Không rõ tự khi nào, cúng ông Táo đã trở thành phong tục không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp năm hết, tết đến. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà “đưa ông Táo về trời” cũng là lúc đám trẻ con bắt đầu chộn rộn chờ tết.
Theo phong tục gia đình, nội tôi thường đưa ông Táo vào sáng sớm. Thói quen đó được mẹ tôi gìn giữ đến bây giờ. Ở nhiều nơi, người ta còn thả cá chép và cúng ngựa giấy để ông Táo có phương tiện về trời. Ý nghĩa của lễ vật không chỉ ở hình thức bên ngoài mà còn thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn của con người đối với thần linh.
Ngày còn nhỏ, tôi vẫn hay nghe nội dặn: “Ông Táo cai quản gia đình, nếu mình làm gì không đúng thì cuối năm về trời, ông Táo sẽ báo cáo điều đó với trời. Vậy cho nên, tụi con phải ngoan ngoãn, biết làm việc tốt để ông Táo báo cáo những điều tốt đó”. Lời căn dặn ấy theo chúng tôi lớn lên với ý thức nên làm điều tốt để ông Táo trong nhà ghi nhận.
Ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, một phong tục đẹp trong dịp tết của người Việt
Theo tích xưa, ông Táo là câu chuyện về tình yêu có phần ngang trái nhưng thấm đẫm tình người, tình cảm vợ chồng.
Chuyện kể rằng có người tên Trọng Cao, lấy vợ là Thị Nhi, ăn ở với nhau đã lâu mà không có con nên sinh ra buồn phiền hay cãi cọ. Một hôm, giận chồng đánh đập, Thị Nhi bỏ nhà ra đi rồi gặp và làm vợ Phạm Lang.
Từ khi vợ bỏ đi, Trọng Cao ân hận, bán hết gia sản để đi tìm vợ, mãi vẫn không thấy nên phải lang thang xin ăn khắp nơi. Một ngày, Trọng Cao đến xin trước nhà Thị Nhi. Nhận ra chồng cũ, Thị Nhi mời anh bữa cơm thịnh soạn nhưng do sợ Phạm Lang biết chuyện nên Thị Nhi giấu Trọng Cao trong đống rơm sau nhà.
Không ngờ khi làm đồng về, Phạm Lang lại đốt đống rơm để làm phân. Thấy lửa cháy lớn, Thị Nhi đau lòng nhảy vào đống lửa để chuộc lỗi với chồng cũ. Phạm Lang thấy vậy cũng nhảy vào lửa với vợ.
Ngọc Hoàng cảm động trước tình nghĩa của 3 người nên cho họ hóa thành ba ông đầu rau trong bếp lửa và sắc phong làm “Định phúc Táo quân”. Và cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, nhà nhà lại cúng đưa ông Táo về trời bẩm báo với Ngọc Hoàng chuyện của gia đình trong một năm qua.
Chị Văn Ngọc Linh (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) kể, lễ cúng ông Táo của gia đình chị khá đơn giản với nhang, hoa, quả. Chị kể cho con nghe câu chuyện về ông Táo cùng lời căn dặn con phải làm điều tốt để được ông Táo ghi nhận. Quả đúng là những điều tốt đẹp thì sẽ luôn được gìn giữ, lưu truyền cho dù ở thời đại nào đi nữa.
Nói về tục cúng ông Táo ở gia đình mình, bà Nguyễn Thị Tiếng (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) chia sẻ, mỗi khi cúng ông Táo, bà thường lau dọn bếp thật tinh tươm như một cách bày tỏ lòng biết ơn về những gì gia đình đang có. Với bà, cúng ông Táo không chỉ là phong tục mà đó còn là cách bà trân trọng và nhìn lại một năm “làm nội tướng” của mình.
““Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, ông bà ta dạy như vậy. Mà tổ ấm chắc chắn phải được khơi từ căn bếp của gia đình. Cúng ông Táo mỗi năm là tôi tự nhắc nhở mình về vai trò người phụ nữ, về việc giữ ấm căn bếp trong nhà để các con lớn lên sẽ có ký ức về cơm mẹ nấu, rồi sau này, dù có đi đâu xa xôi vẫn sẽ yên tâm có một mái nhà, quê hương đang chờ đợi” - bà Tiếng chầm chậm trải lòng.
23 đưa ông Táo về trời, một phong tục đẹp trong “3 ngày tết” của người Việt. Đó không chỉ là một nghi lễ mà còn là biểu hiện sâu sắc của văn hóa Việt Nam về lòng biết ơn cũng như gửi gắm ước mong, lời răn dạy để mỗi thành viên trong gia đình chung tay gìn giữ sự bình an, hạnh phúc./.
T.Lam