Ðồng hạn nước về, đồng úng nước đi

Ðồng hạn nước về, đồng úng nước đi
14 giờ trướcBài gốc
Công nhân Trạm bơm Mai Xá B (Tiên Lữ) kiểm tra hệ thống máy bơm
Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm dành hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm; cán bộ, Nhân dân các địa phương đã phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, chung sức, đồng lòng cải tạo, chỉnh trang, làm mới kênh mương, công trình thủy lợi. Những công trình lớn, có vai trò quyết định nâng cao năng lực tưới, tiêu phục vụ sản xuất, dân sinh đã được xây dựng thời gian qua như các công trình, dự án: Cải tạo, nâng cấp, mở rộng đê tả sông Hồng, sông Ðồng Quê - Cửu An, sông Ðiện Biên, sông Hòa Bình, sông Tây Tân Hưng…; các trạm bơm với mô hình khuôn viên xanh được đưa vào khai thác sử dụng như: Mai Xá B, Tam Ðô, Triều Dương, La Tiến, Văn Phú B, Bảo Khê… Trong 2 năm trở lại đây, nhiều công trình, dự án thủy lợi đã được tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác mang lại hiệu quả cao. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng Trạm bơm Hòa Ðam 1 (thị xã Mỹ Hào) với tổng mức đầu tư 31 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Trạm bơm được thiết kế gồm 4 máy trục đứng HTÐ 2.400-3,5, có nhiệm vụ bảo đảm tưới cho khoảng 250 héc-ta và tiêu khoảng 210 héc-ta của thị xã Mỹ Hào. Ðến cuối năm 2022, nhà thầu đã hoàn thành công trình theo đúng tiến độ và bàn giao cho Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi thị xã Mỹ Hào đưa vào sử dụng. Dự án cải tạo, nâng cấp Trạm bơm Ðồng Lý, huyện Kim Ðộng với tổng mức đầu tư 27,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự án được đầu tư 6 máy bơm hướng trục đứng công suất 4.000m3/h, nhằm bảo đảm tưới, tiêu thoát nước của các xã: Chính Nghĩa, Diên Hồng (Kim Ðộng).
Ðồng chí Bùi Văn Sao, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Với tư duy đổi mới, giải pháp sát thực tế, sự đồng lòng của Nhân dân, thời gian qua, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư. Hiện nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng đưa vào khai thác 638 trạm bơm, trong đó có 454 trạm bơm chuyên tưới, 38 trạm bơm chuyên tiêu và 146 trạm bơm tưới, tiêu kết hợp. Hệ thống kênh nội đồng của tỉnh cơ bản hoàn thiện từ công trình đầu mối đến mặt ruộng, với tổng chiều dài hơn 6.289km; kênh tiểu thủy lợi hơn 5.000km.
“Ðồng hạn nước về, đồng úng nước đi”, với mục tiêu này, cùng với đầu tư kinh phí của Nhà nước, phong trào làm thủy lợi của Nhân dân ở các địa phương đã được khơi dậy và duy trì. Vào mùa làm thủy lợi đông xuân hằng năm, Nhân dân trong tỉnh đóng góp hàng nghìn ngày công lao động nạo vét, đào đắp hàng trăm ki-lô-mét kênh mương để dẫn dòng nước mát cho cây trồng lên xanh. Trên các thửa ruộng đã được cày lật đất nằm nghiêng mình phơi nắng hanh hao của mùa đông, không khí làm thủy lợi đông xuân của nông dân xã Hải Thắng (Tiên Lữ) nhộn nhịp, khẩn trương; những con kênh, bờ mương đang được nông dân tay cuốc, tay xẻng đào đắp, vận chuyển từng khoanh đất để uốn nắn, khơi sâu chuẩn bị đón dòng nước đổ ải vụ lúa xuân. Bác Nguyễn Hải Yến, nông dân trong xã phấn khởi cho biết: Ðến mùa làm thủy lợi là Nhân dân trong xã lại cùng nhau đi làm thủy lợi. Xã, thôn tổ chức huy động phương tiện và hỗ trợ một phần kinh phí, mỗi nhà góp một người tham gia, nhà nào vướng bận công việc không tham gia được thì đóng góp bằng tiền. Vì thế, nhiều năm nay phong trào làm thủy lợi của xã được duy trì đều đặn, cây trồng quanh năm xanh tươi, năng suất, hiệu quả kinh tế được nâng cao, nhờ đó đời sống nông dân được cải thiện.
Với hệ thống thủy lợi đồng bộ, phát huy hiệu quả cao, nông dân trong tỉnh đã tích cực cải tạo đồng ruộng, vườn tạp, chọn cây trồng có giá trị để sản xuất hàng hóa. Cây ăn quả, cây xuất khẩu có xu thế mở rộng. Quan hệ sản xuất trong nông thôn ngày càng được mở rộng, các hình thức tổ chức sản xuất đa dạng. Kinh tế trang trại phát triển với tốc độ khá, góp phần khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong sản xuất nông nghiệp.
Đào Ban
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/dong-han-nuoc-ve-dong-ung-nuoc-di-3178922.html