Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump
Khi được hỏi liệu có đảm bảo việc tránh dùng đến “biện pháp cưỡng chế bằng quân sự hoặc kinh tế” để thực hiện mục tiêu đoạt lấy kênh đào Panama cùng đảo Greenland hay không, ông Trump thẳng thắn trả lời là “không”.
“Tôi không thể đảm bảo về bất kỳ điều gì. Chúng ta cần chúng (hai vùng lãnh thổ nêu trên) vì an ninh kinh tế”, Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới. Phát ngôn mới nhất hoàn toàn trái ngược lời hứa ngăn chặn chiến tranh mà ông đưa ra lúc tranh cử.
Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Trump không ít lần tỏ ý đòi lại kênh đào Panama cũng như mua đảo Greenland, nhưng đây là lần đầu tiên ông nêu khả năng sử dụng sức mạnh quân sự.
Với Canada, Tổng thống Trump bác khả năng dùng sức mạnh quân sự, thay vào đó nêu phương án sử dụng sức mạnh kinh tế nhằm “loại bỏ ranh giới” hai nước.
“Tôi sẽ dùng sức mạnh kinh tế. Canada và Mỹ hợp làm một là ý tưởng thật sự táo bạo. Chúng ta loại bỏ ranh giới nhân tạo. Bước đi này còn rất tốt ở góc độ an ninh quốc gia. Về cơ bản chúng ta đang bảo vệ Canada”, theo nhà lãnh đạo Mỹ.
Lời đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự được đưa ra ngay trước khi Mỹ tổ chức lễ tang cố Tổng thống Jimmy Carter - người ký thỏa thuận quy định việc chuyển giao kênh đào Panama cho Cộng hòa Panama. Kênh đào Panama do Mỹ xây dựng năm 1914, họ giữ quyền kiểm soát hoàn toàn cho đến năm 1977 lúc thỏa thuận được ký kết, quy định giao lại hạ tầng quan trọng này. Tổng thống Trump đã chỉ trích Panama tính phí sử dụng con kênh quá cao, đồng thời cảnh báo về ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây.
Trong khi đó, Canada đang gặp bất ổn chính trị sau khi Tổng thống Trump dọa đánh thuế 25% với hàng hóa từ nước này và Mexico nhằm buộc hai láng giềng xử lý tình trạng nhập cư trái phép lẫn nạn buôn bán ma túy. Động thái này khiến nội bộ chính quyền Canada rạn nứt, dẫn đến quyết định từ chức bất ngờ của Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland. Thủ tướng Justin Trudeau cũng vừa thông báo từ chức.
Cẩm Bình