Ảnh lưu trữ: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Nền kinh tế Nga, nhờ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản, đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm qua bất chấp nhiều vòng trừng phạt của phương Tây sau cuộc xâm nhập Ukraine năm 2022.
Nhưng hoạt động trong nước đã trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây do tình trạng thiếu hụt lao động và lãi suất cao được đưa ra để giải quyết lạm phát, vốn đã tăng tốc theo chi tiêu quân sự kỷ lục.
Điều đó đã góp phần vào quan điểm trong một bộ phận giới tinh hoa Nga rằng một giải pháp đàm phán cho cuộc chiến là điều mong muốn.
Ông Trump, người đã trở lại Nhà Trắng vào thứ Hai 20/1, đã tuyên bố sẽ nhanh chóng giải quyết xung đột Ukraine, cuộc xung đột lớn nhất của châu Âu kể từ Thế chiến II.
Tuần này, ông đã nói rằng nhiều lệnh trừng phạt hơn, cũng như thuế quan, đối với Nga có thể xảy ra trừ khi ông Putin đàm phán, đồng thời nói thêm rằng Nga đang hướng đến "rắc rối lớn" trong nền kinh tế.
Một trợ lý cấp cao của Điện Kremlin cho biết vào thứ Ba 21/1 rằng cho đến nay Nga vẫn chưa nhận được bất kỳ đề xuất cụ thể nào cho các cuộc đàm phán.
"Tất nhiên, Nga quan tâm đến việc đàm phán chấm dứt xung đột bằng biện pháp ngoại giao", Oleg Vyugin, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, đồng thời nêu ra nguy cơ gia tăng sự méo mó kinh tế khi Nga tăng tốc chi tiêu quân sự và quốc phòng.
Mức độ lo ngại của ông Putin về nền kinh tế, và ảnh hưởng của điều đó đối với quan điểm trong Điện Kremlin về cuộc xung đột.
Reuters trước đó đã đưa tin ông Putin sẵn sàng thảo luận các phương án ngừng bắn với ông Trump, nhưng những lợi ích lãnh thổ của Nga ở Ukraine phải được chấp nhận và Ukraine phải từ bỏ nỗ lực gia nhập liên minh quân sự NATO do Hoa Kỳ đứng đầu.
Điện Kremlin không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về quan điểm của ông Putin về nền kinh tế và các cuộc đàm phán về Ukraine.
Chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của Trump, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Joe Biden đã áp đặt gói trừng phạt rộng rãi nhất từ trước đến nay nhằm vào doanh thu dầu khí của Nga, một động thái mà cố vấn an ninh quốc gia của Biden, Jake Sullivan, cho biết sẽ trao cho ông Trump đòn bẩy trong bất kỳ cuộc đàm phán nào bằng cách gây áp lực kinh tế lên Nga.
Ông Putin đã nói rằng Nga có thể chiến đấu bao lâu tùy thích và rằng Mátxcơva sẽ không bao giờ khuất phục trước một thế lực khác về các lợi ích quốc gia quan trọng.
Nền kinh tế trị giá 2,2 nghìn tỷ đô la của Nga cho đến gần đây đã cho thấy sức chịu đựng đáng kinh ngạc trong suốt thời chiến, và ông Putin đã khen ngợi các quan chức kinh tế hàng đầu cùng các doanh nghiệp vì đã lách được các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất mà phương Tây từng áp dụng đối với một nền kinh tế lớn.
Sau khi suy giảm vào năm 2022, GDP của Nga đã tăng trưởng nhanh hơn Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ vào năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, năm nay, ngân hàng trung ương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo mức tăng trưởng dưới 1,5%, mặc dù chính phủ đưa ra triển vọng tươi sáng hơn một chút.
Lạm phát đã tăng gần đến mức hai chữ số mặc dù ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất chuẩn lên 21% vào tháng 10.
"Có một số vấn đề ở đây, cụ thể là lạm phát, tình trạng nền kinh tế quá nóng", ông Putin phát biểu trong cuộc họp báo thường niên vào ngày 19/12. "Chính phủ và ngân hàng trung ương đã được giao nhiệm vụ hạ nhiệt tình hình".
'Mục tiêu đã đạt được'
Năm ngoái, Nga đã đạt được những thành tựu lãnh thổ quan trọng nhất kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột và hiện kiểm soát gần 1/5 Ukraine.
Một trong những nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết ông Putin tin rằng các mục tiêu quan trọng đã đạt được, bao gồm kiểm soát vùng đất nối liền lục địa Nga với Crimea và làm suy yếu quân đội Ukraine.
