Ông Bùi Văn Chanh - Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ: : Mưa sẽ nhiều hơn các năm gần đây

Ông Bùi Văn Chanh - Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ: : Mưa sẽ nhiều hơn các năm gần đây
3 giờ trướcBài gốc
Qua phân tích dự báo tình hình thời tiết, thủy văn trên địa bàn tỉnh, từ nay đến cuối năm 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần hết sức đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Mưa lớn trong thời gian ngắn, bão mạnh và lũ lụt, gió mạnh trên biển,…
Ông Bùi Văn Chanh.
Theo đó, trong các tháng cuối năm 2024, có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới thời tiết tỉnh. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 8-10 đợt không khí lạnh tăng cường gây ra gió trên đất liền mạnh cấp 4, cấp 5 và trên biển mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, kèm với đó là mưa rào và dông. Cụ thể, mùa mưa bão bắt đầu từ giữa tháng 9 và có khả năng kết thúc vào cuối tháng 12, không loại trừ kéo dài sang những ngày đầu tháng 1-2025. Trong mùa mưa, có khả năng xuất hiện từ 5 đến 6 đợt mưa lớn trên diện rộng, trung bình mỗi đợt mưa kéo dài 3 - 5 ngày, với tổng lượng mưa 200 - 400mm/đợt; cực đoan có thể cao hơn 600mm/đợt. Tổng lượng mưa toàn tỉnh phổ biến 1.200 - 1.400mm, riêng khu vực vùng núi phía tây vào khoảng 1.300-1.700mm; có nơi cao hơn 2.000mm. Tổng lượng mưa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 đến 40%.
Thời gian tập trung lũ từ cuối tháng 9 đến tháng 12, đỉnh lũ năm 2024 có khả năng cao hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Lượng dòng chảy trên sông Cái Nha Trang từ tháng 9 đến tháng 12 ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 đến 40%. Trên các sông thuộc địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện từ 3 đến 5 trận lũ, trong đó có 2 - 4 trận lũ lớn và 1 - 2 trận lũ trên mức báo động 3. Các trận lũ lớn tập trung chủ yếu vào tháng 10 và tháng 11.
Trong các đợt mưa lũ lớn cần chú ý đề phòng khả năng ngập lụt ở khu vực hạ lưu sông Dinh (Ninh Hòa) tại các xã, phường: Ninh Đa, Ninh Hiệp, Ninh Bình, Ninh Giang (Ninh Hòa) có độ ngập sâu từ 0,5 đến 1m; khu vực hạ lưu sông Cái (Nha Trang) tại các xã: Diên An, Diên Toàn, Diên Hòa (huyện Diên Khánh) và các xã: Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp (Nha Trang) có độ ngập sâu từ 0,5 đến 1,5m.
Khu vực có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất đá khi xảy ra mưa lớn là các xã vùng núi thuộc các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Đặc biệt, một số khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất đá rất cao như: Đèo Cù Hin, đèo Khánh Lê và đèo Phượng Hoàng.
H.Đ (Ghi)
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202410/ong-bui-van-chanh-truong-phong-du-bao-dai-khi-tuong-thuy-van-khu-vuc-nam-trung-bo-mua-se-nhieu-hon-cac-nam-gan-day-1fe2988/