Ông Trần Thanh Hải: Chuyển đổi số ngành dịch vụ logistics là không thể chậm trễ!

Ông Trần Thanh Hải: Chuyển đổi số ngành dịch vụ logistics là không thể chậm trễ!
6 giờ trướcBài gốc
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương
Chuyển đổi số ngành logistics càng nhanh càng tốt
- Thưa ông, ông đánh giá gì về xu hướng chuyển đổi số trong ngành logistics Việt Nam hiện nay? Liệu rằng đây có là yêu cầu bắt buộc hay không?
Ông Trần Thanh Hải: Đối với doanh nghiệp logistics, chúng ta thấy rằng, đây là lĩnh vực ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Khi lượng hàng hóa sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu ngày càng tăng thêm, vai trò của logistics ngày càng khẳng định rõ. Mặt khác, đây cũng là ngành có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Việc mở cửa thị trường đang khá cởi mở và sự cạnh tranh trên thị trường là khá bình đẳng. Do vậy, chuyển đổi số là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Với quy mô chưa lớn và nhân lực chưa nhiều, khi áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu suất, nâng cao tốc độ xử lý công việc.
Mặt khác, đây cũng là xu hướng chung của thời đại nên nếu chúng ta không làm, các doanh nghiệp của các nước khác đã thực hiện, chúng ta sẽ mất đi lợi thế ngay trên sân nhà. Do đó, đây là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam và chúng ta phải thực hiện việc này càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt.
Logistics là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam hiện nay. Ảnh: Cấn Dũng
Chuyển đổi nhận thức là yếu tố quan trọng nhất
- Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất đối với hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay?
Ông Trần Thanh Hải: Quá trình chuyển đổi số sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có tài chính, công nghệ. Song quan trọng nhất tôi cho rằng, đó là yếu tố về nhận thức. Người lãnh đạo cao nhất phải có ý thức, nhận thức về tầm quan trọng của việc này, đồng thời là người điều hành, đốc thúc quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu kỹ để áp dụng quy trình và công nghệ nào cũng là điều quan trọng. Vì nếu lựa chọn sai, rất có thể những mong muốn đầu tư về chuyển đối số sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí mang lại thiệt hại cho doanh nghiệp.
Thêm nữa, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị kinh phí để tiến hành việc này và coi như là khoản đầu tư cho tương lai. Người chủ phải chủ động đầu tư, nếu không có sự chủ động và đầu tư, sẽ không mang lại hiệu quả.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo trình Chính phủ về Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị logistics toàn cầu. Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu là thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics Việt Nam.
Bước tiên phong trong chuyển đổi số
- Là người đã có quá trình khá dài gắn với ngành logistics, ông có những ấn tượng đặc biệt gì về hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua?
Ông Trần Thanh Hải: Hiện nay, ở một số ngành, một số lĩnh vực, hoạt động chuyển đổi số đã có bước tiên phong, ví dụ nhiều cảng đã áp dụng các công nghệ tự động để nâng cao công suất bốc xếp, giảm bớt quy trình thừa, giảm bớt sự tác động của con người vào quy trình, góp phần xanh hóa logistics tại cảng.
Mặt khác, các trung tâm logistics là nơi lưu giữ và xử lý rất nhiều loại hàng hóa khác nhau. Việc áp dụng chuyển đổi số vào giúp hoạt động quản lý hàng hóa tại trung tâm logistics sẽ nhanh hơn, chính xác hơn, thuận tiện hơn và tốn ít nhân lực hơn.
Tôi cho rằng, đây là những thay đổi rất đáng ghi nhận để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Chiều ngày 24/4/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương (số 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”. Hội thảo nhằm thảo luận các vấn đề cốt lõi để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững, bao gồm: Chuyển đổi số, logistics xanh, tăng cường kết nối vận tải đa phương thức, phát triển kho thông minh, và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, blockchain vào tối ưu chuỗi cung ứng. Đây là sự kiện chuyên ngành quan trọng, góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách và kết nối hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - tổ chức trong nước và quốc tế.
Phương Lan thực hiện
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ong-tran-thanh-hai-chuyen-doi-so-nganh-dich-vu-logistics-la-khong-the-cham-tre-384606.html