Đó là chia sẻ của ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Lễ trao giải Cuộc Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết, sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết năm 2024 diễn ra cuối tuần qua tại Đà Lạt.
Ông Bùi Hoàng Hải cho biết, thị trường chứng khoán trải qua 24 năm phát triển, từ thị trường rất nhỏ đã phát triển quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu hơn 60% GDP, tính cả trái phiếu và trái phiếu doanh nghiệp là gần 100% GDP. Thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam so với khu vực ASEAN và là một trong những thị trường có vốn hóa cao, năng động. Tuy vậy, thị trường phải phát triển theo hướng đi sâu thay vì phát triển theo chiều rộng. Điều này cũng được thể hiện ở sự quan tâm của Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó đặt ra rất nhiều trọng tâm liên quan đến thị trường, hướng thị trường đi vào hoạt động hiệu quả, thực chất hơn.
Năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối với hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) và tất cả các thành viên thị trường tập trung vào các giải pháp cải thiện chất lượng thị trường, trong đó có việc ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC (Thông tư 68) yêu cầu các doanh nghiệp có lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Đây là một bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công bố thông tin và nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam, phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán và mong muốn của các nhà đầu tư quốc tế.
"Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, tổng giá trị xuất nhập khẩu có thể lên đến trên 160% GDP. Tuy nhiên, thị trường chúng ta thì như thế nào? Mặc dù năm nay số lượng tuyệt đối về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam duy trì khoảng 47 tỷ USD, nhưng xét về con số tương đối, nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ khoảng 16% tổng giá trị vốn hóa ngoài thị trường. Nếu so với các nước xung quanh có thể thấy, tỷ lệ này đang rất thấp, còn so với mức độ mở của nền kinh tế Việt Nam thì con số này tương đối hẹp", ông Hải đánh giá.
Theo ông hải, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã tiến hành sửa quy đổi quy trình, quy chế như Thông tư 68… “Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường thì chúng ta cần có hàng hóa. Vấn đề đầu tiên đặt ra là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu tại nhiều doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài là bằng 0, do đó nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia”, ông Hải nói.
Vấn đề trọng tâm thứ hai là nguyên tắc đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế. Họ quan tâm nhiều đến quản trị công ty tốt, ESG, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng... Do đó, ngoài nỗ lực từ cơ quan quản lý, thì rất cần sự cố gắng, quyết tâm của doanh nghiệp trong chuyển đổi hoạt động theo hướng linh hoạt, có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng.
Bên cạnh đó, ông Hải hy vọng bản thân các sở giao dịch chứng khoán, cùng các công ty kiểm toán trong nhóm big4, các tổ chức quốc tế… sẽ cùng đồng hành để xây dựng, phát triển công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ những thành tố ESG, quản trị công ty là gì, qua đó giúp doanh nghiệp quan tâm giảm chi phí khi thực hành ESG thông lệ tốt.
Phan Hằng