Ông Hóa dân vận khéo

Ông Hóa dân vận khéo
4 giờ trướcBài gốc
Ông Hóa (bìa trái) cùng Bí thư Chi bộ thôn 2 và Chủ tịch UBMTTQVN xã Vinh Thanh trao đổi công việc
Người dân thôn 2, xã Vinh Thanh chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp, một số đi biển hoặc làm thợ, làm thuê. So với toàn xã, hộ nghèo, cận nghèo ở thôn 2 còn chiếm tỷ lệ cao. Nhưng theo đánh giá của bà Trần Thị Thủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vinh Thanh, người dân thôn 2 đoàn kết, đồng lòng hưởng ứng, thực hiện tốt nhất các cuộc vận động, tích cực đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng, chống thiên tai; đóng góp kinh phí mở rộng, bê tông nhiều tuyến đường, sửa chữa các công trình công cộng… “Để có sự đoàn kết, đồng lòng đó, có công sức, vai trò rất quan trọng của ông Trần Thanh Hóa, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn” - bà Thủy chia sẻ.
Trước đây, ông Hóa tập trung vào công việc chăm sóc, kinh doanh hoa lan, hoa mai. Vườn hoa với số lượng khoảng 500 chậu lan, mai các loại, mang lại thu nhập ổn định. Ngoài ra, ông còn tất bật phụ vợ kinh doanh cửa hàng tạp hóa, đại lý gạo. Nhưng khi thực hiện vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, ông Hóa “bỏ lại phía sau” công việc kinh doanh của gia đình để tập trung thời gian cho công tác xã hội, với tâm huyết phải thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả. Không chỉ lúc “đụng việc” mới “đi từng ngõ gõ từng nhà”, mà lúc nào ông Hóa cũng luôn gần gũi, hỏi han, lắng nghe, chia sẻ với người dân trong thôn. Bởi vậy, người Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn hiểu và nắm rõ hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi của từng hộ gia đình, tâm tư của mỗi người dân trên địa bàn, đưa ra những tham mưu, đề xuất sát thực tế để cấp trên có sự hỗ trợ, đảm bảo tốt vấn đề an sinh xã hội.
Trước khi vận động người dân thực hiện chủ trương mở rộng và bê tông hóa đường thôn (theo diện Nhà nước và Nhân dân cùng làm), ông Trần Thanh Hóa cùng với bí thư chi bộ và trưởng thôn bàn bạc, thống nhất những nội dung sẽ đưa ra trong cuộc họp dân. Trong đó, sẽ đề nghị không phải các hộ đều đóng góp số tiền bằng nhau mà miễn, giảm đối với những hộ nghèo, già cả, neo đơn khó khăn, bệnh tật. Những hộ khá giả có thể tình nguyện đóng góp nhiều hơn.
Trước những phân tích có lý, có tình, nhân văn, người dân thôn 2 đã vui vẻ nhất trí với chủ trương này. Sau cuộc họp, ông Hóa phối hợp với bí thư chi bộ thôn và trưởng thôn đến từng hộ có điều kiện kinh tế để tiếp tục vận động và nhận được sự hưởng ứng. Do đó, hai tuyến đường thôn tổng chiều dài khoảng 300m đã thuận lợi được mở rộng và bê tông hóa với kinh phí người dân đóng góp hơn 100 triệu đồng. Những hộ bị ảnh hưởng cũng vui vẻ “lùi lại” cổng nhà hoặc hàng rào, hiến đất để con đường được thẳng.
Với cách làm việc có lý có tình như vậy, ông Hóa phối hợp với bí thư chi bộ và trưởng thôn vận động, được người dân hưởng ứng, đóng góp hơn 100 triệu đồng để sửa chữa nhà văn hóa thôn; đóng góp 20 triệu đồng để sửa chữa cổng chào của thôn; đóng góp gần 150 triệu đồng để xây dựng 2 tuyến điện thắp sáng với tổng chiều dài hơn 1.000m.
“Trong năm 2025, thôn 2 sẽ tiếp tục mở rộng, bê tông hóa 11 tuyến đường thôn, với tổng chiều dài khoảng 3.000m. Để công tác phối hợp, vận động giữa Mặt trận và các đoàn thể đạt hiệu quả cao, mục tiêu cao nhất là vì lợi ích chung của cộng đồng, trên cơ sở thấu hiểu để có những giải pháp linh hoạt. Đặc biệt là sự phối hợp giữa Trưởng ban Công tác Mặt trận, bí thư chi bộ và trưởng thôn thật chặt chẽ, thấu lý, đạt tình. Có như vậy mới tiếp tục nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân như thời gian qua” - ông Trần Thanh Hóa nói.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/ong-hoa-dan-van-kheo-151080.html