khẩu vào Mỹ chưa được đàm phán mức áp thuế phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh giao hàng trong 1-3 tháng tới.
Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ thủy sản trong và ngoài nước nhằm ổn định thị trường. Ảnh: Skertting Việt Nam
Đa dạng thị trường tiêu thụ thủy sản trong và ngoài nước
Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp, hỗ trợ, tổ chức cho các doanh nghiệp chế biến, người dân nuôi trồng thủy sản liên kết với chuỗi các hệ thống siêu thị, các khách sạn, nhà hàng để tăng cường tiêu thụ nội địa.
Cục Thủy sản và Kiểm ngư đề nghị các địa phương kịp thời thông tin về tình hình sản xuất, giải pháp hạn chế tác động xấu khi Mỹ áp thuế đối ứng đối với ngành hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam để kịp thời phối hợp với Cục tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo sản xuất.
Chia sẻ với báo chí Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết, một lô hàng trị giá 500.000USD vốn chỉ chịu thuế 5% (tức 25.000USD), nay có thể phải nộp tới 230.000USD - tương đương gần một nửa giá trị. Trong khi đó, hiện có khoảng 37.500 tấn hàng đang trên đường sang Hoa Kỳ và 31.500 tấn khác đã lên kế hoạch xuất khẩu trong tháng 4-5.
Nếu mức thuế 46% được áp dụng chính thức sau giai đoạn điều tra sơ bộ, nhiều doanh nghiệp thủy sản có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi.
Ông Nguyễn Hoài Nam cảnh báo: “Nếu bị đánh thuế gấp gần 10 lần như vậy, doanh nghiệp sẽ thua lỗ ngay khi hàng cập cảng”.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, cơ quan này đã kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành về một loạt giải pháp ứng phó khẩn cấp, gồm: cơ chế hoãn - giãn thuế với các hợp đồng đã ký, đàm phán lại mức thuế theo từng ngành hàng hoặc theo vùng nuôi đạt chuẩn. Đồng thời, Việt Nam cần xúc tiến nhanh việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang Brazil, Mexico và Trung Đông. Đây là những thị trường tiềm năng đang có dư địa lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, năm 2024, thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Trung Quốc và Hồng Kông, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc là các thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 21,7%, 18%, 15,1%, 9,9%, 8% và các nước còn lại 27,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD.
Quý 1 năm 2025, ngành thủy sản tiếp tục đạt kết quả tăng trưởng tốt, sản lượng ước đạt 1,99 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó cá đạt hơn 1,48 triệu tấn, tăng 2,9%; tôm đạt hơn 202 nghìn tấn, tăng 4,6%; thủy sản khác đạt gần 311 nghìn tấn, tăng 1,5%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỉ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2024.
PV