Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy ý tưởng về một “tương lai chung trong không gian mạng” tại hội nghị internet thường niên ở nước này năm nay, giữa bối cảnh cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, gây lo ngại về việc tách rời công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn.
Sự tiến bộ của công nghệ AI đã cải thiện khả năng thay đổi thế giới của con người, nhưng cũng "mang đến hàng loạt rủi ro và thách thức khó lường", ông Tập Cận Bình cho biết trong bài phát biểu được trình chiếu qua video tại Hội nghị Internet thế giới hôm 20.11.
Trung Quốc sẽ theo đuổi sự phát triển không gian mạng an toàn, mang tính "bao trùm" và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác để "xây dựng một cộng đồng vì tương lai chung trong không gian mạng", ông Tập Cận Bình nói, theo bài báo cáo của hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
Ông Tập Cận Bình: "Sự tiến bộ về công nghệ AI đã cải thiện khả năng thay đổi thế giới của con người, nhưng cũng mang đến hàng loạt rủi ro và thách thức khó lường" - Ảnh: SCMP
Bài phát biểu được công bố chỉ một ngày sau khi Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc (đơn vị báo cáo lên Quốc hội Mỹ) đề xuất sáng kiến theo kiểu Dự án Manhattan để tài trợ cho việc phát triển các hệ thống AI, ám chỉ đến dự án của Mỹ trong Thế chiến II đã sản xuất ra những quả bom nguyên tử đầu tiên. Ông Tập Cận Bình không đề cập đến Mỹ trong bài phát biểu của mình.
Đinh Tiết Tường, Phó thủ tướng Trung Quốc, đã kêu gọi sự phối hợp toàn cầu trong quản trị internet tại sự kiện diễn ra hôm 20.11. Ông Đinh Tiết Tường nhấn mạnh rằng AI cùng với internet, dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, nhưng "khoảng cách số vẫn đang gia tăng và tình hình an ninh mạng vẫn còn đáng lo ngại".
Phó thủ tướng Trung Quốc cũng khuyến khích cộng đồng quốc tế đóng góp vào "tương lai chung trong không gian mạng".
Hội nghị Internet Thế giới do Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc tổ chức tại thị trấn Ô Trấn, phía đông tỉnh Chiết Giang. Thông qua sự kiện này, Trung Quốc thúc đẩy quan điểm của mình về quản trị không gian mạng, tập trung vào ý tưởng về "chủ quyền mạng".
Trung Quốc đã thể hiện sự tự hào về mô hình quản trị internet của mình, thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ với nội dung và dịch vụ trực tuyến, đồng thời ngăn chặn nhiều dịch vụ nước ngoài thông qua sự kết hợp giữa công nghệ và các quy định được gọi là Great Firewall (Tường lửa Vĩ đại).
Hội nghị này từng thu hút những tên tuổi lớn từ các hãng công nghệ phương Tây như Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) và Sundar Pichai (Giám đốc điều hành Google). Khi căng thẳng địa chính trị với Mỹ đã góp phần vào sự tách biệt công nghệ, Hội nghị Internet Thế giới đã trở thành sự kiện mang tính khép kín hơn.
Vào kỷ nguyên AI, Mỹ đang ngăn Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến và nhân tài trong ngành, khi cường quốc châu Á cố gắng bắt kịp ở một lĩnh vực mà họ coi là cực kỳ quan trọng với an ninh quốc gia.
OpenAI, công ty khởi nghiệp Mỹ tạo ra chatbot AI đình đám ChatGPT, đã chặn các nhà phát triển ở Trung Quốc truy cập vào giao diện lập trình ứng dụng (API) của mình trong năm nay. Đây là dấu hiệu cho thấy bối cảnh AI ngày càng phân nhánh, buộc người ta phải lựa chọn giữa việc tiếp cận Trung Quốc hoặc các thị trường khác.
Chương trình nghị sự tại Ô Trấn năm nay tập trung nhiều vào AI, với các hội thảo về các chủ đề như "phát triển và ứng dụng AI có trách nhiệm", "đổi mới và quản trị AI" và "AI thúc đẩy lực lượng sản xuất mới ". Theo lịch trình đã công bố, một ủy ban chuyên gia AI đặc biệt sẽ được thành lập tại hội nghị.
