Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025. Ảnh: LPB.
Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam - LPBank (HoSE: LPB) tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 để thông qua các kế hoạch kinh doanh năm nay.
Chỉ 0,3% dự nợ bị ảnh hưởng thuế quan Mỹ
Tại phiên thảo luận, một trong những nội dung được cổ đông LPBank quan tâm là việc ngân hàng dự kiến chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25% (1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng). Với kế hoạch này, ngân hàng sẽ phải dùng gần hết quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để trả cổ tức, do đó, cổ đông đặt câu hỏi về tỷ lệ cổ tức năm 2025 và các năm tiếp theo có còn được đảm bảo.
Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank, cho biết năm ngoái ban lãnh đạo đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức trên dưới 18%, đến nay dự kiến chia 25%.
Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, ông Thụy cho biết HĐQT vẫn đặt mục tiêu chia cổ tức với tỷ lệ cao nhất cho cổ đông, tuy nhiên, tỷ lệ thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hiệu quả kinh doanh, tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách thuế quan, các biến động của thị trường trong và ngoài nước.
“HĐQT nào cũng muốn chia cổ tức với tỷ lệ tối đa cho cổ đông. Tuy nhiên, thực tế từ hiệu quả kinh doanh, có chia được cổ tức tỷ lệ cao hay không thì cũng phải chịu”, ông nói đồng thời nhấn mạnh ngân hàng luôn mong muốn đảm bảo tối đa lợi ích của cổ đông.
Liên quan chính sách thuế quan của Mỹ, ông Bùi Thái Hà, Phó chủ tịch HĐQT LPBank, cho biết việc Mỹ áp thuế quan đối ứng với các đối tác thương mại toàn cầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía LPBank, sau rà soát, ngân hàng xác định chỉ có khoảng 0,3% tổng dư nợ tín dụng cấp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng. Do đó, chính sách này dự báo tác động không lớn tới ngân hàng.
Tuy vậy, ông Hà cũng cho biết từ khi Mỹ công bố chính sách thuế quan, HĐQT đã họp, thống kê đánh giá và đã đặt ra nhiều giải pháp ứng phó, một trong số đó là việc thành lập công ty quản lý nợ AMC để chuyên nghiệp hóa việc xử lý tài sản.
Đoàn chủ tịch tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của LPBank. Ảnh: LPB.
Tại đại hội, ông Hồ Nam Tiến, Phó chủ tịch thường trực HĐQT, cũng chia sẻ lý do sau nhiều năm tăng vốn liên tiếp, đến năm 2025, LPBank quyết định chia toàn bộ cổ tức tiền mặt mà không chia bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Cụ thể, ông cho biết sau nhiều năm tăng vốn liên tiếp, hiện vốn điều lệ của LPBank đã đạt gần 30.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 45.000 tỷ. Hệ số an toàn vốn CAR của ngân hàng ở mức 13,81%, cao hơn so với quy định 8% của NHNN.
“HĐQT đã tính toán sau khi chia cổ tức tiền mặt vẫn đảm bảo cân đối các chỉ số, hệ số CAR vẫn đảm bảo ở gần mức tối đa theo yêu cầu của NHNN”, ông Tiến nói.
Ngoài ra, Phó chủ tịch thường trực LPBank cũng cho biết trong bối cảnh thị trường nhiều biến động hiện nay, ngân hàng chưa có kế hoạch bán vốn cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, trong kế hoạch phát triển dài hạn, LPBank vẫn đặt ra mục tiêu tìm được đối tác chiến lược phù hợp.
Trong đó, việc bán vốn cho đối tác ngoại phải đảm bảo hỗ trợ chiến lược phát triển ngân hàng và đảm bảo lợi ích tối đa của cổ đông.
Mục tiêu lãi gần 15.000 tỷ, chia cổ tức tiền mặt gần hết quỹ lợi nhuận
Tại đại hội, ban lãnh đạo LPBank dự kiến trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 14.868 tỷ đồng, tăng 22% so với năm liền trước và là kế hoạch kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng.
Để đạt mục tiêu này, ngân hàng dự kiến quy mô tổng tài sản năm nay sẽ tăng 3,5%, đạt 525.890 tỷ đồng vào cuối năm. Dư nợ tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,8%, đạt 383.931 tỷ và số dư huy động thị trường 1 dự kiến phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế, tình hình thị trường, nhằm tối ưu bảng cân đối kế toán.
Lãnh đạo LPBank cho biết năm 2025 đánh dấu sự khởi đầu cho lộ trình 2025-2028 nhằm đưa nhà băng trở thành ngân hàng bán lẻ top 1 tại nông thôn và đô thị loại 2 trên nền tảng số, top 5 ngân hàng ưu tiên tại các đô thị lớn.
Đáng chú ý, ngân hàng cũng đặt mục tiêu tinh gọn quy trình và hệ thống nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và kinh doanh.
Một trong những tờ trình đáng chú ý tại đại hội năm nay là phương án phân phối lợi nhuận năm 2024.
Cụ thể, LPBank cho biết tổng lợi nhuận sau thuế ngân hàng ghi nhận năm 2024 là 9.721 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến trích lập các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (972 tỷ); quỹ dự phòng tài chính (972 tỷ) và quỹ khen thưởng (100 tỷ), phần lợi nhuận còn lại trong năm cộng với lợi nhuận lũy kế các năm trước có thể dùng để phân phối cổ tức là 7.725 tỷ đồng.
Với phần lợi nhuận còn lại này, LPBank trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, tương đương 1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng. Theo đó, ngân hàng sẽ phải chi hơn 7.468 tỷ đồng để hoàn tất việc chi trả, tương đương gần 97% lợi nhuận sau thuế lũy kế có thể chia.
Ngoài các nội dung trên, LPBank cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank AMC) với quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Kết thúc quý I, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.175 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.533 tỷ đồng, cũng tăng hơn 10%.
Tại thời điểm cuối tháng 3 năm nay, tổng tài sản của LPBank đạt 499.894 tỷ đồng, giảm 8.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 352.194 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024 và tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi của khách hàng đạt 293.155 tỷ đồng, tăng gần 4%.
Khánh Giao