Sáng 22/4/2025, ông Hoàng Quốc Vượng tiếp tục bị xét xử về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trong phiên tòa, ông Vượng chua chát khi trả lời HĐXX rằng: “Chỉ vì chữ “đã” không được bản thân hiểu đúng mà dẫn tới sai lầm đáng tiếc”
Trong phiên tòa sáng 21/4, ông Hoàng Quốc Vượng thừa nhận mình sai dẫn đến thiệt hại cho nhà nước.
Ông Hoàng Quốc Vượng và 11 bị cáo khác đang bị xét xử trong vụ án liên quan đến việc chỉ đạo xây dựng dự thảo Quyết định số 13, dẫn đến mở rộng đối tượng được áp dụng hưởng giá điện ưu đãi. Phiên tòa dự tính kéo dài 9 ngày.
Điều này được xác định trái với Nghị quyết 115 của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến việc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán cho các nhà máy điện mặt trời với giá cao, gây ra thiệt hại hơn 1.040 tỷ đồng.
Tại phần xét hỏi của HĐXX vào ngày 21/4, ông Vượng khẳng định, khi chỉ đạo xây dựng dự thảo, ông không nghĩ mình sai. Chỉ khi khởi tố vụ án, ông mới biết mình sai.
Ngày 22/4, phiên tòa sơ thẩm tại TAND Tp. Hà Nội tiếp tục với phần tham gia của các luật sư. Qua đó, ông Vượng lý giải vì sao tại thời điểm chỉ đạo xây dựng văn bản, ông không nghĩ bản thân mình sai.
Cụ thể, ông Vượng bị cáo buộc, tại cuộc họp ngày 2/4/2019, đã chỉ đạo Tổ soạn thảo sửa cụm từ "đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận" thành "đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp". Điều này dẫn đến mở rộng thêm dự án được hưởng giá điện ưu đãi.
Ông Vượng cho biết từ "đã" là mấu chốt vấn đề trong cụm từ trên. Thời điển Bộ Công Thương được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Quyết định số 13, bản thân ông đã không chú ý tới từ này dẫn đến sai phạm đáng tiếc.
Ông tiếp tục khẳng định, chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng, ông mới hiểu rõ về từ này. Ông được giải thích Nghị quyết số 15 ghi "đã được Thủ tướng chấp thuận triển khai", thì từ "đã" phải được hiểu là trước thời gian 31/8/2018 – ngày ban hành Nghị quyết 115.
Ông Vượng lý giải hai lý do khiến bản thân đã không quan tâm đến chữ "đã" tại thời điểm đó. Trước hết là cụm từ "đã được Thủ tướng chấp thuận triển khai", được xuất hiện, sao chép ở rất nhiều văn bản. Cụ thể là văn bản đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận từ đầu năm 2018 và Văn Phòng Chính phủ cũng dùng cụm từ "đã được Thủ tướng chấp thuận triển khai" để giao nhiệm vụ cho các Bộ, Ngành. Ngoài ra, cụm từ này còn xuất hiện trong một số nghị quyết khác, trong đó có Nghị quyết số 115.
"Cho nên lúc đó tôi nghĩ từ "đã" ở đây không có hàm ý chỉ vào một ngày cụ thể nào trong quá khứ” - ông Vương giãi bày.
Ông Vượng trả lời tại tòa rằng mục tiêu cuối cùng của nghị quyết là hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển 2.000MW điện mặt trời được hưởng giá điện ưu đãi đến hết 2020 nên bản thân đã suy nghĩ rằng cần xây dựng quy định hướng tới mục tiêu cuối cùng của Nghị quyết 115 đưa ra là "giảm thiểu thủ tục hành chính sau này".
Vì lý do đó, ông đã cho chỉ đạo xây dựng dự thảo Quyết định số 13 mà không đề cập đến ngày tháng cụ thể nào. Vị cựu Thứ trưởng nhiều lần khẳng định bản thân chỉ đạo xây dựng dự thảo trên tinh thần xây dựng, không vì vụ lợi, hay có cá nhân nào tác động, can thiệp.
Nguyễn Duy Trung