Ông Phạm Ánh Dương, Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings
Trong thông báo mới nhất, ông Phạm Ánh Dương, Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (mã chứng khoán: APH) thông báo đã bán hơn 1,5 triệu cổ phiếu APH trên tổng số 5,2 triệu đơn vị đăng ký trước đó.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 tới 30/10/2024. Nguyên nhân không hoàn tất giao dịch là do thị trường không thuận lợi.
Sau giao dịch trên, ông Dương đã giảm sở hữu từ 5,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 2,13% xuống còn gần 3,7 triệu cổ phiếu, tức tỷ lệ 1,51% vốn.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Dương không bán hết cổ phiếu đã đăng ký. Trước đó, vào hồi cuối tháng 9, ông Dương đã bán ra được gần 7 triệu cổ phiếu APH trên tổng số gần 12 triệu đơn vị đăng ký. Nguyên nhân không bán hết tương tự như lần công bố này.
Chốt phiên 31/10, APH giảm thêm 0,16% về còn 6.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 23% so với phiên 22/8
Cổ phiếu APH giảm mạnh từ khi ông Phạm Ánh Dương lần đầu đăng ký bán ra cổ phiếu vào ngày 22/8, khi rơi từ trên 8.000 đồng/cổ phiếu về dưới ngưỡng 6.500 đồng/cổ phiếu. Tính trong 10 phiên gần nhất, APH chỉ có đúng một phiên tăng điểm so với 5 phiên giảm điểm. Chốt phiên 31/10, APH giảm thêm 0,16% về còn 6.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 23% so với phiên 22/8.
Cùng với việc quyết tâm thoái sạch toàn bộ cổ phiếu APH nắm giữ, ông Phạm Ánh Dương cũng đã gửi đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của An Phát Holdings. Theo đó, ông Dương cho biết vì lý do cá nhân nên không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trong một diễn biến liên quan, Đại hội đồng cổ đông bất thường của An Phát Holdings hồi đầu tháng 10 đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Phạm Ánh Dương đồng thời bầu bổ sung ông Nguyễn Lê Thăng Long làm thành viên Hội đồng quản trị. Sau đó, Hội đồng quản trị công ty bầu ông Long giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Về tình hình kinh doanh, An Phát Holdings vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 với kết quả doanh thu thuần đạt 3.708 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù doanh thu giảm, lợi nhuận gộp của công ty vẫn tăng 18,4%, đạt 455,2 tỷ đồng nhờ giảm giá vốn hàng bán.
Trong quý này, doanh thu tài chính của An Phát Holdings giảm hơn một nửa, chỉ còn 30,3 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí tài chính cũng giảm 35,8% xuống 47 tỷ đồng, nhờ chi phí vay vốn giảm. Ngược lại, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 37,2% và 106,6%, đạt 228,3 tỷ đồng và 229,6 tỷ đồng.
Những chi phí này đã ăn mòn lợi nhuận gộp của công ty, khiến An Phát Holdings báo lỗ sau thuế 13,8 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với khoản lãi 78,5 tỷ đồng của quý 3/2023. Trong văn bản giải trình kết quả kinh doanh, An Phát Holdings cho biết nguyên nhân thua lỗ trong quý này chủ yếu đến từ khoản lỗ của các công ty con.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của An Phát Holdings đạt 10.348 tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù quý 3 lỗ, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của công ty vẫn tăng 108,5%, đạt 257,2 tỷ đồng.
Mới đây, công ty đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024 so với kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên. Cụ thể, mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất giảm 7,14%, từ 14.000 tỷ đồng xuống còn 13.000 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế hợp nhất điều chỉnh giảm 10,5%, từ 314 tỷ đồng xuống còn 281 tỷ đồng. Sau điều chỉnh, An Phát Holdings đã hoàn thành 79,6% mục tiêu doanh thu và 91,5% kế hoạch lợi nhuận.
Tương tự, công ty con của An Phát Holdings là Nhựa An Phát Xanh cũng báo lỗ sau thuế 25,7 tỷ đồng trong quý 3/2024. Cụ thể, doanh thu thuần quý 3 của công ty đạt 3.193 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ cải thiện biên lợi nhuận từ 9% lên 10,8%, lợi nhuận gộp của công ty tăng 7,8%, đạt 345,3 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Nhựa An Phát Xanh đều tăng mạnh, lần lượt tăng 30,4% và 155,5%, đạt 191 tỷ đồng và 183,7 tỷ đồng. Sự gia tăng này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp, khiến công ty lỗ sau thuế 25,7 tỷ đồng trong quý 3, đối lập với mức lãi 103,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Nhựa An Phát Xanh đạt doanh thu thuần 8.939 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Dù doanh thu giảm, lợi nhuận sau thuế tăng 17%, đạt 256,1 tỷ đồng, nhờ vào hiệu quả kinh doanh trong nửa đầu năm.
Giống như An Phát Holdings, Nhựa An Phát Xanh cũng điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2024, với doanh thu thuần hợp nhất từ 12.000 tỷ đồng xuống còn 11.000 tỷ đồng, giảm 8,33%, và lợi nhuận sau thuế hợp nhất từ 377 tỷ đồng xuống 314 tỷ đồng, giảm 16,71% so với kế hoạch ban đầu. Sau điều chỉnh, công ty đã hoàn thành 81,3% mục tiêu doanh thu và 81,6% mục tiêu lợi nhuận.
Tiến Lâm