Ông Trump khiến các đồng minh tính đến vũ khí hạt nhân?

Ông Trump khiến các đồng minh tính đến vũ khí hạt nhân?
4 ngày trướcBài gốc
Tàu ngầm USS Nebraska có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Reuters.
Trong suốt bốn thế kỷ qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn tự nhận bản thân là người muốn ngăn chặn một cuộc chiến hạt nhân. Tuy vậy, ông có thể đang khơi mào nỗi sợ về một cuộc chạy đua hạt nhân mới trong lịch sử thế giới.
Đáng chú ý, mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân nổi lên không phải ở các quốc gia bị Mỹ coi là “đối tượng” như Triều Tiên hay Iran, mà đến từ chính các đồng minh của Mỹ - từ Đức, Ba Lan tới Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Trước nguy cơ Mỹ giảm cam kết phòng vệ, ngày càng có nhiều tiếng nói trong nội bộ các quốc gia này thảo luận về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, chính sách của Mỹ vẫn chưa rõ ràng - phần nào do các quan chức phụ trách vấn đề này của chính quyền Trump vẫn chưa được bổ nhiệm.
Đức, Ba Lan thăm dò
Hồi tháng ba, cả thủ tướng Ba Lan lẫn thủ tướng tương lai của Đức có các phát biểu mang tính lịch sử liên quan tới vũ khí hạt nhân.
Tại Đức, vũ khí hạt nhân vốn là chủ đề nhạy cảm. Tuy vậy, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Friedrich Merz - người sẽ trở thành thủ tướng Đức trong tương lai gần - không bác bỏ hoàn toàn khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, ông chỉ nói rằng “đây là điều hôm nay chưa cần đến”, theo Wall Street Journal.
Tuyên bố của ông Merz đã làm dấy lên tranh luận trong nội bộ Đức về khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân. Cựu Đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger cảnh báo Berlin sẽ mất đi lòng tin của cộng đồng quốc tế nếu cố gắng làm điều này.
Tuy nhiên, ông Thorsten Benner - người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Viện Chính sách công Toàn cầu (GPPI) - cho rằng Berlin nên có đủ cơ sở hạ tầng để nhanh chóng chế tạo vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết.
Trong khi đó, Thủ tướng nước láng giềng Ba Lan Donald Tusk hồi tháng 3 cũng tuyên bố Warsaw cần “vươn tới những cơ hội liên quan tới vũ khí hạt nhân”, trở thành nhà lãnh đạo Ba Lan đầu tiên công khai nêu lên ý tưởng này. Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Andrzej Duda nói với Financial Times rằng cách thức tốt hơn là bố trí đầu đạn hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan.
Ông Friedrich Merz không bác bỏ khả năng Đức sở hữu vũ khí hạt nhân - vốn là điều cấm kỵ. Ảnh: Reuters.
Cả ông Duda lẫn giới chuyên gia Ba Lan đều cho rằng nước này sẽ mất nhiều thời gian nếu muốn phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.
“Việc chế tạo vũ khí hạt nhân từ con số 0 quá tốn kém và chúng ta không có đủ thời gian làm điều này”, ông Marcin Idzik, thành viên ban giám đốc công ty công nghiệp quốc phòng quốc doanh PGZ, nói. “Tuy nhiên, đương nhiên chúng tôi muốn là thành viên một dự án hạt nhân mới của châu Âu.
Nhật Bản, Hàn Quốc tính toán
Không chỉ tại châu Âu, các đồng minh của Mỹ ở châu Á cũng đã công khai nhắc đến vũ khí hạt nhân.
“Sự ủng hộ đối với việc Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân đang ngày càng rộng rãi và mạnh mẽ hơn”, ông Lee Sang Sin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Thống nhất Hàn Quốc (KINU), nói với Financial Times.
Dù các đảng phái lớn tại Hàn Quốc đều không ủng hộ chính sách này, một số chính trị gia hàng đầu đã bày tỏ mong muốn Hàn Quốc có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân nếu cần.
Thị trưởng Seoul Oh Se Hoon hồi tháng 3 kêu gọi Mỹ cho phép Hàn Quốc sở hữu kho nguyên liệu hạt nhân, trong khi Ngoại trưởng Cho Tae Yul tuyên bố trước Quốc hội rằng khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân “không thể bị loại trừ”.
“Hàn Quốc có công nghệ cơ bản để chế tạo vũ khí hạt nhân và đã có kinh nghiệm sản xuất plutonium và uranium ở quy mô rất nhỏ”, giáo sư kỹ thuật hạt nhân Suh Kyun Ryul tại Đại học Quốc gia Seoul phân tích. “Hàn Quốc có công nghệ sản xuất các loại bom hạt nhân thô sơ - giống các quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki - trong ba tháng”.
