Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đã trải qua những ngày đầy biến động. Chỉ số Dow Jones Industrial Average khép lại tuần giao dịch với mức giảm 2.230 điểm, tương đương 5,5%.
Mark Zuckerberg. Ảnh: Getty
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng không khá hơn khi lao dốc 6% vào ngày 4 tháng 4. Đặc biệt, chỉ số Nasdaq, nơi tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ, chứng kiến mức giảm mạnh 5,8%, chính thức rơi vào trạng thái thị trường giá xuống.
Phiên giao dịch ngày 4 tháng 4 được ghi nhận là ngày tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ kể từ năm 2020. Trước đó, ngày 3 tháng 4 cũng đánh dấu mức giảm lớn thứ hai trong lịch sử gần đây. Chỉ trong hai ngày, S&P 500 đã mất hơn 10% giá trị.
Nguyên nhân của đợt sụt giảm này bắt nguồn từ việc Mỹ công bố áp dụng thuế quan "tương hỗ" nhằm đáp trả các chính sách thương mại từ các quốc gia khác. Ngay sau đó, Trung Quốc phản ứng bằng cách áp thuế 34% lên toàn bộ hàng hóa và sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.
Chưa dừng lại ở đó, Mỹ còn đưa ra thuế quan "cá nhân hóa" với mức cao nhất lên tới 50%, áp dụng riêng cho một số quốc gia và khu vực cụ thể trên thế giới. Những động thái này đã làm gia tăng căng thẳng thương mại và gây áp lực lớn lên thị trường tài chính.
Không chỉ các tài khoản hưu trí 401(k) của người dân bị ảnh hưởng, mà ngay cả những người giàu nhất thế giới cũng không tránh khỏi thiệt hại trong cơn bão thị trường lần này.
Mark Zuckerberg mất hàng chục tỷ USD
Ông Mark Zuckerberg, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Meta Platforms, là một trong những tỷ phú chịu tổn thất nặng nề nhất. Theo Bloomberg\'s Billionaires Index, tài sản của ông đã "bốc hơi" 27,34 tỷ USD chỉ trong hai ngày.
Báo cáo từ Bloomberg cũng chỉ ra rằng 500 người giàu nhất thế giới đã chứng kiến tổng tài sản giảm mạnh ở mức kỷ lục trong lịch sử theo dõi của chỉ số này. Phần lớn tài sản của ông Zuckerberg gắn liền với Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook.
Đáng chú ý, các cổ phiếu công nghệ, vốn nhạy cảm với biến động thương mại, chịu thiệt hại nặng hơn so với các lĩnh vực khác. Nguyên nhân là do ngành này phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng sản xuất, chip máy tính và dịch vụ công nghệ thông tin từ Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan cùng nhiều khu vực ngoài Mỹ.
Ngoài tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan, các chuyên gia nhận định rằng nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại hoặc suy giảm, doanh thu quảng cáo của các "ông lớn" như Meta và Amazon cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Thông tin này được trích dẫn từ chương trình CNBC Investing Club with Jim Cramer.
Một số tỷ phú vẫn "kiếm bộn" giữa lằn ranh khó khăn
Trong khi nhiều người lo lắng về những khoản lỗ lớn, một số tỷ phú lại tận dụng được cơ hội để gia tăng tài sản.
Theo Bloomberg, ông Dan Gilbert, đồng sáng lập Rocket Mortgage kiêm chủ sở hữu đội bóng rổ Cleveland Cavaliers, đã kiếm được 1,91 tỷ USD vào ngày 5 tháng 4. Nhờ đó, tổng tài sản của ông tăng lên mức 32,4 tỷ USD, bất chấp bối cảnh thị trường đầy thách thức.
Dũng Phan (Theo Men’s Journal)