Ảnh minh họa. Nguồn: Financial Times.
Trước khi chính thức đắc cử, đại diện của ông Trump đã gửi thư khiếu nại cho các luật sư của tờ New York Times và nhà xuất bản Penguin Random House về việc đăng tải các bài viết, ra mắt sách chỉ trích thân chủ của mình. Đính kèm lá thư là một bản tường trình dài 10 trang cho rằng các đơn vị này đã phỉ báng và đưa tin sai sự thật về ông Trump.
Căng thẳng leo thang với cánh báo chí
Trong bản tường trình dài 10 trang, ông Edward Andrew Paltzik (luật sư của Tổng thống Donald Trump) đã chỉ đích danh những tác giả trên New York Times viết bài “phỉ báng và sai sự thật”. Trong đó bao gồm nhà báo Peter Baker, Michael S. Schmidt, Susanne Craig và Russ Buettner. Phía ông Trump cũng đề cập đến cuốn sách Lucky Loser của nhà xuất bản Penguin Random House đã “bôi nhọ danh dự” của tân Tổng thống.
Theo đó, đại diện ông Trump chỉ trích tờ New York Times đã không còn giữ vững thương hiệu là "tờ báo của sự thật" mà đã trở thành "tập đoàn bôi nhọ đối thủ chính trị". Phản hồi lại lá thư từ phía tân Tổng thống Mỹ, luật sư tờ New York Times tuyên bố bảo vệ nội dung bài viết. Hiện nay, cả New York Times và nhà xuất bản Penguin Random House đều từ chối bình luận thêm.
Không chỉ dừng lại ở một tờ báo, vào ngày 31/10, phía ông Trump còn nhắm đến CBS News với cáo buộc rằng ban biên tập chương trình 60 Minutes đã chỉnh sửa nội dung phỏng vấn của bà Kamala Harris để thiên vị. Luật sư Paltzik yêu cầu phía CBS bồi thương 10 tỷ USD nhưng đại diện đài truyền hình cho rằng các cáo buộc này “vô căn cứ”.
Hình ảnh ông Trump xuất hiện trên tờ New York Times. Ảnh: CNBC.
Ngoài ra, đại diện ông Trump gửi đơn khiếu nại sáu trang lên Ủy ban Bầu cử Liên bang cáo buộc tờ Washington Post có những hành động thiên vị cho chiến dịch của bà Harris bằng cách quảng cáo bài báo về vị phó Tổng thống Mỹ này. Tương tự CBS News, tờ Washington Post cam kết mạnh mẽ sẽ bảo vệ sự trong sạch trước tòa.
Vào ngày 5/11, ông Chris LaCivita (Trưởng nhóm chiến dịch của ông Trump) cũng gửi thư yêu cầu tờ Daily Beast cải chính loạt bài viết về số tiền 22 triệu USD mà ông được nhận để giúp Donald Trump tái tranh cử. Mặc dù Daily Beast đã sửa đổi và bổ sung lời xin lỗi, phía ông LaCivita vẫn tiếp tục yêu cầu rút lại toàn bộ bài viết vì vu khống. Trước hành động đó, phía Daily Beast quyết định không bình luận thêm.
Điềm gở cho các nhà báo trong thời kỳ Trump 2.0
Những đợt khiếu kiện liên tiếp từ phía tân Tổng thống Mỹ và đội ngũ pháp lý của ông tạo ra áp lực không nhỏ đối với các tổ chức báo chí, đặc biệt là các đơn vị có quy mô nhỏ. Chi phí pháp lý khổng lồ, các quy trình điều tra và thẩm vấn kéo dài hàng năm khiến nhiều tổ chức buộc phải lựa chọn dàn xếp thay vì đối đầu tại tòa án.
Luật sư Anne Champion (người từng đại diện cho CNN và tham gia vào các vụ việc pháp lý liên quan đến ông Trump) nhận định rằng những vụ kiện này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính mà còn gây tác động tâm lý lâu dài cho tác giả.
"Đối với những nhà báo ở các tòa soạn quy mô nhỏ, rủi ro phá sản là hoàn toàn có thể. Ngay cả ở một số tổ chức lớn, áp lực từ những vụ kiện cũng khiến họ phải cân nhắc kỹ hơn trong việc đăng tải thông tin”, bà Champion cho biết.
Thêm vào đó, các cáo buộc từ phía ông Trump thường đi kèm với những ngôn từ mạnh mẽ nhằm xây dựng hình ảnh bản thân như một biểu tượng thành công và yêu nước. Trong lá thư gửi đến New York Times, ông Trump cho rằng tờ báo này đã cố ý phỉ báng và làm tổn hại thương hiệu Trump vốn được gắn liền với "sự xuất sắc, sang trọng và thành công". Lá thư liệt kê hàng loạt thành tựu mà ông Trump.
Cuốn sách Lucky Loser của nhà xuất bản Penguin Random House bị ông Trump tố là bôi nhọ danh dự.
Đáng chú ý, chiến lược pháp lý của ông Trump không đơn thuần nhắm đến việc giành chiến thắng tại tòa án, mà còn nhằm gây áp lực lên cá nhân nhà báo và tổ chức báo chí. Trong quá khứ, ông từng thừa nhận mục đích của một vụ kiện năm 2005 là "khiến cuộc sống của nhà báo Tim O’Brien trở nên khổ sở". Vụ kiện bị bác bỏ nhưng đã kéo dài đến năm 2011, cho thấy mức độ tiêu tốn về thời gian và nguồn lực cho cả hai bên.
Trước chiều hướng xấu này, nhiều nhà báo phải cân nhắc lại vì lo sợ rằng phía ông Trump có thể biến một bài viết thành đối tượng của vụ kiện tốn kém. Điều này không chỉ đe dọa sự độc lập của báo chí mà còn làm dấy lên lo ngại về khả năng báo chí có thể duy trì vai trò giám sát quyền lực trong một nhiệm kỳ đầy xung đột pháp lý của ông Trump.
Đức Huy