Với Nhật Bản - nạn nhân duy nhất đến nay của vũ khí hạt nhân - việc sở hữu loại vũ khí này vốn là điều cấm kỵ. Tuy vậy, cuộc xung đột tại Ukraine đã làm dấy lên những lời kêu gọi tăng cường năng lực quân sự trong nội bộ Nhật Bản. Trong đó, vũ khí hạt nhân được nhóm “diều hâu” nhất xem là một lựa chọn.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đang theo đuổi cách tiếp cận của cựu Thủ tướng Abe Shinzo về việc kêu gọi “chia sẻ hạt nhân” - thuật ngữ mang hàm ý cho phép Mỹ lần đầu bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Nhật.
Một cuộc tập trận chung của binh lính Nhật Bản và Mỹ năm 2022. Ảnh: Kyodo.
Trong một bài phát biểu cuối năm ngoái, ông Ishiba kêu gọi thiết lập “phiên bản NATO châu Á”, trong đó Mỹ “chia sẻ vũ khí hạt nhân hoặc đưa vũ khí hạt nhân tới khu vực.
Nhờ lượng lớn nhà máy năng lượng hạt nhân, Nhật Bản sở hữu kho nguyên liệu hạt nhân tương đối lớn. Tuy nhiên, rào cản với phe ủng hộ phát triển loại vũ khí này vẫn tương đối lớn.
“Đến nay, toàn bộ chiến lược (của Nhật Bản) dựa trên bảo đảm của Mỹ rằng Nhật Bản vẫn nằm dưới ‘chiếc ô hạt nhân’”, giáo sư Stephen Nagy tại Đại học Công giáo Tokyo nhận xét. “Kế hoạch A là ôm chặt lấy Mỹ, kế hoạch B là ôm Mỹ chặt hơn. Kế hoạch Z mới là sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Cái giá không nhỏ
Tuy vậy, sở hữu vũ khí hạt nhân không phải điều dễ dàng. Cái giá phải trả sẽ là rất lớn, cả về chính trị lẫn kinh tế.
Chia sẻ với RBC-Ukraine, ông John Caves, chuyên gia tại Dự án Wisconsin về kiểm soát vũ khí hạt nhân, cho rằng nhiều nước có đủ năng lực công nghệ để phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, họ đối mặt với hàng loạt nhân tố cản trở.
Các nhân tố như “sự cam kết lâu dài với các chuẩn mực chống phổ biến vũ khí hạt nhân hay nguy cơ bị tấn công phủ đầu và cấm vận có thể khiến các chính phủ quay lưng với vũ khí hạt nhân”, ông Caves đánh giá.
“Phát triển vũ khí hạt nhân là động thái nguy hiểm về chính trị và tốn kém nhất mà một quốc gia có thể thực hiện”, bà Francesca Giovannini, chuyên gia tại Trường Chính sách công Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ), nói với Politico.
“Bạn không thể có vũ khí hạt nhân chỉ trong một ngày. Bạn phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng và rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)”.
Chính quyền Trump vẫn chưa hoàn thiện bộ máy quan chức về chính sách hạt nhân. Ảnh: New York Times.
Rút khỏi NPT sẽ khiến các nước đứng trước nguy cơ đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt, như Triều Tiên từng hứng chịu trước đây. Các nỗ lực trừng phạt thường do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, quan điểm của chính quyền Trump vẫn chưa rõ ràng.
Các chuyên gia hạt nhân chỉ ra Mỹ đang thiếu nhân sự trong lĩnh vực chính sách hạt nhân. Hàng loạt vị trí liên quan tại Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) vẫn đang chờ Quốc hội phê chuẩn. Ứng viên cho vị trí giám đốc cấp cao về kiểm soát quân bị tại Hội đồng An ninh Quốc gia thậm chí chưa được công bố.
“Đội ngũ nhân viên quá mỏng, gây ra tình trạng tê liệt”, ông Matt Costlow, người từng làm việc tại Lầu Năm Góc dưới thời Trump 1.0, nói. “Tôi không rõ chính quyền Trump đã có quan điểm về mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân của các đồng minh hay chưa. Theo tôi, nhiều quan điểm vẫn cùng tồn tại”.
Hà Thủy
Nguồn Znews : https://znews.vn/ong-trump-khien-cac-dong-minh-tinh-den-vu-khi-hat-nhan-post1545372.html