Ông Trump cần công nhân thép để vực dậy ngành sản xuất, nhưng lấy đâu ra người?

Ông Trump cần công nhân thép để vực dậy ngành sản xuất, nhưng lấy đâu ra người?
13 giờ trướcBài gốc
Công nhân nhà máy thép Nucor ở Blytheville, Arkansas. (Ảnh: Reuters).
Ông Thomas Reisinger lái xe gần một tiếng rưỡi mỗi ngày để đến nơi làm là một nhà máy thép khổng lồ tại miền đông bang Arkansas. Một số đồng nghiệp của ông còn phải lặn lội đường xa hơn. Có người sống trong xe cắm trại và chỉ về nhà vào cuối tuần. Khắp vùng này có rất nhiều bãi đỗ xe phục vụ những người lao động như thế.
Mỹ sẽ cần nhiều có thêm rất nhiều lao động như ông Reisinger để có thể thực hiện tham vọng của Tổng thống Donald Trump là mở rộng mạnh mẽ ngành công nghiệp. Việc ông Trump không ngần ngại áp thuế 25% lên thép nhập khẩu cho thấy ông sẵn sàng dùng thuế quan để trợ giúp công cuộc phục hưng ngành sản xuất quốc gia.
Sự cạnh tranh từ các đối thủ quốc tế quả thực đã gây áp lực lên giá thép của Mỹ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm người lao động mới là thách thức lớn nhất đối với các công ty thép tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ca làm việc 12 giờ
Hạt Mississippi ở bang Arkansas đặt khẩu hiệu là “Vùng đất của thép”. Lời tuyên bố này không có chút cường điệu nào. Các nhà máy thuộc sở hữu của Nucor, U.S. Steel và những doanh nghiệp phụ trợ tạo ra gần 25% trong số 20.000 công việc ở hạt Mississippi.
Ông Clif Chitwood, Chủ tịch của Quỹ Phát triển Kinh tế Hạt Mississippi, cho biết có nhiều công nhân thép làm việc 4 ngày một tuần, 12 giờ mỗi ngày, sau đó lại nghỉ 4 ngày. Lịch trình như vậy giúp những người sống cách nhà máy 5 đến 6 giờ đồng hồ lái xe cũng có thể tới đây làm.
Tình trạng “khát” lao động tại hạt Mississippi phản ánh xu hướng chung trên toàn nước Mỹ. Mỹ ngừng đào tạo số lượng lớn nhân công nhà máy từ hàng chục năm trước. Xu hướng người lao động lớn tuổi về hưu và chiến dịch trục xuất người nhập cư lại đang làm giảm nguồn cung lao động sẵn có.
Khi được hỏi về tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành sản xuất, phát ngôn viên Kush Desai của Nhà Trắng chỉ ra rằng hơn 10% thanh niên tại Mỹ đang không có công việc, không học lên cao hoặc theo đuổi bất kỳ hình thức đào tạo nghề nào. Ông kết luận: “Lực lượng lao động hiện nay của Mỹ có đủ tiềm năng để phát triển ngành sản xuất”.
Khủng hoảng nhà đất
Bất chấp sự phát triển thịnh vượng của ngành thép, nền kinh tế hạt Mississippi đã xuống dốc trong hàng chục năm qua, khiến chất lượng sống giảm sút rõ rệt.
Chưa tới một nửa công nhân làm việc tại các nhà máy thép địa phương sống tại hạt này. Lương của họ đủ cao để bù đắp chi phí đi lại hoặc thuê nhà sống tạm.
Công ty phân tích kinh tế Chmura Economics & Analytics cho biết lao động trong những lĩnh vực liên quan đến kim loại ở Mississippi trung bình kiếm được hơn 116.000 USD mỗi năm, cao hơn hẳn mức bình quân 69.000 USD của hạt. Công nhân trong những nhà máy thép lớn còn có thể kiếm nhiều hơn nhờ phần thưởng theo sản lượng.
