Ôn tập môn ngữ văn: Học để hiểu, viết để thể hiện suy nghĩ

Ôn tập môn ngữ văn: Học để hiểu, viết để thể hiện suy nghĩ
7 giờ trướcBài gốc
Trong giai đoạn ôn thi nước rút, việc hệ thống hóa lại các đặc điểm thể loại văn bản là rất cần thiết
Cấu trúc đề thi năm nay gồm hai phần chính: Đọc hiểu (4 điểm) và làm văn (6 điểm). Phần đọc hiểu sử dụng ngữ liệu hoàn toàn mới, có thể là đoạn trích văn học, văn bản báo chí, văn bản đa phương tiện hoặc thông tin thời sự... không có trong sách giáo khoa. Thí sinh phải trả lời 5 câu hỏi với yêu cầu không chỉ hiểu nội dung, mà còn phân tích dụng ý nghệ thuật, đánh giá thái độ người viết, liên hệ thực tiễn… Đây là điểm khác biệt lớn so với những năm trước.
Phần làm văn gồm một đoạn văn nghị luận (2 điểm) và một bài văn nghị luận (4 điểm). Điều đáng chú ý là không cố định dạng bài như trước. Đoạn nghị luận có thể là nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học, bài văn cũng vậy. Điều này đòi hỏi học sinh cần nắm chắc đặc trưng của từng thể loại và vận dụng linh hoạt.
Thầy Trần Văn Toản, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Văn Trường THPT chuyên Quốc Học Huế cho biết: “Đây là năm đầu tiên thay đổi cách ra đề nên học sinh sẽ lúng túng nếu không được chuẩn bị kỹ. Việc sử dụng ngữ liệu ngoài chương trình là một thách thức nên đòi hỏi học sinh phải rèn kỹ năng đọc hiểu nhanh, nắm ý chính, biết suy luận, đánh giá và diễn đạt rõ ràng quan điểm cá nhân”.
Theo thầy Toản, trong quá trình dạy học, việc rèn luyện kỹ năng làm bài theo từng kiểu văn bản được ưu tiên hàng đầu. Sau mỗi bài giảng, học sinh được thực hành các đề tương tự đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm quen cấu trúc và độ khó. Ngoài ra, thầy cũng khuyến khích học sinh đọc thêm nhiều văn bản ngoài chương trình, từ sách văn học, báo chí, đến các sự kiện thời sự, các bài viết phản biện, phân tích… để làm giàu vốn sống và hiểu biết xã hội.
Em Trần Khánh Linh, lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ: “Em không học thuộc mà học hiểu, học cách lập luận. Ngoài ra, em dành thời gian đọc thêm báo, sách để có ví dụ dẫn chứng thực tế, tạo phong phú cho bài viết”.
Trong giai đoạn ôn thi nước rút, việc hệ thống hóa lại các đặc điểm thể loại văn bản đã học là rất cần thiết. Học sinh cần nắm vững cách làm bài nghị luận xã hội (trình bày rõ quan điểm, nêu lý lẽ và dẫn chứng phù hợp); cũng như nghị luận văn học (hiểu tác phẩm, nhân vật, phong cách tác giả và biết so sánh, liên hệ). Đồng thời, việc luyện viết thường xuyên, tự sửa bài, trao đổi với thầy cô để khắc phục điểm yếu là điều quan trọng không thể thiếu.
Với hướng đề thi mới như năm nay, những học sinh có nền tảng vững về kỹ năng viết, tư duy độc lập, khả năng phản biện và vốn sống phong phú sẽ là một lợi thế. Việc học thuộc văn mẫu hay viết theo khuôn sẵn sẽ không còn phù hợp. Thay vào đó, học sinh cần thể hiện suy nghĩ cá nhân một cách mạch lạc, có căn cứ và lập luận thuyết phục.
Việc chuẩn bị cho kỳ thi ngữ văn năm 2025 là quá trình rèn luyện tư duy, cách nhìn nhận cuộc sống và thể hiện bản thân qua ngôn ngữ. Nếu có sự chuẩn bị đúng hướng và nỗ lực rèn luyện hàng ngày, học sinh hoàn toàn có thể vượt qua thử thách với tâm thế chủ động và tự tin.
Bài, ảnh: Bạch Châu
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/giao-duc/on-tap-mon-ngu-van-hoc-de-hieu-viet-de-the-hien-suy-nghi-153630.html