'Ông trùm' đòi nợ thuê hơn 3.555 tỉ đồng bị đề nghị 12-14 năm tù

'Ông trùm' đòi nợ thuê hơn 3.555 tỉ đồng bị đề nghị 12-14 năm tù
một ngày trướcBài gốc
Sau 5 ngày xét xử, ngày 25-7, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với 45 bị cáo trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản.
Bị cáo Trần Hồng Tiến
Theo đó, VKSND đã đề nghị bị cáo Trần Hồng Tiến (SN 1974, trú tại TP HCM) từ 12-14 năm tù; Nguyễn Đức Khoa (SN 1991, trú tại TP HCM) bị đề nghị 13-14 năm tù. Các bị cáo khác bị đề nghị 2 năm 6 tháng đến 13 năm tù.
VKSND đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tài sản của cá nhân được pháp luật bảo hộ, gây mất trật tự trị an. Các bị cáo đã sử dụng các biện pháp uy hiếp tinh thần ép buộc các bị hại trả nợ. Dù các khoản nợ là có thật, các bị cáo làm trong công ty thu hồi nợ nhưng các bị cáo đã biến tướng thành các hành vi vi phạm pháp luật.
Các nhân viên thu hồi nợ đã đe dọa bị hại và người thân, cắt ghép đưa thông tin không đúng sự thật về họ. Cơ quan công tố đánh giá hành vi đặc biệt nghiêm trọng, cần thiết cách ly các bị cáo khỏi xã hội một thời gian để đảm bảo tính răn đe.
Các bị cáo tại phiên tòa
Trong quá trình truy tố, VKSND cân nhắc nhân thân và các tình tiết, đánh giá cả 45 bị cáo đều chỉ có vai trò "làm thuê" cho Lê Quốc Thống (đang bỏ trốn). Đến nay các bị cáo đã khắc phục hậu quả gần 1 tỉ đồng, nhiều hơn số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt (904 triệu đồng).
Theo cáo buộc, Công ty Mirae Asset (ở TP HCM) hoạt động trong lĩnh vực tài chính, cho vay tiền dưới hình thức tín chấp. Người vay phải cung cấp bản phô tô chứng minh thư; sổ hộ khẩu; số điện thoại của mình và của người thân, bạn bè.
Hàng tháng, khách hàng trả tiền gốc và lãi qua tài khoản của Công ty Mirae Asset hoặc đến nộp tiền trực tiếp tại trụ sở công ty. Các khoản vay mà khách hàng là cá nhân chậm trả hoặc không thực hiện việc trả tiền gốc và lãi vay gọi là nợ xấu.
Theo cáo buộc, đối với các khoản nợ xấu, Công ty Mirae Asset ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng khoản phải thu, bán lại các khoản nợ cho các công ty khác đòi tiền. Năm 2017, Lê Quốc Thống (SN 1978; ở TP HCM, đang bỏ trốn) và bị can Trần Hồng Tiến cùng nhau thành lập hàng loạt công ty để mua lại các khoản nợ xấu của Mirae Asset rồi tổ chức thu hồi nợ.
Các công ty này, gồm: Công ty cổ phần đầu tư Omnia; Công ty Luật TNHH Kiến Cường; Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP; Công ty Dịch vụ tài chính Thời Đại. Các công ty trong nhóm trên được đăng ký kinh doanh với nhiều trụ sở khác nhau nhưng thực tế chỉ làm việc tại một địa chỉ ở đường Lữ Gia (TP HCM).
Theo VKSND, các doanh nghiệp do Thống và Trần Hồng Tiến làm chủ có tổ chức nhân sự, phương thức hoạt động như nhau. Cả hai bị cáo sẽ chỉ đạo nhóm công ty của mình mua các khoản nợ xấu mà khách hàng đã vay của Công ty Mirae Asset nhưng không có khả năng trả với giá bằng 12 - 15% giá trị của tổng số tiền khách nợ.
Từ tháng 7-2018 đến tháng 8-2022, nhóm Thống và Tiến đã ký thỏa thuận mua lại 238.160 hợp đồng vay của các khách hàng cá nhân của Công ty Mirae Asset với tổng giá trị hơn 3.555 tỉ đồng. Sau khi mua, các bị can đã đòi được hơn 571 tỉ đồng.
Cơ quan truy tố cáo buộc khi có các thông tin khách hàng, thông tin khoản nợ từ Mirae Asset, bộ phận vận hành (Accout) sẽ cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống riêng của công ty rồi phân chia vào từng tài khoản của nhân viên bộ phận thu hồi. Còn nhân viên bộ phận thu hồi nợ sẽ gọi điện thoại yêu cầu khách hàng trả tiền hoặc gọi người thân của họ phải trả tiền.
Gặp trường hợp khó đòi, các bị cáo sử dụng nhiều số điện thoại gọi điện thoại cho người thân, đồng nghiệp của khách hàng để gây sức ép. Chúng gọi liên tục nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách hàng, mặc dù họ không liên quan gì. Thậm chí, nhóm này còn cắt ghép hình ảnh con nợ cùng người thân với mục đích bôi nhọ, tạo áp lực.
Nguyễn Hưởng
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/ong-trum-doi-no-thue-hon-3555-ti-dong-bi-de-nghi-12-14-nam-tu-196250725110044138.htm