Ông Trần Thoang.
Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước chủ động đề xuất xây dựng khu thương mại tự do (TMTD). Quốc hội đã chấp thuận cho Đà Nẵng được thí điểm xây dựng mô hình này.
Đồng Nai với lợi thế Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, hệ thống giao thông, cảng biển và sự kết nối liên hoàn trong khu vực được đánh giá rất có triển vọng trong xây dựng khu TMTD. Ông Trần Thoang, Giám đốc Công ty CT - Strategies Việt Nam (thuộc Công ty Tư vấn chiến lược Hải quan - thương mại CT Strategies, Hoa Kỳ), đơn vị đang tư vấn cho tỉnh xây dựng các nội dung về khu TMTD đã có những chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về các lợi ích của mô hình này.
Khu thương mại tự do là câu chuyện phải làm
Khu TMTD là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam. Thưa ông, tại sao Việt Nam lại cần phải phát triển khu TMTD vào giai đoạn này?
- Trước hết, phát triển khu TMTD là một trong các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng và hóa giải xu hướng bảo hộ thương mại. Đây là mô hình đã chứng minh hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới trong việc tạo ra động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư lớn, tạo việc làm chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, phát triển chuỗi cung ứng địa phương và thúc đẩy xuất khẩu. Khu TMTD là khu vực do nhà nước xác định, hàng hóa của nước ngoài có thể đem đến, xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công, chế biến mà không chịu thuế xuất nhập khẩu.
Việt Nam đã có thời gian dài phát triển các khu công nghiệp rồi sau đó là khu chế xuất, khu phi thuế quan...; các mô hình khu công nghiệp đã và đang phát triển đến đỉnh điểm, đến lúc phải chuyển lượng thành chất, đó là các khu TMTD, nhưng ở ta lại chưa có. Khi xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu gia tăng, việc Việt Nam xây dựng các khu TMTD là một trong các giải pháp chiến lược nhằm thoát khỏi xu hướng này và mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế.
Tháng 12-2024, trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tiến độ Dự án Sân bay Long Thành, Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Đồng Nai thành lập khu TMTD nằm trong khu đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển từ dự án trọng điểm này.
Khu TMTD sẽ mang lại hiệu quả và tính ưu việt gì, thưa ông?
- Theo kinh nghiệm quốc tế, khu TMTD là động lực tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Đây không chỉ là mô hình phát triển kinh tế mới, mà còn mang lại nhiều lợi thế so sánh và ưu việt vượt trội trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.
Tính ưu việt của khu TMTD là có cơ chế quản lý thông thoáng, minh bạch và phù hợp với chuẩn mực quốc tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo động lực cho phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ kể cả cho các ngành nghề hoạt động bên ngoài khu TMTD. Với các khu TMTD, Việt Nam không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, mà còn có cơ hội định vị mình như một trung tâm thương mại, tài chính, đổi mới sáng tạo và logistics hiện đại quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là cơ hội để Việt Nam thực hiện thành công chiến lược “kỷ nguyên vươn mình” như mục tiêu đã đặt ra.
Khuôn khổ pháp lý về khu TMTD ở Việt Nam chưa hoàn chỉnh. Theo ông, Nhà nước cần có thêm giải pháp nào? Cái khó hiện nay là gì?
- Rào cản lớn nhất chính là khung pháp lý về khu TMTD chưa được thiết lập tại nước ta. Điều này khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn từ Mỹ, EU (Liên minh châu Âu) và Nhật Bản, chưa thực sự an tâm khi cân nhắc đầu tư triển khai khu TMTD tại Việt Nam.