Sự kiện kéo dài cả thập kỷ này đang dần mất đi vai trò là nơi tụ họp của những người nổi tiếng trong lĩnh vực internet Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có vài tên tuổi lớn xuất hiện mỗi năm.
Lôi Quân, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Xiaomi, đã có bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Internet Thế giới 2024, một tuần kể từ khi công ty Trung Quốc thông báo đạt được cột mốc sản xuất 100.000 ô tô điện Speed Ultra 7 (SU7) chỉ sau 230 ngày.
Những người tham dự chụp ảnh Lôi Quân trước khi ông phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Internet Thế giới năm 2024 - Ảnh: EPA-EFE
Cách đây 7 ngày, OpenAI kêu gọi Mỹ cùng các đồng minh hợp tác hỗ trợ cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển các hệ thống AI và cạnh tranh với Trung Quốc.
Hôm 13.11, OpenAI cho biết Mỹ và các nước láng giềng nên thành lập "Hiệp ước Bắc Mỹ về AI" có thể hợp lý hóa việc tiếp cận nhân tài, tài chính và chuỗi cung ứng để xây dựng công nghệ. OpenAI cho rằng sự hợp tác này sau đó có thể mở rộng để bao gồm "mạng lưới toàn cầu các đồng minh và đối tác của Mỹ", trong đó có cả các quốc gia ở Trung Đông.
Đề xuất này được đưa vào bản thiết kế chính sách mới của OpenAI và công bố tại một sự kiện ở Washington do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức. Tài liệu đó đưa ra các đề xuất công khai chi tiết nhất từ trước đến nay của OpenAI về cách Mỹ có thể duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI và đáp ứng nhu cầu năng lượng đáng kể của công nghệ này.
OpenAI cho biết Mỹ nên hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng tốn kém bằng cách cam kết mua điện từ chúng. Công ty khởi nghiệp được Microsoft hậu thuẫn này khuyến nghị Mỹ thành lập "các khu kinh tế AI" để đẩy nhanh quá trình cấp phép và giúp đưa các lò phản ứng hạt nhân trở lại hoạt động.
Ngoài ra, OpenAI cũng đề xuất mở rộng năng lực năng lượng hạt nhân bằng cách tận dụng Hải quân Mỹ, đơn vị xây dựng các lò phản ứng nhỏ gọn để cung cấp năng lượng cho tàu ngầm.
"AI mang đến cơ hội không thể bỏ qua để tái công nghiệp hóa Mỹ, qua đó tạo ra sự tăng trưởng kinh tế rộng rãi nhằm hồi sinh Giấc mơ Mỹ. Điều này cũng đặt ra một yêu cầu quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia và các đồng minh của chúng ta trước Trung Quốc đang trỗi dậy, bằng cách cung cấp một AI được định hình theo các giá trị dân chủ, thúc đẩy sự lựa chọn của cá nhân và mang lại lợi ích cho nhiều người nhất có thể", OpenAI tuyên bố.
Trước đây, ban lãnh đạo OpenAI tìm cách huy động hàng tỉ USD tiền tài trợ từ các nhà đầu tư ở Trung Đông và thị trường khác để mở rộng nguồn cung cấp chip, năng lượng và trung tâm dữ liệu cần thiết để phát triển AI. Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, đã gặp gỡ các quan chức Mỹ để thuyết phục họ tham gia vào kế hoạch này.
Đề xuất mới nhất được OpenAI đưa ra khi chính phủ Mỹ chuẩn bị cho sự thay đổi trong chính quyền. Tổng thống đắc cử Donald Trump công nhận sự cần thiết về việc mở rộng năng lực năng lượng của Mỹ để duy trì khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực AI và đề xuất nới lỏng các yêu cầu cấp phép cũng như sử dụng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng hạt nhân.
Tại sự kiện chính sách hôm 13.11, Chris Lehane, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu OpenAI, nói công ty khởi nghiệp này đã dành nhiều thời gian với cả chính quyền Biden và đội ngũ của ông Trump để thảo luận về nhu cầu cơ sở hạ tầng AI.
"Tôi là người lạc quan. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một trong những chủ đề ở Quốc hội tiếp theo và với chính quyền tiếp theo mà mọi người sẽ muốn làm việc, vì tầm quan trọng của vấn đề này là rất lớn”, Chris Lehane nói.
