Cuộc “tổng tấn công” người nhập cư trái phép
Ngay sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã ra lệnh tiến hành một cuộc “tổng tấn công” những người nhập cư trái phép. Ngày 26/1, các cơ quan chính quyền đã phát động chiến dịch thực thi luật nhập cư trên toàn quốc, theo Cơ quan Thực thi di trú và hải quan (ICE). Đợt phát động này huy động một loạt các cơ quan liên bang đã được cấp quyền nhập cư mở rộng theo chính quyền của ông Trump.
Các đặc vụ ICE đã tham gia cùng các quan chức từ nhiều cơ quan của Bộ Tư pháp, như FBI; Cục Quản lý thực thi chống ma túy (DEA); Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF); và Cơ quan Cảnh sát Liên bang Mỹ khi họ nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa an toàn công cộng và an ninh quốc gia. Hoạt động này dự kiến sẽ được tiếp tục theo kế hoạch đã đề ra.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Tom Homan, người được Tổng thống Trump giao trọng trách bảo vệ biên giới, chống nhập cư, gọi các hành động thực thi chống nhập cư hôm 26/1 tại Chicago là “bước ngoặt”. “Tổng thống Trump đã mang toàn bộ các cơ quan chính phủ vào vấn đề này”, ông cho biết. “Hôm nay, chúng tôi đã có tất cả các lực lượng thực thi pháp luật của chính phủ tập trung vào các mối đe dọa an toàn công cộng và an ninh quốc gia ở Chicago”, Homan cho biết.
Cả nước Mỹ có 956 người đã bị bắt và 554 lệnh tạm giữ đã được phát ra trong ngày 26/1, ICE cho biết trong một bài đăng trên X. Ngoài các hoạt động có mục tiêu do ICE công bố tại Chicago, các hành động thực thi luật nhập cư cũng được báo cáo tại Atlanta, Puerto Rico, Colorado, Los Angeles và Austin (Texas).
Trong số người bị bắt, đa số là những tên tội phạm thuộc các băng nhóm tội phạm như Tren de Aragua (TdA) nhập cư từ Venezuela; M-13 đến từ El Salvadore,... Là một phần trọng tâm về vấn đề nhập cư của chính quyền ông Trump, các cơ quan thực thi pháp luật liên bang đã được yêu cầu ưu tiên trục xuất nhiều nghi phạm hình sự đang bị điều tra. Theo các nguồn tin, các nhà điều tra đã được yêu cầu cân nhắc trục xuất một nghi phạm đang ở trong nước một cách bất hợp pháp và đang bị các cơ quan như FBI, ATF và DEA điều tra ngay cả khi bản cáo trạng về các tội hình sự không liên quan đến nhập cư do các cơ quan đó điều tra không có khả năng xảy ra trong tương lai gần.
Nguồn tin cho biết các nhà điều tra đã được yêu cầu cân nhắc “chỉ cần đưa họ ra ngoài”.
Tuy nhiên, việc trục xuất những phần tử tội phạm trở về quốc gia xuất xứ là điều không dễ dàng và cần phải có sự hợp tác từ phía các quốc gia đối tác để họ tiếp nhận người nhập cư bị Mỹ trục xuất. Bộ máy ngoại giao của Mỹ trong những ngày qua đã hoạt động quyết liệt để thực thi vấn đề này.
Ngày 31/1, Richard Grenell đặc phái viên của Tổng thống Trump, đã bay đến Venezuela để hội đàm với Tổng thống Nicolás Maduro. Bộ Truyền thông Venezuela và đặc phái viên của Tổng thống Trump tại Mỹ Latinh Mauricio Claver-Carone đều đã xác nhận cuộc gặp. Theo ông Claver-Carone, ông Grenell đến Venezuela là để truyền đạt hai thông điệp từ Tổng thống Trump: Một là về nhu cầu Venezuela phải tiếp nhận các chuyến bay trục xuất của Mỹ chở các thành viên băng nhóm tội phạm TdA và thông điệp thứ hai là yêu cầu Venezuela thả những công dân Bắc Mỹ đang bị giam giữ trong các nhà tù của Venezuela.
Cuộc gặp giữa đặc phái viên Grenell với Tổng thống Maduro tại Caracas gây chú ý vì Washington không chính thức công nhận chức tổng thống của ông Maduro kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái và loạt bất ổn chính trị xã hội kéo dài sau đó. Cũng như nhiều nước khu vực Mỹ Latinh, Venezuela đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc tiếp nhận người nhập cư trái phép bị trục xuất từ Mỹ trở về.
