Loạt khó khăn xuất hiện
Chỉ trong vài giờ, theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuyển từ việc ca ngợi “kỷ nguyên vàng” mới của nước Mỹ sang cảnh báo các bậc phụ huynh rằng con cái họ sẽ có ít đồ chơi hơn - và giá cả sẽ đắt đỏ hơn - khi thương chiến với Trung Quốc leo thang.
Sự thay đổi lập trường nhanh chóng của Tổng thống Mỹ trong tuần này cho thấy những khó khăn trong việc thực hiện lời hứa “Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại” của ông Trump. Đó cũng là lời cảnh báo khi Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố kinh tế số 1 thế giới giảm 0,3% trong quý I, đánh dấu quý tồi tệ nhất kể từ năm 2022.
Người Mỹ sắp phải đối diện với thực tế một số tàu hàng cuối cùng chở hàng hóa Trung Quốc mà không bị áp thuế nặng hiện đang cập cảng Mỹ. Nhưng bắt đầu từ tuần tới, tình hình sẽ thay đổi.
Các lô hàng từ Trung Quốc được bốc xếp lên tàu sau ngày 9/4 sẽ chịu mức thuế 145% mà Tổng thống Donald Trump áp đặt hồi tháng trước. Tuần tới, những hàng hóa này sẽ đến nơi, nhưng số lượng tàu trên biển sẽ ít hơn và chúng cũng chở ít hàng hơn. Với nhiều nhà nhập khẩu, việc kinh doanh với Trung Quốc đang trở nên quá đắt đỏ.
Theo CNN, các cảng của Mỹ đang đối mặt với tình trạng chậm trễ nghiêm trọng với hàng chục tàu container bị kẹt ngoài khơi do các công ty không muốn trả mức thuế nhập khẩu cao ngất ngưởng mà chính quyền ông Trump đã áp đặt. Trong khi đó, các nhà bán lẻ đang báo cáo tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên kệ, đặc biệt là hàng điện tử, quần áo và đồ chơi - những mặt hàng phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các mức thuế của Tổng thống Donald Trump khiến các nhà nhập khẩu phải cân nhắc lại chiến lược của họ, dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng có trong nhiều thập kỷ.
Người Mỹ sẽ đối diện với thực tế giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn
Tại cảng Los Angeles, cảng container lớn nhất nước Mỹ, số lượng tàu chờ để dỡ hàng đã tăng gấp đôi trong tuần qua. Các công ty vận tải biển đang trì hoãn việc dỡ hàng để tránh các mức thuế mới, trong khi một số công ty đã hủy chuyến hàng hoàn toàn.
“Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng hậu cần”, Jonathan Gold, Phó Chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, nói với CNN Business. “Các công ty không thể tiếp tục trả mức thuế này mà không chuyển chi phí sang người tiêu dùng; ngay cả như vậy, nhiều công ty đã chọn cách ngừng nhập khẩu”.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng sự gián đoạn này sẽ làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là khi người Mỹ chuẩn bị cho mùa mua sắm lễ hội. Một báo cáo từ Hiệp hội Vận tải Quốc tế ước tính giá hàng hóa nhập khẩu có thể tăng trung bình 20% nếu các mức thuế vẫn được duy trì.
Các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Target cảnh báo rằng họ có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá hoặc giảm danh mục sản phẩm. “Chúng tôi không thể hấp thụ toàn bộ chi phí thuế quan”, Giám đốc điều hành Walmart John Furner nói trong một cuộc họp báo.
Những rủi ro với kinh tế Mỹ và các cuộc đàm phán thương mại
Có thể thấy, nền kinh tế Mỹ dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, chủ yếu xuất phát từ các chính sách thương mại cứng rắn, đặc biệt là các mức thuế quan cao ngất ngưởng áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu.
Đó là sự suy giảm tăng trưởng GDP, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát gia tăng, sự sụt giảm lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp... và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.
Sự suy giảm về GDP của Mỹ trong quý đầu tiên của năm, dù chưa đủ để xác định một cuộc suy thoái (theo quy tắc hai quý liên tiếp tăng trưởng âm), làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Các nhà kinh tế, như Gregory Daco từ Ernst & Young, nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ đang “ở trên lằn ranh mỏng manh” và các mức thuế quan kéo dài có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Các mức thuế quan, đặc biệt là mức 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, đã làm tăng chi phí nhập khẩu, dẫn đến áp lực gia tăng lạm phát đáng kể.
Tác động của lạm phát đặc biệt đáng lo ngại khi mùa mua sắm lễ hội đang đến gần. Người tiêu dùng Mỹ, vốn đã chịu áp lực từ lạm phát cao trong những năm gần đây, có thể phải đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao hơn nữa, làm giảm sức mua và ảnh hưởng đến tiêu dùng - yếu tố chiếm khoảng 70% GDP của Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, nền kinh tế có thể rơi vào vòng xoáy suy giảm.
Đó còn là sự gián đoạn chuỗi cung ứng và khủng hoảng hậu cần và sự suy giảm lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong tháng 4, chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã giảm 32%, xuống mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 1990. Báo cáo “Beige Book” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy 75% doanh nghiệp không tăng chi tiêu vốn trong sáu tháng tới.
Chính quyền ông Trump lập luận rằng các mức thuế sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ việc làm của người Mỹ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi chuỗi cung ứng sang Mỹ hoặc các quốc gia khác sẽ mất nhiều năm, thậm chí là không khả thi đối với một số ngành.
Ví như, ngành công nghiệp đồ chơi phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sản xuất tại Trung Quốc, với hơn 90% đồ chơi bán tại Mỹ được sản xuất tại đó. “Việc xây dựng cơ sở sản xuất mới ở Mỹ là không thực tế trong ngắn hạn,” Jay Foreman, Giám đốc điều hành của Basic Fun!, một công ty đồ chơi, thừa nhận.
Trong khi đó, dữ liệu từ Bộ Thương mại cho thấy nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ đã giảm 15% trong tháng qua, một phần do các công ty tích trữ hàng trước khi thuế quan có hiệu lực và một phần do các nhà nhập khẩu ngừng đặt hàng mới. Sự sụt giảm này đã góp phần vào mức tăng trưởng GDP âm 0,3% trong quý đầu tiên của năm 2025.
Hơn nữa, sự không nhất quán trong chính sách thuế quan của Trump - khi ông liên tục áp đặt, tạm dừng và điều chỉnh các mức thuế - đã tạo ra sự bất ổn cho các doanh nghiệp và đối tác thương mại quốc tế. Các quốc gia như Trung Quốc, EU và Canada đã hoặc sẽ đáp trả bằng các mức thuế trả đũa, làm tăng nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu.
Nếu các cuộc đàm phán thương mại không đạt được kết quả, như trường hợp với Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ có thể chịu thêm áp lực từ sự suy giảm thương mại quốc tế.
Lịch sử cho thấy một quốc gia có thể tự đẩy mình vào suy thoái kinh tế. Thế giới đang theo dõi sát sao những chính sách từ chính quyền ông Trump. Nếu tỷ lệ ủng hộ ông Trump sụt giảm tạo ra bất kỳ ấn tượng nào về sự yếu kém chính trị, điều đó có thể làm suy yếu vị thế đàm phán của ông Trump khi ông chủ Nhà Trắng tìm cách hoàn tất các thỏa thuận thương mại với hàng chục quốc gia.
Khi các nhà lãnh đạo nước ngoài nghĩ rằng nước Mỹ đang gặp khó khăn, liệu ông Trump có còn nhiều lợi thế trên các bàn đàm phán hay không?
Mạnh Hà