Trải qua 50 năm kể từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi người con Việt Nam đều mang trong lòng những ký ức, cảm xúc và hành trình riêng. Có người lớn lên cùng đất nước trong thời kỳ đổi mới, có người trở về từ phương xa để góp phần dựng xây quê hương.
Với ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), nửa thế kỷ qua là một chặng đường dài với những bước rẽ ngoặc, sự dấn thân và cả đánh đổi.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi có dịp gặp ông tại văn phòng làm việc ở TP.HCM. Ở tuổi 75, ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn giữ dáng vẻ nhanh nhẹn, ánh mắt sắc sảo và giọng nói rắn rỏi.
Ông đã kể chúng tôi nghe về bước ngoặt lớn nhất đời mình, khi từ một thanh tra tài chính cho hãng Boeing ở Mỹ, năm 1985 ông quyết định quay về và nhận “sứ mệnh đặc biệt” từ Chính phủ Việt Nam.
Ngày trở về
. Phóng viên: Thời điểm đó, cuộc sống của thanh tra tài chính cho Boeing hẳn là cuộc sống mà nhiều người mơ ước, nhưng vì sao lại ông quyết định từ bỏ cuộc sống an nhàn ấy để quay về Việt Nam?
+ Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Cơ duyên đến với tôi là khi nhận được cuộc gọi từ cán bộ Văn phòng đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc vào dịp Tết 1984. Anh ấy hỏi tôi có muốn về thăm gia đình không, tôi mừng lắm và nhận lời về ngay.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kể về những bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Ngày đầu tiên về đến Việt Nam, hai con tôi nhập viện vì sốt xuất huyết, máu từ mắt, mũi, răng… chảy ra nhưng không làm gì được, đến thuốc hạ sốt cũng không có.
Bác sĩ bảo tôi: “Anh đưa con về đây không đúng thời điểm. Tại sao anh lại đưa mấy cháu về? Anh coi kìa, có hàng trăm đứa nhỏ trong bệnh viện đang chờ chết vì không có thuốc”. Đêm đó, vợ chồng tôi thức trắng đêm để chà chanh lên người mấy đứa nhỏ.
Nửa đêm, vợ chồng tôi nghe bà mẹ phòng kế bên hét lên “Anh ơi con chết rồi”, tiếng hét nghe mà xé lòng, đứa nhỏ ấy chết vì sốt xuất huyết và cũng chết vì thiếu thuốc... Đến sáng các con tôi hạ sốt, tôi lập tức đưa vợ và các con về Philippines.
Hình ảnh về những cuộc gặp đặc biệt với các lãnh đạo đất nước, doanh nhân nước ngoài... được ông Johnathan Hạnh Nguyễn lưu giữ cẩn thận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Chuyến thăm nhà năm đó khiến tôi nhận ra tình hình đất nước mình khắc nghiệt quá, do bị cấm vận nên đời sống người dân thiếu thốn khủng khiếp. Thêm cả chuyện về những người giấu vàng, giấu tiền đi vượt biên, họ chết vì hải tặc nhiều lắm.
Những câu chuyện đó đánh sâu vào tâm hồn tôi và là nguyên nhân thúc đẩy tôi quyết định bỏ tất cả quay về mở đường bay quốc tế. Vì khi mở đường bay, mở cấm vận thì đất nước mình mới có cơ hội để có thuốc men, có tiền bạc để phát triển.
Ông Rudy Martell và ông Johnathan Hạnh Nguyễn (thứ hai từ phải qua) chụp hình cùng nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Phạm Văn Đồng. Ảnh: NVCC
Người được trao chìa khóa "mở cửa đất nước"
. Chuyến bay quốc tế đầu tiên được cất cánh như thế nào, thưa ông?
+ Sau chuyến thăm nhà vào Tết 1984, tôi thu xếp việc rồi quay lại Việt Nam một mình. Sau đó, tôi ra Hà Nội gặp bác Phạm Văn Đồng, bác nắm tay tôi và bảo đất nước cần tôi giúp mở đường bay.
Tôi hiểu đây là một trọng trách vô cùng nặng nề. Để thực hiện được nhiệm vụ mà đất nước giao phó, mở đường bay đầu tiên từ Việt Nam đến Philippines, tôi phải xin được chữ ký của Ngài Tổng thống Marcos. Nhưng thời điểm ấy, Tổng thống Marcos cấm mọi đề nghị xin phép mở đường bay của Việt Nam.
Những bằng khen, hình ảnh, kỷ vật... được ông Johnathan Hạnh Nguyễn lưu giữ cẩn thận tại phòng làm việc. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Liên hệ qua các kênh ngoại giao chính thức không thành công, tôi phải nhờ mối quan hệ của gia đình vợ tôi (bà Cristina Serrano) để có thể đến gặp Tổng thống Marcos. Thời điểm vào phòng Ngài Tổng thống Marcos ở Phủ Tổng thống, tôi hồi hộp vô cùng, sau khi tôi đưa hồ sơ, Ngài Tổng thống Marcos chỉ đăm chiêu chốc lát rồi ký bút phê, chấp thuận cho chuyến bay của hàng không Việt Nam đáp xuống Philippines.
Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ bản thân mình chỉ là người tra chìa vào ổ khóa, còn Tổng thống Marcos mới là người giữ chìa khóa. Tôi rất muốn cảm ơn ông vì đã trao cho tôi chiếc chìa khóa đó để mở đường và kết nối đất nước Việt Nam với Philippines.
Chuyến bay quốc tế đầu tiên cất cánh đến Manila, Philippines vào ngày 9-9-1985. Ảnh: NVCC
Phi hành đoàn của chuyến bay đầu tiên chụp tại Đại sứ quán Việt Nam tại Manila. Ảnh: NVCC
Chuyến bay quốc tế đầu tiên cất cánh đến Manila (Philippines) vào ngày 9-9-1985 và bay về với đầy ắp thuốc tây. Số thuốc này sau đó đã kịp thời phân phối ngay cho TP.HCM và ra cả nước. Sau chuyến bay đầu, tôi tiếp tục huy động kiều bào gửi thuốc tây về tiếp, vì tôi hiểu đó là thứ mà đất nước cần nhất bây giờ.
Sau các chuyến bay nhân đạo, tôi lỗ 5 triệu USD vì hàng đi vào nhưng không có đi ra. Thời điểm đó có người muốn bán nhà cho tôi với giá chỉ từ 5.000 - 10.000 USD, nếu dùng 5 triệu USD đó mua nhà thì giờ tôi đã có 500 căn nhà, có khi đã là “trùm” bất động sản.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chụp hình trong văn phòng cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: NVCC
Vì càng bay càng lỗ, khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sợ tôi buông xuôi nên có động viên tôi phải giữ vững đường bay. Tôi hiểu đó là nhiệm vụ nên vẫn tiếp tục cố gắng.
Đến năm 1988, Hiệp định hàng không ra đời, các chuyến bay chở khách và hàng hóa từ Việt Nam có thể kết nối với các nước trên thế giới. Tôi biết đó là lúc mà tôi hoàn thành sứ mệnh đất nước giao phó.
. Có bao giờ ông trăn trở rằng “vì sao mình là người được chọn”?
+ Có chứ, có nhiều là đằng khác. Tôi từng hỏi câu này với bác Mười Hương (tức ông Trần Quốc Hương, Trưởng ban Nội chính Trung ương – PV) khi ông gọi tôi lên nhà ăn cơm.
Lễ đón chuyến bay đầu tiên tại Sân bay Quốc tế Manila – Philippines ngày 9-9-1985. Ông Phan Tương và đại sứ Lưu Đình Vệ mừng rỡ gặp nhau. Ảnh: NVCC
Bác Mười Hương trả lời: “Cậu là được chọn đó và rõ ràng Bộ Chính trị đã sáng suốt, chọn đúng người có tâm, quyết làm. Chứ hồi đó chúng tôi cũng sợ cậu không thành công, tại cậu Việt kiều này (tức ông Johnathan Hạnh Nguyễn – PV) sinh sống và ăn học bên Mỹ, có quốc tịch Mỹ thì mắc mớ gì về Việt Nam”.
Bác Mười Hương cũng kể khi đó Bộ Chính trị đã lên danh sách hơn mười người, trong đó có những kiều bào thuộc Ban Việt kiều Trung ương, một số người yêu nước là du học sinh nhưng lại không có ai liên quan tới hàng không.
Khi rà lại kiếm người liên quan đến hàng không, tôi lúc đó đang là thanh tra tài chính của hãng Boeing, cùng với lý lịch sạch sẽ, đã được Bộ Chính trị lúc đó chọn và gửi gắm sứ mệnh đặc biệt này.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn gặp gỡ Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: NVCC
Vẫn còn một giấc mơ chưa hoàn thành
. Sau chặng đường dài như vậy, liệu còn điều gì ông còn ấp ủ nhưng chưa thể hoàn thành?
+ Điều tôi luôn mong mỏi là được tiếp tục đóng góp cho đất nước, bằng mọi cách. Có những ấp ủ tôi chưa thể thực hiện trọn vẹn, nhưng tôi vẫn luôn chờ một cơ hội, một thời điểm phù hợp để tiếp tục bắt tay vào làm. Đó là góp sức giúp Việt Nam ta có một Trung tâm tài chính quốc tế giống như phố Wall, London hay Dubai - nơi mà các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận các nguồn tài chính dồi dào và ưu đãi về lãi suất, để tăng được sức mạnh tài chính. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh, tăng cường sức cạnh tranh toàn cầu và phát triển kinh tế.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ về dự định trong tương lai. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Tôi cũng là một kiều bào – và tôi tin rằng, trong cộng đồng mấy triệu kiều bào ở nước ngoài, cũng sẽ có nhiều người như tôi. Những người mang trong mình nỗi đau đáu với quê hương, mong muốn được góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển đất nước. Điều quan trọng là chúng ta mở lòng, tạo cơ chế, có đặt hàng, có giao nhiệm vụ để họ có cơ hội thể hiện và cống hiến.
. Xin cảm ơn ông!
BẢO PHƯƠNG thực hiện