Kết quả đáng chú ý nhất của cuộc gặp tại Caracas là việc Venezuela đã đồng ý thả ngay lập tức 6 người Mỹ đang bị giam giữ. Sau cuộc gặp, ông Maduro cho biết trong bài phát biểu thường niên trước ngành tư pháp vào tối 31/1 rằng cuộc gặp với ông Grenell đã mang lại một số thỏa thuận ban đầu và ông mong đợi “những thỏa thuận mới vì lợi ích của hai quốc gia và khu vực”, theo Reuters. “Tổng thống Donald Trump, chúng tôi đã thực hiện bước đầu tiên, hy vọng nó có thể tiếp tục”, ông Maduro nói.
Vấn đề Kênh đào Panama
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng đã bắt đầu chuyến công du các nước Trung Mỹ liên quan vấn đề hồi hương người nhập cư trái phép. Trong chuyến công du này, ông Rubio hội đàm với lãnh đạo El Salvadore và một số nước về việc tiếp nhận các thành viên nhóm tội phạm M-13, với lãnh đạo Panama về hồi hương người nhập cư và cả vấn đề kênh đào Panama.
Ngày 2/2, ông Rubio đã có cuộc hội đàm tại Panama City với Tổng thống Panama José Rául Mulino, khi những người biểu tình tuần hành phản đối yêu cầu của ông Trump về việc Mỹ đòi lại quyền sở hữu kênh đào Panama. Ngoại trưởng Mỹ đã nói với ông Mulino trong các cuộc hội đàm rằng Tổng thống Mỹ đã xác định rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đe dọa kênh đào Panama và cần phải có những thay đổi ngay lập tức, nếu không Mỹ sẽ hành động.
Đặc phái viên Mỹ Richard Grenell hội đàm với Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro.
Kể từ khi ông Trump bắt đầu nói về việc “lấy lại” kênh đào Panama hơn một tháng trước, các quan chức Panama đã tìm đến ông Rubio để tìm hiểu bản chất những lời đe dọa của ông Trump và những nhượng bộ mà họ có thể thực hiện để củng cố mối quan hệ với Mỹ.
Trong bản tóm tắt cuộc họp do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, ông Rubio nói với ông Mulino rằng ông Trump tin rằng tình hình hiện tại tại kênh đào là “không thể chấp nhận được và nếu không có những thay đổi ngay lập tức, Mỹ sẽ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền của mình” theo hiệp ước của Mỹ với Panama.
Trong khi đó, Tổng thống Mulino nhấn mạnh rằng chủ quyền đối với kênh đào không phải là vấn đề cần tranh luận, nhưng ông đã đề nghị hỗ trợ hồi hương một số người di cư đang đi về phía Mỹ qua quốc gia này từ Nam Mỹ nếu Mỹ trả tiền cho việc này. Ông Mulino đề xuất khả năng mở rộng một thỏa thuận hiện có với Mỹ từ tháng 7 năm ngoái, có thể mở đường cho việc trục xuất trực tiếp những người di cư không phải người Panama băng qua rừng rậm Darien Gap ở biên giới phía Nam của Panama với Colombia.
Ông Mulino lưu ý rằng một thỏa thuận mở rộng có khả năng cho phép trục xuất những người di cư từ Venezuela, Colombia và Ecuador. “Chúng tôi đã thảo luận rộng rãi về vấn đề di cư, với sự hiểu biết rằng Panama là một điểm trung chuyển”, ông Mulino cho biết sau cuộc họp.
Lời hứa đối với cuộc chiến Ukraine
Đối với cuộc chiến Ukraine, Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông đã có các cuộc thảo luận “rất nghiêm túc” với Nga về cuộc chiến của nước này ở Ukraine và rằng ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sớm thực hiện hành động "quan trọng" để chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng này.
"Chúng tôi sẽ nói chuyện và tôi nghĩ có lẽ sẽ làm điều gì đó có ý nghĩa", ông Trump nói trong một cuộc trao đổi với các phóng viên báo chí tại Phòng Bầu dục. "Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc chiến đó. Cuộc chiến đó sẽ không bắt đầu nếu tôi là tổng thống". Ông Trump không nói ai trong chính quyền của ông đã liên lạc với người Nga nhưng nhấn mạnh rằng hai bên "đã nói chuyện". Khi được hỏi liệu ông đã nói chuyện trực tiếp với ông Putin chưa, ông Trump tỏ ra e dè: "Tôi không muốn nói về điều đó".