Hồi tháng 7, Sam Altman từng đưa ra kế hoạch gồm 4 điều Mỹ cần làm để luôn đứng trên Trung Quốc và duy trì vị thế thống trị trong cuộc đua AI toàn cầu.
Mục tiêu của Sam Altman là đảm bảo "AI trong tương lai được xây dựng để mang lại lợi ích cho nhiều người nhất có thể", ông viết trong một bài xã luận được đăng trên tờ The Washington Post hôm 25.7. Giám đốc điều hành OpenAI kêu gọi Mỹ dẫn đầu một "liên minh toàn cầu của các quốc gia đồng chí hướng để thực hiện điều đó".
ChatGPT, chatbot AI do OpenAI phát triển, đã tóm tắt bài xã luận của Sam Altman như sau:
"Câu hỏi cấp bách của thời đại này là liệu Mỹ và các đồng minh có dẫn dắt tương lai AI toàn cầu để mang lại lợi ích cho dân chủ, hay để những chế độ độc tài định hình nó cho quyền lực của riêng họ”, Sam Altman viết.
Để đạt được mục tiêu này, bước đầu tiên trong kế hoạch của Sam Altman là đảm bảo các biện pháp bảo vệ thích hợp xung quanh công nghệ AI. "Các công ty và ngành công nghiệp AI của Mỹ cần xây dựng các biện pháp bảo mật mạnh mẽ để đảm bảo rằng liên minh của chúng ta duy trì vị trí dẫn đầu trong các mô hình hiện tại và tương lai, đồng thời cho phép khu vực tư nhân của chúng ta đổi mới", ông viết.
Những biện pháp này nên gồm cả "các đổi mới về an ninh mạng và trung tâm dữ liệu để ngăn chặn hacker đánh cắp tài sản trí tuệ quan trọng", doanh nhân 39 tuổi người Mỹ cho biết thêm.
Tiếp theo là xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp. Sam Altman thúc giục các nhà hoạch định chính sách Mỹ "làm việc với khu vực tư nhân để xây dựng số lượng cơ sở hạ tầng vật lý lớn hơn đáng kể, từ trung tâm dữ liệu đến nhà máy điện, để chạy các hệ thống AI". Ông cho biết điều đó sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm hơn và thiết lập AI như một "cơ sở công nghiệp mới" ở Mỹ.
Ngoài ra, Sam Altman cũng khuyên Mỹ cần đầu tư vào phát triển thế hệ nhà đổi mới, nhà nghiên cứu và kỹ sư AI mới. "Họ là siêu cường thực sự của chúng ta", ông viết.
Thứ ba, Mỹ nên thiết lập nhiều quy định hơn xung quanh thương mại và truyền tải thông tin qua biên giới, gồm cả "sự rõ ràng về cách Mỹ dự định thực hiện kiểm soát xuất khẩu và quy tắc đầu tư nước ngoài với việc xây dựng các hệ thống AI trên toàn cầu", ông viết. Điều này cũng đồng nghĩa thiết lập các quy tắc về nơi lưu trữ các tài liệu, như dữ liệu đào tạo, chip và mã, trên toàn cầu. “Không chỉ là về xuất khẩu công nghệ, mà xuất khẩu các giá trị được công nghệ duy trì", theo Giám đốc điều hành OpenAI.
Cuối cùng, Sam Altman gợi ý rằng Mỹ cần phát triển một chiến lược toàn cầu cho AI để các quốc gia đang phát triển không bị bỏ lại phía sau. Ông đề xuất một số giải pháp, gồm cả tạo ra một cái gì đó tương tự như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho AI, điều này sẽ giúp thúc đẩy việc sử dụng công nghệ một cách hòa bình.
Sam Altman đề xuất thành lập một quỹ đầu tư sẽ tập hợp các nguồn lực từ các quốc gia cam kết phát triển AI an toàn. Một lựa chọn khác sẽ là xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận tương tự ICANN (Tập đoàn Internet cấp số và tên miền) dành riêng cho việc "tối đa hóa quyền truy cập internet để hỗ trợ một cộng đồng toàn cầu mở, kết nối, dân chủ".
Sơn Vân