Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: GettyImages/TTXVN
Khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, câu hỏi đặt ra là liệu Đức có tiếp tục trở thành mục tiêu chỉ trích của ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng? Và nếu có, Berlin sẽ phản ứng ra sao trước áp lực này?
Mối quan hệ khó đoán
Sự khó lường trong cách tiếp cận của ông Trump khiến các chính trị gia Đức không khỏi lo lắng. Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã nhiều lần gọi Đức là "kẻ hưởng lợi" trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thậm chí đe dọa rút quân đội Mỹ khỏi đây. Với ông Trump, NATO không phải là một liên minh chia sẻ giá trị mà là "tổ chức dịch vụ", nơi các thành viên phải trả tiền để được bảo vệ.
Nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng, khả năng cao ông sẽ tiếp tục gây áp lực buộc Đức duy trì mức chi tiêu quốc phòng tối thiểu 2% GDP, một tiêu chí mà Đức vừa mới đạt được lần đầu tiên trong năm nay, nhờ quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro được thông qua sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, quỹ này chỉ mang tính tạm thời và sẽ cạn kiệt trong vài năm tới. Khi đó, nếu ngân sách quốc phòng không được tăng đều đặn, Đức sẽ dễ dàng trở thành "đích ngắm" của ông Trump.
Nâng mức chi tiêu quốc phòng hay đối mặt chỉ trích?
Với hơn 180.000 quân nhân nhưng thiếu trang thiết bị hiện đại, quân đội Đức hiện phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ NATO. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã kêu gọi các nước châu Âu như Pháp, Anh, Ba Lan và Ý hợp tác để củng cố khả năng phòng thủ chung, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.
Tuy nhiên, xây dựng một NATO châu Âu không phải chuyện dễ dàng. Ngân sách quốc phòng Đức, dù tăng đáng kể, vẫn chưa đủ để đáp ứng các yêu cầu hiện đại hóa. Việc duy trì mức chi tiêu 2% GDP đòi hỏi Berlin phải đưa ra các quyết định chính trị khó khăn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng chính trị hiện nay và cuộc bầu cử sớm vào tháng 2/2024.
Áp lực gia tăng
Một yếu tố khác khiến châu Âu, đặc biệt là Đức, lo lắng là thái độ của ông Trump đối với Ukraine. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump không ngần ngại tuyên bố sẽ cắt giảm viện trợ quân sự cho Kiev và kết thúc chiến tranh Ukraine trong 24 giờ – tuyên bố làm dấy lên lo ngại về khả năng ông Trump sẽ "thỏa thuận" với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không tham vấn châu Âu.
Nếu Mỹ giảm viện trợ, Đức và các nước châu Âu sẽ đối mặt với áp lực lớn trong việc bù đắp khoảng trống này. Tuy nhiên, theo chuyên gia an ninh Ulrike Franke, vấn đề không chỉ nằm ở tiền bạc mà còn ở việc thiếu vũ khí và năng lực sản xuất. "châu Âu đã làm cạn kiệt kho vũ khí của mình trong hai năm qua mà chưa kịp tái sản xuất đủ," ông Franke nhấn mạnh.
Điều đáng ngại hơn là ông Trump có thể khiến NATO suy yếu bằng cách hạ thấp cam kết bảo vệ các thành viên. Điều này sẽ làm lung lay lòng tin vào liên minh quân sự lớn nhất thế giới, tạo cơ hội cho Nga khai thác bất đồng nội bộ trong NATO.
Đức cần làm gì để đối phó?
Đối mặt với khả năng một ông Trump khó đoán quay lại quyền lực, Đức cần chủ động hơn trong việc củng cố vị thế quân sự và ngoại giao. Thứ nhất, Berlin phải cam kết lâu dài với mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP, thay vì phụ thuộc vào các quỹ đặc biệt. Thứ hai, Đức cần tích cực tham gia xây dựng một chiến lược quốc phòng chung của châu Âu, tạo sự cân bằng với vai trò của Mỹ trong NATO.
Cuối cùng, các nước lớn ở châu Âu, bao gồm Đức, phải chủ động thảo luận với Ukraine và các đồng minh NATO để đưa ra các điều kiện khả thi cho hòa bình tại Ukraine, trước khi ông Trump có thể đưa ra một "thỏa thuận" không phù hợp với lợi ích của khu vực.
Sự trở lại của Donald Trump có thể đặt ra những thách thức lớn đối với Đức và châu Âu, từ việc tăng chi tiêu quốc phòng đến vai trò trong NATO và cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Berlin chứng minh sự sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong an ninh khu vực, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.
Nếu Đức không chuẩn bị tốt, họ có thể một lần nữa trở thành tâm điểm chỉ trích của ông Trump và xa hơn là đối mặt với nguy cơ mất đi sự hỗ trợ từ đồng minh quan trọng nhất của mình.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo DW)