Tổng thống Nga cũng nhận ra sức ép mà chiến tranh đang gây ra cho nền kinh tế, nguồn tin cho biết, trích dẫn "những vấn đề thực sự lớn" như tác động của lãi suất cao đối với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp phi quân sự.
Nga đã tăng chi tiêu quốc phòng lên mức cao nhất sau thời kỳ Xô Viết là 6,3% GDP trong năm nay, chiếm 1/3 chi tiêu ngân sách. Chi tiêu này đã gây ra lạm phát. Cùng với tình trạng thiếu hụt lao động thời chiến, nó đã thúc đẩy tiền lương tăng cao hơn.
Ngoài ra, chính phủ còn tìm cách tăng doanh thu thuế để giảm thâm hụt ngân sách.
Vyugin, cựu Phó Thống đốc, cho biết lãi suất cao kéo dài sẽ gây áp lực lên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp và ngân hàng. Nhà sản xuất than và thép Mechel của Nga, thuộc sở hữu của doanh nhân Igor Zyuzin và gia đình ông, hôm thứ Ba cho biết họ đã tái cấu trúc nợ của mình, dưới áp lực từ giá than thấp và lãi suất cao.
Mối quan tâm của ông Putin
Sự thất vọng của ông Putin thể hiện rõ trong cuộc họp tại Điện Kremlin với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào tối ngày 16/12, khi ông khiển trách các quan chức kinh tế hàng đầu, theo hai nguồn tin biết về các cuộc thảo luận về kinh tế tại Điện Kremlin và chính phủ.
Một trong những nguồn tin được thông báo sau cuộc họp cho biết ông Putin tỏ ra không hài lòng khi nghe tin đầu tư tư nhân bị cắt giảm do chi phí tín dụng.
Điện Kremlin đã công bố những bình luận mở đầu của ông Putin ca ngợi doanh nghiệp nhưng không nêu tên bất kỳ doanh nghiệp nào tham gia cuộc họp kín này. Reuters xác nhận với một nguồn tin rằng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina không có mặt.
Vào thứ Tư, ông Putin đã phát biểu trên truyền hình với các Bộ trưởng rằng ông gần đây đã thảo luận với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về những rủi ro khi hoạt động tín dụng giảm đối với tăng trưởng dài hạn, ám chỉ rõ ràng đến cuộc họp vào tháng 12.
Một số doanh nhân quyền lực nhất của Nga, bao gồm Tổng Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin, Tổng Giám đốc điều hành Rostec Sergei Chemezov, ông trùm nhôm Oleg Deripaska và Alexei Mordashov, cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất thép Severstal, đã công khai chỉ trích mức lãi suất cao.
Nabiullina đã phải đối mặt với áp lực không tăng lãi suất thêm nữa từ 2 trong số những chủ ngân hàng quyền lực nhất của Nga - cựu sếp của bà, Tổng Giám đốc điều hành Sberbank German Gref và Tổng Giám đốc điều hành VTB Andrei Kostin - những người lo ngại rằng Nga đang hướng tới tình trạng đình lạm, một nguồn tin hiểu biết về các cuộc thảo luận về nền kinh tế cho biết.
Trong bình luận ngày 19/12, ông Putin đã kêu gọi một "quyết định về lãi suất cân bằng". Ngày hôm sau, tại cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm, ngân hàng trung ương đã giữ nguyên lãi suất ở mức 21% mặc dù thị trường kỳ vọng rằng lãi suất sẽ tăng 200 điểm cơ bản.
Trong bài phát biểu sau quyết định, Nabiullina đã phủ nhận việc đầu hàng trước áp lực. Bà cho biết sự chỉ trích đối với chính sách của ngân hàng trung ương tăng lên khi lãi suất ở mức cao.
Nabiullina, Gref và Kostin không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về câu chuyện này.
Nabiullina
Nabiullina, cựu trợ lý kinh tế của Putin, đồng thời là Bộ trưởng kinh tế, là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất nước Nga: bà giữ chức Thống đốc ngân hàng trung ương kể từ tháng 6/2013 và ông Putin rất tin tưởng bà.
Chỉ vài tuần sau khi đưa quân vào Ukraine năm 2022, ông Putin đã đề xuất Nabiullina đảm nhiệm nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Giám đốc ngân hàng trung ương. Nhiệm kỳ của bà kết thúc vào năm 2027.
Những người ủng hộ bà cho rằng những người chỉ trích đã bỏ qua nguyên nhân cơ bản của lạm phát - chi tiêu quá mức của cuộc xung đột - và cho rằng nếu không có bà, sự ổn định kinh tế sẽ bị đe dọa.
Một số nhà lập pháp đã kêu gọi thay thế bà, một kết quả khó có thể xảy ra, theo hai nguồn tin.
Ánh Vân - Reuters