Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu tại WEF Davos ngày 23/1. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây chú ý với bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sỹ). Ông lần lượt đưa ra các thông điệp mạnh mẽ liên quan các vấn đề về lãi suất, giá dầu và thuế quan.
Đây là bài phát biểu đầu tiên của vị tân Tổng thống Mỹ trước các doanh nhân và chính trị gia toàn cầu, sau khi ông nhậm chức ngày 20/1.
Lãi suất nên giảm trên toàn thế giới
Trong bài phát biểu, dù không trực tiếp nhắc đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhưng ông Trump bày tỏ rõ mong muốn giảm lãi suất: "Tôi sẽ yêu cầu lãi suất giảm ngay lập tức. Và lãi suất cũng nên giảm trên toàn thế giới. Lãi suất ở các nền kinh tế khác nên giảm theo chúng tôi", ông Trump tuyên bố.
Kể từ khi nhậm chức vào đầu tuần, tân Tổng thống đã bận rộn với lịch trình dày đặc và chỉ mới lần đầu đề cập đến chính sách tiền tệ thông qua bài phát biểu tại WEF.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông nhiều lần nhấn mạnh rằng tổng thống cần có tiếng nói quan trọng trong các quyết định lãi suất của Fed.
Phát biểu với báo chí vào ngày 23/1, ông Trump cũng bày tỏ kỳ vọng Fed sẽ lắng nghe quan điểm của ông và nhấn mạnh sẽ có cuộc trao đổi với Chủ tịch Fed Jerome Powell "vào thời điểm thích hợp", CNBC cho biết.
Đáng chú ý, những tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc họp chính sách của Fed, dự kiến diễn ra từ ngày 28 đến 29/1. Theo nhận định của thị trường, Fed sẽ duy trì lãi suất hiện tại, sau khi đã giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong giai đoạn cuối năm 2024.
Dữ liệu từ CME Group cho thấy khả năng Fed sẽ thực hiện lần giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6 năm nay, và thêm một lần cắt giảm khác có thể xảy ra trước khi kết thúc năm 2025.
Dù lạm phát vẫn vượt mục tiêu 2% mà Fed đề ra, các quan chức ngân hàng trung ương nhận định chính sách tiền tệ hiện tại không cần thắt chặt thêm. Họ tin rằng tốc độ tăng giá đã bắt đầu chậm lại, tạo điều kiện cho những điều chỉnh chính sách linh hoạt hơn.
Đề nghị OPEC giảm giá dầu
Cũng trong bài phát biểu trực tuyến, tân Tổng thống Mỹ khẳng định rằng Arab Saudi và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tại Ukraine, do để giá dầu tăng cao.
Theo ông, chiến tranh giữa Nga và Ukraine có thể nhanh chóng kết thúc nếu giá dầu được kéo giảm. Nga, một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ để tài trợ cho ngân sách quân sự.
Ông Trump nhấn mạnh: "Tôi sẽ yêu cầu Saudi Arabia và OPEC hạ giá dầu ngay lập tức. Nếu giá dầu giảm, cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ chấm dứt. Họ cần phải chịu một phần trách nhiệm về những gì đang diễn ra".
OPEC+, với sự dẫn dắt không chính thức của Arab Saudi, đang giảm sản lượng khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày nhằm ngăn giá dầu lao dốc. Vào tháng trước, tổ chức này đã quyết định gia hạn chính sách hạn chế sản xuất đến hết tháng 3/2025.
Bài phát biểu trực tuyến của ông Trump được trình chiếu trước các nhà lãnh đạo, chính trị gia và doanh nhân toàn cầu tại WEF Davos 2025. Ảnh: Reuters.
Trước tuyên bố của ông Trump, nhà phân tích Faisal Alshammeri chia sẻ với tờ Spunik rằng giá dầu không chỉ tác động đến Nga mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả quốc gia sản xuất dầu, bao gồm cả Mỹ. Theo ông, thị trường dầu mỏ toàn cầu có sự liên kết chặt chẽ và bất kỳ thay đổi lớn nào về giá cũng sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền.
Cụ thể, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ phụ thuộc vào sự ổn định về giá để phát triển. Giá dầu giảm sâu có thể làm suy yếu các nhà sản xuất trong nước, dẫn đến tình trạng sa thải lao động và giảm đầu tư.
Tuy nhiên, mức giá dầu thấp hơn cũng có thể mang lại lợi ích, chẳng hạn như thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, giảm áp lực lạm phát, và tăng khả năng cạnh tranh cho các ngành công nghiệp tại Mỹ. Mặc dù vậy, điều này đi kèm với rủi ro không nhỏ cho nền kinh tế Mỹ, khi sự mất cân đối có thể làm tổn thương các nhà sản xuất trong dài hạn.
Sản xuất tại Mỹ hoặc bị áp thuế cao
Đáng chú ý, Tổng thống Donald Trump cũng sử dụng cơ hội phát biểu trước các chính trị gia và doanh nhân toàn cầu để kêu gọi đầu tư vào Mỹ, với lời hứa về mức thuế suất cạnh tranh và cơ chế quản lý thông thoáng hơn, theo AFP.
"Thông điệp của tôi tới tất cả doanh nghiệp trên thế giới rất đơn giản: Hãy mang sản phẩm của bạn đến sản xuất tại Mỹ và chúng tôi sẽ cung cấp mức thuế thấp nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên hành tinh này", ông Trump khẳng định.
Thậm chí, tân Tổng thống cảnh báo: "Nếu các bạn không sản xuất tại Mỹ, đó là lựa chọn của các bạn, nhưng các bạn sẽ phải chịu thuế quan. Các mức thuế sẽ khác nhau, nhưng số tiền thuế này sẽ mang lại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ USD cho ngân sách quốc gia Mỹ để củng cố nền kinh tế và giảm nợ công".
Trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Trump đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 40% xuống 21%. Hiện tại, ông tiếp tục đề xuất một mức giảm đột phá hơn nữa, xuống còn 15% - thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ - nhằm khuyến khích các công ty sản xuất ngay trên lãnh thổ quốc gia.
Chính sách ưu đãi thuế này chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất tại Mỹ. Đối với các công ty chọn sản xuất sản phẩm ở nước ngoài nhưng vẫn kinh doanh tại Mỹ, họ sẽ phải đối mặt với các mức thuế quan cao, được thiết kế để tạo áp lực buộc doanh nghiệp tái đầu tư vào nền kinh tế nội địa.
Việc giảm thuế không chỉ nhằm thu hút đầu tư mà còn giúp tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu của các doanh nghiệp Mỹ. Điều này có thể mang lại làn sóng việc làm mới, tăng trưởng kinh tế và nguồn thu lớn để chính phủ sử dụng vào các chương trình phát triển quốc gia và giải quyết nợ công.
Phương Linh