Ông Trump sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ 2 sau vài tuần tới. Ảnh: Reuters/Jay Paul.
Ông Donald Trump vừa đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2024 và sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 trong vài tuần tới.
Bình luận về chủ đề này, ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam - cho rằng dưới nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Donald Trump, thương chiến có thể sẽ trở nên khó đoán hơn.
Điều gì sẽ xảy đến với Việt Nam?
Theo ông, việc chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10-20% cho các hàng hóa khác có thể kích hoạt các phản ứng đáp trả, không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ các đối tác thương mại khác như Liên minh châu Âu.
"Động thái này có thể đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang diễn ra, thúc đẩy các chiến lược đầu tư vào các nước thân cận về mặt ngoại giao và địa lý (friendshoring và nearshoring), cũng như gia tăng phân cực thương mại trên toàn cầu", ông David phân tích.
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, một công ty tư vấn bất động sản toàn cầu đã gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2023. Ảnh: Phương Lâm.
Theo đó, đại diện Avison Young cho rằng Việt Nam có thể là một trong những nước được hưởng lợi từ xu hướng này, khi nhiều công ty đã và đang dịch chuyển và mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro.
"Với gần 100 triệu dân trong nước và thị trường rộng lớn hơn 675 triệu dân của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về lâu dài", ông nói.
Dù vậy, ông David nhìn nhận vẫn còn nhiều ẩn số, vì không ai chắc chắn liệu chính quyền ông Trump có tiếp tục gia tăng áp lực bằng cách áp thuế dựa trên xuất xứ sản phẩm hay không. Bởi lẽ trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã dọa áp thuế 200% đối với ôtô nhập khẩu từ Mexico vì có sự liên kết với chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Theo ông David, dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Việt Nam đã hưởng lợi từ chiến lược "Trung Quốc+1" với lượng vốn FDI, số dự án FDI mới, giao dịch bất động sản và xuất khẩu sang Mỹ đều tăng.
Tuy nhiên, ông Trump từng nhiều lần phàn nàn về thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, và đã cảnh báo sẽ áp thuế lên các sản phẩm từ Việt Nam trong bối cảnh thương chiến với Trung Quốc diễn ra khi đó.
Ông Trump cũng nhiều lần nói rằng sẽ áp thuế lên các sản phẩm nếu được sản xuất bởi các công ty do Trung Quốc sở hữu, bác bỏ quy tắc truyền thống về xác định nguồn gốc của hàng hóa.
Việt Nam có thể là một trong những nước được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ảnh: Quỳnh Danh.
Do vậy, ông David cho rằng điều bỏ ngỏ đặt ra lúc này là ông Trump có thể thực hiện các tuyên bố này đến mức độ nào và trong thời gian bao lâu.
"Nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện, ông Trump sẽ có nhiều quyền lực hơn và ít gặp trở ngại khi triển khai các chính sách của mình", ông David nói thêm.
Việt Nam hưởng lợi trong kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump
Thực tế, Tổng giám đốc Avison Young nhìn nhận Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi chính từ thương mại toàn cầu kể từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump.
Đơn vị này thống kê trong giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 9 vừa qua, tổng vốn FDI đăng ký và thực hiện vào Việt Nam tăng trung bình lần lượt 3,3% và 1,9% mỗi năm.
Cùng kỳ, dòng vốn FDI từ các thị trường như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh. Đáng chú ý, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 (2020-2022), đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong giảm sút, trong khi vốn từ Singapore đạt mức cao kỷ lục.
Đáng nói, ngành chế biến, chế tạo và bất động sản tiếp tục là những ngành hưởng lợi lớn từ dòng vốn FDI, phù hợp với xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang tăng tốc kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu vào năm 2018.
Tại Việt Nam, giao dịch bất động sản cũng được đẩy mạnh. Riêng số thương vụ M&A đã tăng gần 20% từ 2017 đến tháng 6/2024 so với giai đoạn trước khi ông Trump nhậm chức (2009-2016). Hầu hết giao dịch tập trung chủ yếu vào bất động sản công nghiệp, khách sạn và văn phòng.
Theo ông David, Việt Nam đã chứng tỏ mình là một trong những nền kinh tế tiềm năng nhất thế giới, nhờ vào nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động hợp lý, vị trí địa lý chiến lược và các chính sách FDI thuận lợi.
Đồng thời, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua, với chất lượng thể chế không ngừng cải thiện và Chính phủ nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hậu cần trên toàn quốc.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế tiềm năng nhất thế giới, nhờ nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động hợp lý, vị trí địa lý chiến lược và các chính sách FDI thuận lợi. Ảnh: Quỳnh Danh.
Theo dự báo từ S&P Global hồi tháng 10, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm các thị trường mới nổi có triển vọng tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới, cùng với Malaysia, Thái Lan, Peru và Philippines.
Do đó, lãnh đạo Avison Young cho rằng sau cuộc bầu cử, Việt Nam cần sẵn sàng để đón nhận những tác động từ bối cảnh chính trị Mỹ, tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cách Việt Nam thích ứng với những thay đổi của nền kinh tế thế giới để bảo đảm lợi ích dài hạn.
"Việt Nam đã làm rất tốt trong quá khứ khi tận dụng các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương để đa dạng hóa giao thương, phát triển thị trường bất động sản nhờ dòng vốn đầu tư mới. Và chúng tôi hy vọng kịch bản này sẽ lặp lại", ông David Jackson bình luận.
Hiện, Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương có hiệu lực và có quan hệ thương mại với 60 nền kinh tế trên toàn thế giới.
Từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, giá trị FDI từ 6 thành viên CPTPP (Mexico, Nhật Bản, Canada, Singapore, New Zealand và Australia) vào Việt Nam tăng khoảng 53% vào năm 2023 so với năm 2019.
Tương tự, giá trị FDI từ các quốc gia thành viên EU như Hà Lan, Đức, Đan Mạch và Pháp vào Việt Nam cũng tăng khoảng 41% vào năm 2023 so với năm 2020, sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.
Liên Phạm