Mức tăng 13% này được đề xuất trong bối cảnh ông Trump kêu gọi cắt giảm chi tiêu trong nước. Đây là một mức chi tiêu mạnh mẽ để phù hợp với những mục tiêu đầy tham vọng. Trong 100 ngày đầu tiên, Tổng thống đã cam kết hồi sinh ngành đóng tàu Mỹ — vốn đã suy yếu trước sự trỗi dậy của Trung Quốc - và công bố kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa cho toàn bộ Tây bán cầu mang tên Golden Dome (Vòm vàng) , gợi nhớ đến các kế hoạch thời cố Tổng thống Reagan. Một vấn đề lớn khác là hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, mà theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, sẽ tiêu tốn 946 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Theo ông Trump, các ưu tiên chính của khoản ngân sách bổ sung bao gồm: tăng cường an ninh nội địa, răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tái thiết nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ là “danh sách mong muốn.” Quốc hội mới là cơ quan cuối cùng quyết định chi tiền.
Kế hoạch của Nhà Trắng kêu gọi bổ sung 119 tỷ USD chi tiêu quốc phòng thông qua dự luật hòa giải ngân sách đang được tranh luận tại Quốc hội, còn ngân sách chính thức của Lầu Năm Góc vẫn giữ ở mức như năm ngoái (893 tỷ USD).
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với báo giới rằng, con số chi tiêu tổng thể sẽ "mang tính lịch sử" nếu tính theo tỷ lệ GDP thì tương đương thời kỳ cao điểm dưới thời Reagan, và việc đưa khoản bổ sung vào dự luật hòa giải sẽ cho phép tập trung vào các ưu tiên an ninh quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Roger Wicker (thuộc đảng Cộng hòa, đến từ Mississippi) đã bày tỏ lo ngại về chiến lược này, cho rằng con số chính cho ngân sách Lầu Năm Góc là không đủ. Các Thượng nghị sĩ Susan Collins (đảng Cộng hòa, bang Maine) và Mitch McConnell (đảng Cộng hòa, bang Kentucky) cũng bày tỏ quan điểm rằng mức 893 tỷ USD là quá thấp.
Hiền Thảo