Ông Trump đã nhiều lần nói rằng ông sẽ không cho phép xung đột bắt đầu nếu ông còn tại nhiệm, mặc dù ông là tổng thống khi giao tranh gia tăng ở miền Đông Ukraine giữa lực lượng Kiev và phe ly khai được Moscow hậu thuẫn, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào năm 2022.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky, nói rằng ông Zelensky nên đạt được thỏa thuận với ông Putin để tránh xung đột.
Lực lượng chức năng Mỹ thực thi lệnh trục xuất người nhập cư trái phép.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào đầu tháng 1, Tổng thống Mỹ đã chế giễu ông Zelensky là “nói quá mạnh miệng”, khi Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ của Mỹ để chiến đấu trong cuộc chiến của mình.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đã thề sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh và nhiều lần chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden vì đã chi hàng tỷ USD tiền thuế của người dân Mỹ cho viện trợ quân sự và kinh tế cho Kiev để giúp nước này chống trả Nga.
Mối quan hệ của ông Trump với ông Putin đã bị giám sát chặt chẽ kể từ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông, khi ông kêu gọi Nga tìm và công khai các email bị mất do bà Hillary Clinton (đối thủ đảng Dân chủ của ông) xóa. Ông Trump đã công khai đứng về phía ông Putin thay vì các quan chức tình báo Mỹ về việc liệu Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 để giúp ông hay không và ông cũng đã ca ngợi nhà lãnh đạo Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.
Cuộc chiến thuế quan
Ngày 1/2, ông Trump đã thực hiện một trong những lời đe dọa gây phản ứng mạnh nhất của mình là áp mức thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ một loạt quốc gia. Ông đã ký lệnh áp mức thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Trước khi nhậm chức, ông Trump đã đe dọa áp thuế đối với 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, Mexico, Canada. Cụ thể, ông cho biết ông muốn áp thuế 25% đối với Mexico và Canada và thuế 10% đối với Trung Quốc cho đến khi các nước này giải quyết được vấn đề người nhập cư và ma túy bất hợp pháp vào Mỹ. Ngay lập tức, lãnh đạo các nước Canada, Mexico và Trung Quốc ra tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Ông Trump coi thuế quan là một con bài mặc cả mạnh mẽ. Ông định hình thuế quan là một chính sách có thể gây áp lực lên các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu của Mỹ để sản xuất hàng hóa trong nước. “Tất cả những gì bạn phải làm là xây dựng nhà máy của mình tại Mỹ và bạn không phải chịu bất kỳ mức thuế nào”, ông Trump đã từng nói. Nhưng, nền kinh tế toàn cầu đã gắn bó với nhau trong nhiều thập kỷ. Nông dân Mỹ sẽ không thể sản xuất được số lượng bơ mà Mexico sản xuất trong nhiều năm. Điều đó có nghĩa là những nhà nhập khẩu có thể sẽ đẩy chi phí thuế quan lên người tiêu dùng, khiến giá cả tăng cao. Canada là nước xuất khẩu dầu thô lớn, trong khi Mexico xuất khẩu nhiều loại trái cây và rau quả tươi. Mexico cũng là nước xuất khẩu phụ tùng ô tô lớn nhất sang Mỹ. Trung Quốc là nước xuất khẩu chính các loại chip được sử dụng trong các thiết bị điện tử như điện thoại và máy tính xách tay.
Tổng cộng, Mỹ đã nhập khẩu 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc cộng lại vào năm 2023.
Người tiêu dùng không chỉ mua trực tiếp hàng nhập khẩu. Khi thuế quan đẩy giá hàng nhập khẩu lên, giá đó bao gồm cả vật liệu nhập khẩu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm khác trong nước tại Mỹ. Giá vật liệu cao hơn cuối cùng sẽ đến tay người tiêu dùng.
Tax Foundation, một nhóm nghiên cứu lưỡng đảng, ước tính rằng thuế quan 25% đối với Mexico, Canada và thuế quan 10% đối với Trung Quốc, dưới dạng thuế, sẽ làm tăng tổng thuế lên 1,2 nghìn tỷ USD. Ông Trump đã ca ngợi ý tưởng rằng Chính phủ Mỹ sẽ nhận được nhiều doanh thu hơn thông qua thuế quan, nhưng cuối cùng thì người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá.
Trương Hùng (Tổng hợp)