Phát biểu tại một cuộc họp với các quan chức chính phủ hôm 22/5, Tổng thống Putin cho biết: "Chúng ta đã phê chuẩn việc lập vùng đệm an ninh cần thiết dọc biên giới. Lực lượng vũ trang của chúng ta đang tích cực làm việc để hoàn thành nhiệm vụ này. Các vị trí bắn của đối phương (Ukraine) đã bị vô hiệu hóa".
Theo nhà lãnh đạo Nga, trước những diễn biến gần đây ở các khu vực Kursk, Belgorod và Bryansk, Moscow cần có những nỗ lực ngay lập tức để khôi phục và xây dựng lại những khu vực bị ảnh hưởng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik
Ông Putin nêu rõ, việc thiết lập vùng đệm an ninh sẽ bao gồm các chương trình hỗ trợ người dân địa phương trở về quê nhà, miễn là điều kiện an ninh cho phép, cũng như việc bảo vệ dân thường ở khu vực biên giới khỏi các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine.
Hơn nữa, điều cần thiết là phải phục hồi mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng khác, đảm bảo hoạt động trơn tru của các doanh nghiệp công nghiệp và nông nghiệp. Chương trình này sẽ được hỗ trợ bằng tất cả các nguồn lực tài chính và vật chất. Thiết bị và chuyên gia bổ sung từ các khu vực khác sẽ tham gia vào nỗ lực này.
Theo một nghị sĩ Nga, quân đội Ukraine đã bị đánh bật khỏi vùng Kursk và sẽ bị đẩy lùi hơn nữa khi Nga thiết lập các vùng an ninh.
Được biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa qua đã đến thăm tỉnh Kursk. Đây là lần đầu tiên ông Putin đến khu vực này kể từ khi Moscow tuyên bố hoàn toàn giải phóng Kursk khỏi tay Ukraine hồi cuối tháng 4.
Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời chuyên gia về quan hệ quốc tế người Lebanon Ali Baydoun nhận định, chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Kursk cho thấy quốc gia này đã khôi phục nguyên trạng và sẵn sàng cho mọi kịch bản.
“Lực lượng Nga đã tập hợp, giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng và hiên có thể tăng sức ép lên Ukraine. Do đó, châu Âu nên theo đuổi các thỏa thuận chính trị-kinh tế với Moscow, thay vì trừng phạt, để ổn định tình hình ở lục địa này”, ông Baydoun nói.
Đồng quan điểm với chuyên gia Baydoun, giáo sư khoa học chính trị người Algeria Radwan Bouhidel cũng cho rằng chuyến thăm của ông Putin gửi đi thông điệp về việc Moscow sẽ không lùi bước hoặc dễ dàng thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán.
"Ông Putin biết rằng xung đột sẽ không kết thúc bằng quân sự. Nhà lãnh đạo Nga đang tìm kiếm một giải pháp chính trị và muốn bắt đầu các cuộc đàm phán với lợi thế trên chiến trường thực địa", ông Bouhidel nhấn mạnh.
Cùng ngày, Điện Kremlin cho hay, Nga vẫn chưa đồng ý tổ chức hòa đàm với Ukraine tại Vatican, sau khi truyền thông Mỹ đưa tin rằng một cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine có thể sớm được tổ chức tại Vatican vào tháng 6 tới.
Bên cạnh đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng bác tuyên bố của Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, rằng các cuộc đàm phán kỹ thuật có thể diễn ra tại Vatican ngay trong tuần tới. Theo đó, quan chức này cho biết: "Chưa có thỏa thuận cụ thể nào về các cuộc gặp tiếp theo. Điều này vẫn cần được thống nhất".
Kim Ngọc