Ông Trump yêu cầu chấm dứt làm việc từ xa, đóng băng tuyển dụng nhân viên liên bang. Ảnh: Carlos Barria/Reuters.
Trong sắc lệnh ban hành ngày 20/1, ông Trump chỉ đạo các lãnh đạo cơ quan và bộ ngành thuộc nhánh hành pháp "thực hiện các bước cần thiết để chấm dứt các hình thức làm việc từ xa và yêu cầu nhân viên trở lại làm việc trực tiếp tại vị trí công tác". Tuy nhiên, sắc lệnh cũng nêu rõ lãnh đạo các cơ quan có thể đưa ra ngoại lệ khi cần thiết.
Động thái này nhằm xóa bỏ các hình thức làm việc từ xa và linh hoạt vốn được nhiều nhân viên liên bang áp dụng từ thời kỳ đại dịch Covid-19.
Tổng thống Trump đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm phải đưa lực lượng lao động công trở lại văn phòng để nâng cao hiệu suất làm việc và giảm chi phí cho chính phủ, Business Insider đưa tin.
Tuy nhiên, quyết định này có thể dẫn đến một làn sóng nghỉ việc tự nguyện, đặc biệt với những nhân viên không sẵn sàng từ bỏ mô hình làm việc linh hoạt hoặc làm việc từ xa.
Theo Reuters, một số đồng minh của ông Trump cho rằng sắc lệnh nhằm khôi phục văn hóa làm việc trực tiếp. Đồng thời, đây cũng là bước đi chiến lược để cải tổ bộ máy hành chính, giảm ảnh hưởng của công chức lâu năm và thay thế họ bằng nhân sự trung thành với Tổng thống.
Elon Musk bày tỏ sự đồng tình mạnh mẽ với sắc lệnh mới của Donald Trump. Ảnh: Brandon Bell/Reuters.
Elon Musk, người đứng đầu nhóm cố vấn cắt giảm chi phí của ông Trump, Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), bày tỏ sự ủng hộ với sắc lệnh này.
"Việc yêu cầu nhân viên liên bang đến văn phòng 5 ngày mỗi tuần sẽ tạo ra làn sóng nghỉ việc tự nguyện mà chúng tôi hoan nghênh. Nếu họ không muốn làm việc trực tiếp, người nộp thuế Mỹ không nên trả tiền cho đặc quyền làm việc tại nhà trong thời kỳ hậu Covid", Musk chia sẻ trong bài viết đăng trên The Wall Street Journal tháng 11. Bài viết này được viết chung với Vivek Ramaswamy, người sắp rời DOGE và dự kiến sẽ tranh cử thống đốc bang Ohio (Mỹ).
Theo báo cáo tháng 8/2024 của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB), trong tổng số khoảng 2,3 triệu nhân viên dân sự tại 24 cơ quan lớn, bao gồm Bộ Quốc phòng và Cơ quan An sinh Xã hội, khoảng 10% nhân viên làm việc hoàn toàn từ xa mà không có lịch trình làm việc trực tiếp cố định.
Cụ thể, hơn 60.000 nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng, khoảng 37.000 người tại Bộ Cựu chiến binh và gần 27.000 nhân viên tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh thuộc nhóm này.
Trong khi đó, khoảng 1,1 triệu nhân viên thuộc 24 cơ quan trên đủ điều kiện để làm việc từ xa. Tuy nhiên, phần lớn các giờ làm việc vẫn diễn ra trực tiếp tại văn phòng.
Báo cáo của OMB cho thấy 61,2% thời gian làm việc của nhóm nhân viên đủ điều kiện telework (không tính nhóm làm việc từ xa hoàn toàn) diễn ra tại văn phòng. Đáng chú ý, tỷ lệ này cao hơn tại một số cơ quan như Bộ Nông nghiệp (81%) và Bộ Ngoại giao (80%).
Bộ Quốc phòng có quy mô nhân sự lớn nhất, với khoảng 8% nhân viên thuộc nhóm làm việc từ xa hoàn toàn.
Chính phủ Mỹ có khoảng 2,3 triệu nhân viên dân sự tại 24 cơ quan lớn. Ảnh minh họa: Andrew Harnik/Reuters.
Trước khi ban hành sắc lệnh, ông Trump đã nhấn mạnh lập trường cứng rắn về việc buộc nhân viên liên bang quay lại văn phòng.
“Nếu họ không quay lại làm việc tại văn phòng, họ sẽ bị sa thải”, Tổng thống Mỹ tuyên bố trong buổi họp báo ngày 16/12.
Như Phương