Trong thời gian chạy đua tranh cử hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga-Ukraine "chỉ trong một ngày". Phát biểu mang đậm dấu ấn Trump, thẳng thắn và mạnh bạo, đã thu hút sự chú ý không chỉ của giới chức Mỹ mà cả ở các quốc gia chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến. Tuy nhiên, kỳ vọng về một thỏa thuận hòa bình ban đầu nhanh chóng phai nhạt sau hơn 3 tháng ông Trump trở lại nhiệm sở. Tổng thống Trump giờ đây đang đối mặt với một thực tế chính trị phức tạp hơn nhiều so với những gì ông từng phác họa trên sân khấu vận động tranh cử.
Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã nỗ lực thể hiện rằng họ nghiêm túc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thông qua việc xúc tiến hàng loạt cuộc gặp kín, điện đàm và các vòng đàm phán do Mỹ là trung gian. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để tạo ra đột phá.
Ông Trump. Ảnh: Reuters
Việc đạt được một lệnh ngừng bắn mà cả hai bên đều tuân thủ khó khăn đến mức khiến ông Trump phải lùi bước khỏi tuyên bố ban đầu của mình. Trong một cuộc phỏng vấn với Time mới đây, ông chủ Nhà Trắng thừa nhận rằng phát biểu trước đó là “một cách nói phóng đại, mang tính biểu tượng”, nhằm nhấn mạnh cam kết chấm dứt xung đột không hẳn là một cam kết có thể hiện thực hóa ngay lập tức.
Nhưng ngay cả khi ông Trump giảm nhẹ tuyên bố của mình, áp lực chính trị trong nước và quốc tế vẫn không hề giảm. Các đảng viên Cộng hòa, đặc biệt là các nhóm ủng hộ chủ nghĩa biệt lập, vẫn mong muốn Mỹ rút khỏi các cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ. Trong khi đó, các đồng minh châu Âu lại kỳ vọng rằng Washington sẽ duy trì các đảm bảo an ninh đối với khối này cũng như với Ukraine, tiếp nối những gì mà chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden còn đang bỏ ngỏ. Việc dung hòa hai kỳ vọng trái ngược này là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với Nhà Trắng, nhất là khi tình hình trên chiến trường vẫn hết sức căng thẳng.
Khi nào xung đột Nga-Ukraine hạ màn?
Các cuộc đàm phán giữa Washington với đại diện của Kiev và Moscow vẫn tiếp diễn, song đến nay chưa mang lại kết quả cụ thể nào. Dường như đã cạn dần kiên nhẫn, tuần trước, Nhà Trắng phát đi thông điệp rằng nếu không có tín hiệu thỏa hiệp nào từ cả hai phía, Mỹ có thể sẽ rút lui khỏi tiến trình hòa đàm.
Phía Ukraine cáo buộc Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng, trong khi Moscow cho rằng Kiev không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn và tiếp tục các hành động "khiêu khích" trên tiền tuyến. Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio mô tả tuần tới sẽ là thời điểm “cực kỳ quan trọng” để Nhà Trắng quyết định liệu có tiếp tục nỗ lực trung gian hay không.
“Có lý do để lạc quan, nhưng cũng có lý do để giữ thái độ thực tế. Chúng ta đã gần đạt được mục đích nhưng điều đó là chưa đủ”, ông Rubio nói.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở sự thiếu tin tưởng giữa hai bên tham chiến. Một yếu tố làm phức tạp thêm bức tranh hòa bình là sự thay đổi lập trường dường như đang manh nha từ phía Mỹ: nhiều hãng thông tấn đưa tin Washington có thể đang xem xét công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea. Đối với Ukraine, điều này luôn được xem là "ranh giới đỏ" không thể vượt qua.
Chính trong bối cảnh nhạy cảm đó, cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Vatican trong lễ tang Đức Giáo hoàng Francis đã làm dấy lên hy vọng về một bước ngoặt mới trong nỗ lực hòa bình. Trong hình ảnh được truyền thông lan truyền rộng rãi, hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc trao đổi kéo dài gần một giờ. Theo các nguồn tin ngoại giao, ông Zelensky đã nỗ lực thuyết phục người đồng cấp Mỹ không nhượng bộ trước các yêu sách của Nga về lãnh thổ.
Sau cuộc gặp, ông Trump dường như thể hiện lập trường cứng rắn hơn. Ông kêu gọi Tổng thống Putin “ngừng bắn, ngồi xuống và ký thỏa thuận”, đồng thời đe dọa sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Moscow không chứng tỏ nỗ lực tìm kiếm hòa bình. Tuy nhiên, trong một động thái gây tranh cãi, Tổng thống Mỹ cũng để ngỏ khả năng Ukraine chấp nhận từ bỏ Crimea, khi trả lời báo chí rằng ông tin nhà lãnh đạo Kiev đã sẵn sàng cho điều đó.
Về phần mình, ông Zelensky tỏ ra thận trọng hơn. Trả lời BBC, ông thừa nhận rằng Ukraine “không có đủ vũ khí để giành lại Crimea vào lúc này” và nhấn mạnh rằng một lệnh ngừng bắn “hoàn toàn và vô điều kiện” sẽ mở ra không gian để thảo luận về các vấn đề phức tạp hơn, bao gồm lãnh thổ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó tuyên bố rằng Moscow sẵn sàng tiến hành đàm phán trực tiếp với Ukraine mà không đưa ra điều kiện tiên quyết nào – một tuyên bố được đưa ra nhiều lần trước đây nhưng chưa từng đi kèm hành động cụ thể.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao châu Âu vẫn giữ thái độ hoài nghi. Vấn đề lãnh thổ, đặc biệt là số phận của Crimea và vùng Donbas, tiếp tục là rào cản lớn nhất trong các cuộc đàm phán. Ukraine, về mặt chính thức, vẫn giữ lập trường rằng toàn bộ lãnh thổ trước năm 1991, bao gồm cả Crimea, phải được khôi phục. Tuy nhiên, "thực tế trên thực địa" có thể sẽ không mang lại cho Kiev những gì mà nước này mong muốn. Ông Oleksiy Goncharenko, một nghị sĩ độc lập, phát biểu rằng Ukraine có thể buộc phải chấp nhận “tình trạng đóng băng”, trong đó Nga kiểm soát thực tế một phần lãnh thổ sau khi hai bên tạm dừng giao tranh.
“Lịch sử từng chứng kiến điều này và điều này có thể sẽ lặp lại lần nữa", ông Goncharenko nói.
Vẫn có khả năng xung đột Nga-Ukraine sẽ hạ màn trong thời gian ông Trump tại nhiệm, nhưng có thể chắc chắn một điều rằng màn kết ấy sẽ không xuất hiện trong một sớm một chiều. Sự thất vọng ngày càng lộ rõ trong các phát biểu gần đây của ông chủ Nhà Trắng, khi Tổng thống Mỹ phải đối mặt với thực tế là: việc chấm dứt xung đột không chỉ cần tới sức mạnh và ý chí chính trị, mà còn đòi hỏi sự tin cậy, nhượng bộ và những toan tính chiến lược từ nhiều phía. Đó là những gì khó có thể ngã giá trong thời gian ngắn.
Diệp Thảo/VOV.VN Tổng hợp