Ông Dominic Scriven trình bày về dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025. Ảnh: Lê Toàn
Tăng trưởng phục hồi, lãi suất khó giảm tiếp
Dự báo lớn của Dragon Capital là triển vọng kinh tế và thương mại của Việt Nam vẫn tương đối tích cực, được hỗ trợ bởi định hướng thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Ở chiều ngược lại, đồng USD mạnh lên có thể kéo dài quá trình rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi, để chuyển sang thị trường Mỹ. Các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, có thể tiếp tục phải chịu chiết khấu về định giá trong thời kỳ “Trump 2.0”, tức nhiệm kỳ lần 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, như đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
"Các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, có thể tiếp tục phải chịu chiết khấu về định giá trong thời kỳ “Trump 2.0”, tức nhiệm kỳ lần 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump" - Ông Dominic Scriven. Ảnh: Lê Toàn
Theo ông Dominic, năm 2025, tình hình địa chính trị trên thế giới có nhiều diễn biến khó lường, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá sẽ khởi sắc hơn. Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với toàn cầu, diễn biến nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế Việt Nam năm 2025.
Theo dõi của Dragon, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang trên đà phục hồi và năm nay có không ít sự bất ngờ. Tổng giá trị xuất nhập khẩu năm nay dự báo có phục hồi cao hơn mức trước covid, là điểm đáng mừng, tuy rằng chưa thể hiện xu hướng tăng rõ ràng, mạnh mẽ. Tổng giá trị thương mại toàn cầu 25.000 tỷ USD, bằng 25% tổng GDP toàn cầu trong khi tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương hơn 100% GDP, nên đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam cần theo dõi.
Lạm phát cơ bản đã giảm 2,5% nên khá nhiều ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất, trong đó Việt Nam, nên khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất có hạn.
Về tỷ giá, đồng USD bắt đầu mạnh lên khi có thông tin về thời kỳ “Trump 2.0”. Chính sách của ông Trump là cam kết hỗ trợ nhiều hơn các ngành kinh tế, hệ quả là GDP tăng lên, lạm phát sẽ tăng lên và đồng USD sẽ mạnh hơn. Đây là gánh nặng với nền kinh tế Việt Nam.
Dragon theo dõi một nhóm doanh nghiệp nhận thấy, năm 2022 và 2023 doanh thu của nhóm doanh nhiệp này tăng nhưng lợi nhuận không tăng vì hai năm này khá khó khăn. Tuy nhiên, dự báo cho 12 tháng của năm nay, có sự phục hồi rõ nét về doanh số và lợi nhuận. Nhìn sang năm 2025, Dragon dự báo quá trình phục hồi sẽ tiếp tục vẫn còn tiếp diễn. Doanh số và lợi nhuận theo từng quý năm nay thì sự phục hồi diễn ra đều đều.
Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2024 cho thấy, khoảng 165 công ty (chiếm khoảng 42% doanh nghiệp niêm yết) có mức tăng trưởng trên 20% - là con số cho thấy mức độ phục hồi đang lan rộng hơn. Dự báo cả năm 2024, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường khoảng 18-19%.
Về kinh tế vĩ mô, tiêu thụ năng lượng tăng trưởng ở mức 2 con số. Thị trường tiêu thụ hàng hóa cũng có phục hồi tuy tiêu thụ trang sức vàng hoặc thiết bị điện tử thì lúc lên lúc xuống chưa thực sự tăng rõ ràng. Tăng trưởng tín dụng theo báo cáo của ngân hàng nhà nước các quý tăng đều đều.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của các doanh nghiệp niêm yết có tăng nhưng không tăng bằng tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống. Tức tăng trưởng tín dụng chạy vào khu vực cá nhân và hộ gia đình nhiều. Tổng tín dụng tăng 15% nhưng tăng cung tiền 12% cho thấy nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi nhưng cung tiền vẫn ở mức độ thấp.
Về tỷ giá, số dư USD trong hệ thống ngân hàng có giảm một chút. Mặt bằng lãi suất của Việt Nam đã tương đối thấp nên dư địa để cắt giảm lãi suất tiếp là một thách thức không nhỏ, khi có sức ép của tỷ giá với đồng USD.
