Trong bài phát biểu vào ngày 14/4 kéo dài một giờ trước thềm đối thoại với các lãnh đạo công đoàn, Cựu Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng cao cấp Lý Hiển Long nhận định rằng việc Mỹ tạm hoãn các mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày không nên được xem là sự “giảm nhẹ áp lực”. Thay vào đó, ông cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục, thậm chí tăng cường hơn nữa, chính sách áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có thể bao gồm Singapore.
“Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu và chắc chắn sẽ còn leo thang, để lại những hệ lụy sâu rộng đối với quan hệ song phương cũng như toàn thế giới,” The Straits Times trích lời phát biểu của Bộ trưởng cao cấp Lý Hiển Long.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ hoãn việc áp thuế trong vòng 90 ngày, tính từ hôm 10/4. Tuy nhiên, Trung Quốc là quốc gia duy nhất mà người đứng đầu Nhà Trắng không hoãn áp thuế. Ông Trump thậm chí còn tăng thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lên mức 145%. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng mức thuế 125% với Washington.
“Điều này có nghĩa là dòng chảy thương mại giữa hai nước gần như sẽ chấm dứt. Khi thương mại bị đóng băng, các lĩnh vực hợp tác khác, kể cả an ninh hay y tế, cũng sẽ rất khó được duy trì,” Bộ trưởng cao cấp Lý Hiển Long phát biểu.
Ông Lý Hiển Long phát biểu trước thềm đối thoại với các lãnh đạo công đoàn ngày 14/4. Ảnh: The Straits Times
Tổng thống Trump coi thương mại là gốc rễ của vấn đề
Theo ông Lý Hiển Long, Tổng thống Donald Trump tin rằng thâm hụt thương mại là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề kinh tế nội tại của Mỹ, vì vậy Washington ưu tiên khôi phục ngành sản xuất trong nước.
“Khi các biện pháp hiện tại không đem lại kết quả như mong muốn, Mỹ sẽ không dừng lại mà có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chính sách thuế quan. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế cho một loạt các bước đi cứng rắn kế tiếp từ phía Mỹ, với hậu quả nghiêm trọng cho nhiều quốc gia – bao gồm cả Singapore,” Bộ trưởng cao cấp Lý Hiển Long nhận định.
Ông Lý Hiển Long cũng cảnh báo rằng nếu Mỹ chính thức thực thi chính sách thuế mới, các quốc gia khác sẽ buộc phải trả đũa, như trường hợp của Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU), dẫn đến một “vòng xoáy tiêu cực” khiến thương mại toàn cầu đình trệ.
“Các mô hình kinh doanh có thể bị xóa sổ chỉ sau một đêm, doanh nghiệp dư thừa lao động và không biết phải làm gì tiếp theo. Điều này có thể nhanh chóng dẫn đến suy thoái ở Mỹ, và lan rộng sang các nền kinh tế khác. Gánh nặng sẽ đổ lên vai doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế thế giới,” Bộ trưởng cao cấp Lý Hiển Long đánh giá.
Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 14/4. Ảnh: Getty
Singapore tiếp tục gìn giữ hệ thống thương mại đa phương
Trong bối cảnh đó, ông Lý Hiển Long khẳng định Singapore sẽ nỗ lực giữ vững hệ thống thương mại toàn cầu, kể cả khi Mỹ rút lui. Ông dẫn ví dụ về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được hình thành sau khi Mỹ rút khỏi TPP năm 2017.
“Mỹ rời cuộc chơi, chúng ta vẫn tiếp tục được. Các quốc gia khác có thể duy trì hệ thống thương mại bằng cách giao thương với nhau, không cần phải phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ,” nguyên Thủ tướng Singapore phát biểu.
Cuối cùng, ông Lý Hiển Long khẳng định Singapore sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực gìn giữ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thúc đẩy việc hình thành các khối thương mại lớn; trong nội khối, Singapore sẽ tiếp tục làm ASEAN mạnh mẽ hơn và có vị thế hơn trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu ngày càng gay gắt.
“Dù nhỏ bé, nhưng Singapore không phải là một nền kinh tế có quy mô thương mại nhỏ. Chúng ta có vai trò và trách nhiệm trong việc bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu,” ông Lý Hiển Long kết luận.
Tùng Dương