Một ví dụ điển hình là sự phát triển mạnh mẽ của các khu TMTD tại Trung Quốc như Thượng Hải và Thâm Quyến. Không chỉ ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế và thủ tục hải quan, Trung Quốc còn xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giúp các khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia. Việt Nam, nếu không có khung pháp lý minh bạch và cơ chế rõ ràng, rất dễ bị tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Chúng ta cần cú hích từ chính sách, hạ tầng và chuyên gia quốc tế. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng để hiện thực hóa tham vọng phát triển các khu TMTD, chính sách phải đi kèm với hạ tầng và niềm tin từ phía nhà đầu tư.
Theo ông, mô hình nào là phù hợp với chúng ta hiện nay?
- Trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đã và đang đẩy mạnh xây dựng các khu TMTD với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần hành động quyết liệt và nhanh chóng hơn.
Không có mô hình nào là phù hợp bởi vì mỗi quốc gia lại có những ưu thế khác nhau. Chỉ có học hỏi và nhờ các đơn vị tư vấn quốc tế có uy tín hỗ trợ để lựa chọn giải pháp phù hợp với Việt Nam. Theo chúng tôi, không có kinh nghiệm không phải là rào cản nếu biết tận dụng nguồn lực từ các chuyên gia quốc tế. Chúng ta không cần tự mình làm tất cả, mà cần học hỏi và hợp tác để đi nhanh hơn. Nếu biết tận dụng sự hỗ trợ từ các nhà tư vấn chuyên nghiệp trong và ngoài nước và xây dựng chính sách một cách khôn ngoan, Việt Nam hoàn toàn có thể biến các khu TMTD thành động lực tăng trưởng mới, đưa nền kinh tế tiến xa hơn.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành tạo điều kiện hạ tầng để có thể phát triển khu thương mại tự do. Ảnh:V.Thế
Đồng Nai có điều kiện tốt để triển khai khu thương mại tự do
Theo ông, Đồng Nai có những điều kiện và lợi thế gì để phát triển khu TMTD? Dự án Sân bay Long Thành phải chăng là động lực và điểm nhấn?
- Bộ mặt Đông Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng đang thay đổi từng ngày. Các dự án hạ tầng lớn đang nhộn nhịp triển khai tạo ra một quần thể kết nối toàn bộ khu vực. Đồng Nai có lợi thế là có Sân bay Long Thành rồi Sân bay Biên Hòa, lại là nơi giao thoa giữa các địa phương nên có điều kiện, cơ sở để phát triển khu TMTD.
Sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực Đông Nam Á. Phát triển khu TMTD Long Thành là bước đi quan trọng giúp Việt Nam khai thác hiệu quả vị trí địa lý chiến lược của khu vực Đông Nam Bộ vốn được xem là trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước. Bên cạnh khung pháp lý rõ ràng, cần có sự phát triển đồng bộ của các hạ tầng giao thông trọng yếu như: Sân bay Long Thành và hệ thống cảng biển, điển hình là Cảng Phước An, Cảng Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu TMTD Long Thành có thể trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến sâu, linh kiện điện tử và hàng tiêu dùng cho các thị trường trong khu vực ASEAN. Với sự kết nối thông suốt từ hành lang kinh tế phía Nam, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp quốc tế muốn xây dựng cơ sở sản xuất và xuất khẩu.
CT Strategies hiện đang triển khai những dự án nào tại Việt Nam, thưa ông?
- Chúng tôi cung cấp các dịch vụ tư vấn và giải pháp công nghệ liên quan đến hiện đại hóa hải quan và thương mại quốc tế; xây dựng khu TMTD và trung tâm logistics; ứng dụng công nghệ số vào quản lý thương mại
Hiện CT Strategies đang đề xuất các dự án phát triển khu TMTD tại Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh…
CT Strategies có đội ngũ chuyên gia từng làm việc cho các tổ chức quốc tế và trong nước nên có khả năng tùy chỉnh giải pháp theo đặc thù địa phương. Với thực tiễn thành công qua các dự án châu Mỹ, châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á, chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác tốt với các địa phương của Việt Nam để tiến tới triển khai những dự án tại đây.
Xin cảm ơn ông!
Vương Thế