Nhưng cảnh quan xung quanh lại không phản ánh sự thịnh vượng này. Dân số hạt Mississippi đã giảm sút trong hàng thập kỷ qua, giờ chỉ còn chưa đến một nửa so với thời đỉnh cao 88.000 người trong năm 1940.
Những nhà sản xuất khác ở hạt Mississippi không thành công như các doanh nghiệp thép. Một nhà máy áo sơ mi từng phát đạt ở nơi đây đã bị bỏ hoang lâu ngày, cỏ dại mọc um tùm trong sân. Khu phố trung tâm đầy rẫy những cửa hàng trống rỗng. Tỷ lệ nghèo của hạt lên đến 21%, cao hơn đáng kể mức trung bình của bang Arkansas là 15,7%.
Bà Melisa Logan, Thị trưởng thị trấn Blytheville thuộc hạt Mississippi, bình luận: “Nhà ở là khủng hoảng số một của chúng tôi. Nơi đây giống như một hoang mạc nhà cửa”.
Tặng 50.000 USD để xây nhà
Rắc rối trên nghiêm trọng đến mức thị trấn Blytheville đã triển khai chương trình hỗ trợ 10% chi phí xây nhà - tối đa 50.000 USD - cho ai chuyển đến sống và làm việc tại đây ít nhất 4 năm. Chương trình chủ yếu do các hãng thép tài trợ.
Ông Chitwood cho biết 151 căn nhà mới đã được xây ở hạt Mississippi trong 15 tháng qua, nhiều hơn “20 năm trước cộng lại” hoặc có thể còn lâu hơn thế.
Sự đối lập giữa ngành thép hưng thịnh và nền kinh tế địa phương ảm đạm là trở ngại lớn cho bất kỳ vùng nào muốn phục hồi ngành sản xuất.
Một yếu tố quan trọng khác khiến người Mỹ ngại vào làm trong nhà máy là nhận thức rằng mọi chủ doanh nghiệp đều sẵn sàng đóng cửa hoặc cắt giảm nhân viên khi nền kinh tế xuống dốc. Điều đáng tiếc là tờ Reuters nhận xét quan điểm này hầu như luôn đúng.
Ngành thép ở Arkansas không có công đoàn, đồng nghĩa với việc người lao động có ít sự bảo vệ hơn khỏi nguy cơ bị sa thải.
Chạy đua tìm nhân tài
Bà Katherine Miller, phát ngôn viên của nhà sản xuất thép lớn nhất nước Mỹ Nucor, nhận xét: “Mọi nhà sản xuất đều đang vật lộn để tìm kiếm nhân tài. Chúng tôi không phải bên duy nhất gặp rắc rối này”.
Ông Jerald Gaines, Giám đốc điều hành nhà máy thép cán phẳng của Nucor, cho biết ông vẫn thu hút được nhân viên, nhưng việc này không còn dễ dàng như xưa.
Một trong những điểm hấp dẫn của việc làm trong nhà máy thép là đa số người mới vào nghề chỉ cần bằng cấp ba hoặc tương đương. Những công việc chuyên môn như luyện kim đòi hỏi bằng cấp khác.
Một trong những cơ sở đào tạo nhân tài cho các nhà máy ở Arkansas là Đại học Arkansas Northeastern. Khoảng 1/4 sinh viên tại đây, tức 300 người, học những lĩnh vực như hàn và sửa chữa máy bay. Tuy nhiên, ban giám hiệu cho biết hầu hết những sinh viên đó cuối cùng đều về làm cho các nhà máy thép.
U.S. Steel nhận đào tạo sinh viên trong vòng hai năm và còn cung cấp cho họ việc làm thêm tại một trong những nhà máy lớn trong vùng. Chương trình này hấp dẫn đến mức cô Alyssa Summerville, một sinh viên 19 tuổi, đã tạm gác lại ước muốn rời khỏi hạt Mississippi để đầu quân cho U.S. Steel sau khi tốt nghiệp.
Giang
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/ong-trump-can-cong-nhan-thep-de-vuc-day-nganh-san-xuat-nhung-lay-dau-ra-nguoi.html