Ông Trần Ngọc Năm: Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đã thể hiện tinh thần theo cơ chế thị trường

Ông Trần Ngọc Năm: Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đã thể hiện tinh thần theo cơ chế thị trường
2 giờ trướcBài gốc
Chiều 2/10, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Phát biểu góp ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, qua nghiên cứu Tờ trình của Bộ Công Thương, kèm theo dự thảo lần 4 Nghị định kinh doanh xăng dầu Bộ Công Thương báo cáo với Chính phủ, trên góc độ là một trong những đối tượng thực hiện nghị định này, Petrolimex đồng tình với các nội dung cơ bản, cốt lõi trong dự thảo.
Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phát biểu ý kiến. Ảnh: Cấn Dũng
Ông Trần Ngọc Năm nêu cụ thể:
Thứ nhất, liên quan đến thẩm quyền quyết định giá mà Bộ trưởng nêu và đã được các đại biểu trong hội nghị quan tâm, đây là một vấn đề hết sức quan trọng đối với sự thành công của Nghị định. Là một đối tượng thực hiện các Nghị định trước đây cũng như chuẩn bị thực hiện Nghị định mới, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rất đáng kể.
Thay đổi thứ nhất, trong dự thảo đưa ra các thành tố mà nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp, thương nhân đầu mối có thẩm quyền quyết định giá để theo thị trường. Nhưng mà thị trường, theo quan điểm của Petrolimex là phải có một nguyên tắc, không phải là mỗi đầu mối quyết định giá theo một nguyên tắc riêng của mình.
Tại sao chúng tôi rất thấm thía ở vấn đề này? Bởi vì thực tế vừa rồi có rất nhiều nội dung đã được quy định rất rõ ràng nhưng cuối cùng trong thực tế vẫn có nhiều đơn vị vi phạm, chứ chưa nói đến việc không đưa ra nguyên tắc. Hôm nay Bộ trưởng cũng đã có ý kiến mà tôi cho rằng là sự thay đổi, đó là cân nhắc ở vấn đề giá bán không vượt quá giá tối đa. Đấy cũng là một điều rất khác so với trước.
Thay đổi thứ hai, dự thảo Nghị định lần này chỉ ra là Bộ Công Thương công bố giá đối với hai mặt hàng có tỷ trọng tiêu dùng lớn, đó là xăng RON 95-III và dầu diesel 0,05, còn lại trên thị trường còn 7 - 8 loại mặt hàng nữa. Như vậy là các doanh nghiệp hoàn toàn căn cứ vào công thức đó, các yếu tố chi phí của mình để quyết định giá. Đấy là cái tôi cho rằng đang theo thị trường.
Về quan điểm, Petrolimex rất đồng tình ý kiến của Bộ trưởng, chúng ta đang chuyển trạng thái cho một mặt hàng thiết yếu có liên quan nhiều đến đời sống dân sinh thì tính thận trọng là cần thiết. Đến một thời điểm nào đấy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng thì tiếp tục thực hiện một nấc nữa theo thị trường, không có vấn đề gì cả.
Về thẩm quyền quyết định giá, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với những ý kiến phân tích trong Tờ trình cũng như ý kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương trao đổi lại.
Ý thứ hai liên quan đến vấn đề Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mà nhiều đơn vị có ý kiến, tại tờ trình chúng tôi nghiên cứu, Bộ Công Thương đã nêu rất rõ: Dự thảo không nói là không có quỹ bình ổn, mà nói là việc bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo Luật Giá do Luật Giá quy định rõ, xăng dầu là danh mục hàng hóa thuộc đối tượng bình ổn. Bên cạnh đó, dự thảo quy định trường hợp nào thì bình ổn? Phương pháp bình ổn? Khi cần bình ổn thì Nhà nước sẽ ứng phó trên nguyên tắc của Luật Giá. Tôi cho rằng như vậy là đúng, rất thị trường.
Bên cạnh đó, về vấn đề số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quan điểm Petrolimex cũng đồng tình trong tờ trình đó là nếu sau này chúng ta không sử dụng quỹ bình ổn nữa thì số tiền dư trong Quỹ bình ổn giá sẽ chuyển ai quản lý? Điều này trong tờ trình đã nêu rõ.
Ý thứ ba, vấn đề mua thông tin của giá Platt's thì đúng là thực tế. Hàng năm, Petrolimex đều phải đi mua, mà mua thì chỉ duy nhất một nhà cung cấp. Chỉ có đàm phán và rõ ràng, đàm phán liên quan đến ngân sách thì trong tờ trình cũng nêu rõ việc kinh phí cho vấn đề này như thế nào? Petrolimex đồng tình với quan điểm trong tờ trình.
Ý thứ tư là quyền mua bán của thương nhân phân phối. Đứng trên góc độ Petrolimex thì vì là thương nhân đầu mối, nếu mà chúng tôi nói quá thì lại trở thành nói cho chính thương nhân đầu mối. Nhưng qua thực tế hoạt động, chúng tôi cho rằng quy định như vậy là chính xác. Bởi vì những lý do: thứ nhất là xuất xứ, nguồn hàng của các thương nhân phân phối ở đâu? Đều mua từ của các thương nhân đầu mối và nhà sản xuất, chứ thương nhân phân phối cũng không tự tạo ra một nguồn nào, ở đâu cả.
Bài học thực tế năm 2022 khi Petrolimex cũng là đối tượng được thanh tra, kiểm tra của Kiểm toán nhà nước, của Thanh tra Chính phủ, cũng có rất nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề mua bán của thương nhân, thì chúng tôi cũng hoàn toàn đồng tình về việc không mua bán giữa các thương nhân phân phối với nhau.
Tôi nói ý này không phải để đưa quyền về cho thương nhân đầu mối mà bản chất vấn đề xuất xứ hàng hóa đều xuất phát từ thương nhân đầu mối và nhà sản xuất. Nếu như các thương nhân phân phối mua đúng hợp đồng với nhà sản xuất, với các thương nhân đầu mối thì không có lý do gì sợ lo thiếu hàng cả.
Lý do thứ hai, trong dự thảo nghị định này đã có ưu ái cho thương nhân phân phối. Đó là bỏ quy định tồn kho bắt buộc dự trữ 5 ngày, không quy định về điều kiện kho bể như trước đây...
Ý cuối cùng đó là ngày tồn kho, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm tồn kho 20 ngày dự trữ lưu thông. Còn một cơ chế để không sợ thiếu hàng nữa, đó là trong nghị định vẫn còn quy định hàng năm, Bộ Công Thương giao chỉ tiêu tổng nguồn tối thiểu. Đấy là một công cụ để hỗ trợ cho vấn đề đảm bảo nguồn.
Tâm An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ong-tran-ngoc-nam-du-thao-nghi-dinh-kinh-doanh-xang-dau-da-the-hien-tinh-than-theo-co-che-thi-truong-349968.html