Đại diện các doanh nghiệp niêm yết nghe trình bày tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2025 do ông Dominic trình bày. Ảnh: Lê Toàn
Dự báo 2 kịch bản tăng trưởng dưới ảnh hưởng chính sách thời “Trump 2.0”
Theo ghi nhận của Dragon, công cụ, chính sách sắp tới mà Chính phủ Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump có thể sử dụng, bao gồm chính sách thương mại, tài khóa và tiền tệ có thể dự báo gồm:
Thuế nhập khẩu sẽ tăng: Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đề cao các biện pháp thương mại mạnh mẽ nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Trong đó, áp thuế 60% lên hàng hóa từ Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại với quốc gia này và thúc đẩy sản xuất trong nước; áp thuế rộng từ 10% - 20% đối với các quốc gia khác, nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ trước sự cạnh tranh quốc tế.
Dragon Capital nhận định, việc nếu áp dụng ngay các chính sách này thì sẽ hơi khó cho vị thế của Mỹ, nhưng có thể ảnh hưởng ngay lập tức đối với giá trị NDT của Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc dịch chuyển sang các nước khác là xu hướng khá rõ trong 2 năm nay, trong đó có sang Việt Nam.
Doanh nghiệp tham gia Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết 2024. Ảnh: Lê Toàn
Về chính sách tài khóa: Thiên hướng Tổng thống Trump là chủ động có chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa Mỹ, kết quả là trước mắt tốc độ GDP có thể tăng, nhưng lạm phát có thể ở mức cao và lãi suất cao hơn và vị thế đồng USD sẽ mạnh hơn. Điều này là gánh nặng cho các nước đang phát triển, như Việt Nam.
Chính sách tiền tệ: Nói chung, lãi suất càng cao, hoạt động tài khóa càng nhiều thì không thể cắt giảm lãi suất nhiều hơn được nữa.
Việt Nam duy trì thặng dư thương mại lớn với Mỹ, xếp vào nhóm quốc gia có thặng dư lớn nhất, sau Trung Quốc và Mexico. Cùng với dòng vốn FDI từ Trung Quốc ngày càng tăng và nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây, dấy lên lo ngại có thể một số mặt hàng của Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và điều tra về chuyển giá bất hợp pháp.
Các rủi ro từ chính sách bảo hộ, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Trung Quốc, là điều cần được đánh giá kỹ lưỡng. Chính sách cấm vận với hàng hóa Trung Quốc có thể gây ra sự cạnh tranh nhiều hơn với các doanh nghiệp trong nước, chẳng hạn hàng hóa ngập tràn thông qua các nền tảng thương mại điện tử, xuyên biên giới đã nhanh chóng xâm nhập vào Việt Nam – là thách thức lớn.
Về cáo buộc thao túng tiền tệ, Chính phủ Mỹ thường nhìn vào 3 điểm để đánh giá: (1) thặng dư thương mại ít nhất 15 tỷ USD, thì hiện thặng dư thương mại song phương với Mỹ lên đến 103 tỷ USD; (2) cán cân tài khoản vãng lai tối thiểu 3% GDP, hiện Việt Nam đạt 5,8%GDP; (3) Ngân hàng Nhà nước có các hành động tạo lợi thế về giá trong thương mại hay không. Điểm thứ 3 không đáng ngại vì từ năm 2019, Việt Nam liên tục khẳng định không sử dụng chính sách tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự mất giá của đồng tiền nhằm tránh nhập khẩu lạm phát và duy trì tiêu dùng trong nước, thay vì tạo lợi thế về giá trong thương mại. Kể từ năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chi hơn 20 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để ổn định đồng VND, thể hiện cam kết duy trì sự ổn định tiền tệ.
Qua đó, Dragon Capital cho rằng, các yếu tố trên có thể tạo cơ sở cho Việt Nam xử lý các mối lo ngại về thao túng tiền tệ bằng cách thu hẹp thặng dư thương mại, cụ thể hơn là Việt Nam có thể mở rộng nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng tiềm năng như khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), máy bay…
Trên thế giới đã đặt câu hỏi về sự phát triển của các nước đang phát triển thời “Trump 2.0”. Theo mức độ ảnh hưởng của chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ tới nền kinh tế đang phát triển, Dragon dự báo, nếu mức độ ảnh hưởng vừa thì tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,8%, nếu ảnh hưởng nhiều thì tăng trưởng giảm xuống mức 5,6% trong năm 2025.
Phan Hằng