Ông Trump làm gì sau nửa năm nhiệm kỳ hai

Ông Trump làm gì sau nửa năm nhiệm kỳ hai
14 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Donald Trump đã đưa ra hàng loạt cam kết khi tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, từ cải cách hệ thống nhập cư đến chính sách môi trường và đối ngoại. Sau nửa năm tại nhiệm, một số cam kết đã được thực hiện, một số đang trong quá trình triển khai, trong khi nhiều lời hứa vẫn chưa được thực hiện hoặc đã bị phá vỡ.
Dưới đây là cập nhật tình hình thực hiện các cam kết tiêu biểu.
Giải mật tài liệu vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy
Tình trạng: Đã thực hiện
Ông Trump từng cam kết sẽ ngay lập tức giải mật tài liệu vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy sau khi nhậm chức trong lúc tham gia show podcast của Joe Rogan vào ngày 25/10/2024. Ông đã thực hiện lời hứa này vào tháng 3, công bố hơn 63.000 trang tài liệu liên quan đến vụ ám sát, nhiều tài liệu trong số đó không còn bị che nội dung như trước.
Số tài liệu này do Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ đăng tải, gồm khoảng 2.200 tập tin. Trước đó, phần lớn trong số hơn 6 triệu trang tài liệu, ảnh và hiện vật liên quan đến vụ ám sát đã được công bố.
Tổng thống Kennedy bị ám sát ngày 22/11/1963 tại Dallas. Thủ phạm được cho là Lee Harvey Oswald, người sau đó cũng bị bắn chết trong quá trình di lý. Một năm sau, Ủy ban Warren do Tổng thống Lyndon B. Johnson thiết lập đã có kết luận chính thức rằng Oswald hành động một mình. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản nhiều thuyết âm mưu xuất hiện.
Trục xuất quy mô lớn
Tình trạng thực hiện: Đang diễn ra
Tại sự kiện tranh cử ở Kinston, bang Bắc Carolina, ông Trump từng nói: “Ngay trong ngày tôi tuyên thệ nhậm chức, cuộc xâm lăng của người nhập cư sẽ chấm dứt”. Ông cũng hứa tổ chức chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử nước Mỹ, nhắm tới hơn 10 triệu người nhập cư không giấy phép.
Chỉ riêng trong quý 1, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đã trục xuất hơn 270.000 người, cao nhất trong gần một thập kỷ. Còn theo số liệu do CNBC thu thập, trong khoảng tháng 2-6, mỗi tháng ICE trục xuất từ hơn 10.000 trường hợp tới hơn 17.000 trường hợp.
Dù gặp phải làn sóng chỉ trích, các chỉ số thực thi nhập cư đã tăng mạnh: số vụ vượt biên giảm đáng kể, số vụ bắt giữ do ICE thực hiện đã tăng gấp đôi, và số người hiện bị giam giữ vì vi phạm luật nhập cư đang ở mức cao kỷ lục, theo CNBC. Ông Stephen Miller, bộ óc đằng sau chính sách nhập cư của ông Trump, tuyên bố cán bộ ICE đặt mục tiêu ít nhất 3.000 vụ bắt giữ/ngày so với mức 650 vụ/ngày trong 5 tháng đầu nhiệm kỳ mới.
Những người bị trục xuất khỏi Mỹ đặt chân đến thành phố Guatemala vào ngày 26/6. Ảnh: Reuters.
Chính quyền ông Trump nói đang ưu tiên truy bắt và trục xuất những người nhập cư không giấy tờ có tiền án hình sự nghiêm trọng, song tiến độ vẫn chậm. Theo dữ liệu ICE báo cáo Quốc hội, tính đến tháng 7/2024, có khoảng 435.000 người không quốc tịch Mỹ có án hình sự đang sống tự do, trong đó 13.099 người bị kết án giết người và 15.811 người bị kết án tấn công tình dục. Nhưng đến cuối tháng 5, ICE mới bắt giữ được 752 người có tiền án giết người và 1.693 người phạm tội tình dục.
Đạo luật To Đẹp mới được thông qua được coi là cú hích cho Bộ An ninh Nội địa, cơ quan phụ trách cả ICE và Cơ quan Tuần tra Biên giới (CBP). Cụ thể, ICE sẽ được phân bổ gần 75 tỷ USD đến năm 2029, trong khi CBP cũng được cấp hơn 46 tỷ USD để tiếp tục xây dựng tường biên giới.
Chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh
Tình trạng thực hiện: Đang diễn ra, gặp thách thức
Một vấn đề khác trên phương diện nhập cư mà ông Trump đã hứa là cam kết “ký sắc lệnh chấm dứt tự động trao quyền công dân Mỹ cho con của người nhập cư bất hợp pháp vào ngay ngày đầu tiên nhậm chức”.
Ông Trump đúng là đã ban bố ngay trong tháng 1 sắc lệnh hành pháp nhằm từ chối trao quyền công dân cho trẻ em sinh ra trên đất Mỹ nếu cha mẹ chúng không có tình trạng cư trú hợp pháp. Nhưng sắc lệnh này đã bị tòa án liên bang tại New Hampshire ra phán quyết tạm thời chặn lại vào hôm 10/7.
Phán quyết này ngăn không cho lệnh hành pháp được ký hồi tháng 1 có hiệu lực trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, tòa cũng cho phép chính quyền ông Trump có 7 ngày để kháng cáo. Đây là dấu hiệu cho thấy vụ việc có thể lên tới Tòa Tối cao Mỹ.
Chấm dứt chiến sự Ukraine
Tình trạng thực hiện: Chưa thực hiện
Năm 2024, ông Trump từng cam kết “sẽ giải quyết chiến sự Ukraine - Nga trước cả khi đặt chân đến Phòng Bầu dục và chỉ ít lâu sau khi đắc cử”. Tuy nhiên, cho tới nay, xung đột vẫn tiếp diễn. Ông Trump chưa đưa ra kế hoạch hòa bình khả dĩ. Ukraine và Nga đã tiến hành một số vòng đàm phán nhưng chưa có kết quả khả quan.
Trong diễn biến mới nhất, ông Trump hôm 13/7 tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp thêm vũ khí phòng vệ cho Ukraine, đồng thời đe dọa sẽ áp lệnh trừng phạt đối với các nước mua hàng xuất khẩu của Nga, trừ khi Moscow đồng ý thỏa thuận hòa bình trong 50 ngày.
Nếu lệnh trừng phạt “thứ cấp” như trên được thực hiện với Nga, điều này sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách trừng phạt của phương Tây. Trong suốt hơn ba năm chiến sự, các nước phương Tây chủ yếu chỉ cắt đứt quan hệ tài chính trực tiếp với Moscow mà không cản trở Nga bán dầu.
Nhưng nếu Mỹ áp dụng trừng phạt thứ cấp - tức là trừng phạt cả những nước thứ ba giao thương với Nga - dòng doanh thu dầu mỏ này có thể bị siết chặt, gây ảnh hưởng sâu rộng đến cả thị trường năng lượng quốc tế và quan hệ Mỹ - Á.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Tổng thống Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại The Hague vào ngày 25/6. Ảnh: Phòng báo chí Văn phòng Tổng thống Ukraine.
Ân xá liên quan đến vụ bạo loạn ngày 6/1/2021
Tình trạng thực hiện: Đã thực hiện
Tại một sự kiện vận động ở Mosinee, bang Wisconsin ngày 7/9/2024, ông Trump từng tuyên bố: “Tôi sẽ ký lệnh ân xá cho một số hoặc nhiều người bị buộc tội hoặc kết án liên quan đến ngày 6/1. Tôi sẽ ký ngay trong ngày đầu tiên”.
Đây là một trong số ít lời hứa ông Trump đã thực hiện. Ngay trong ngày đầu trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã ký lệnh ân xá cho khoảng 1.500 người ủng hộ bị truy tố hoặc kết án vì liên quan đến vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Động thái này làm đảo lộn tiến trình xét xử được xem là lớn nhất trong lịch sử Bộ Tư pháp Mỹ.
Theo sắc lệnh được công bố trên trang web chính thức của Nhà Trắng, gần như tất cả người đang bị giam giữ liên quan đến vụ việc đều được trao “lệnh ân xá toàn diện, đầy đủ và vô điều kiện”. Tuy nhiên, sắc lệnh cũng nêu rõ có 14 thành viên cấp cao của các nhóm Oath Keepers và Proud Boys - những người đang thụ án dài hạn - không nằm trong diện được ân xá hoàn toàn. Họ được trả tự do, nhưng vẫn còn án tích.
Áp thuế quan với hàng hóa nước ngoài
Tình trạng thực hiện: Đang diễn ra.
“Áp thuế thật nặng vào những quốc gia lợi dụng chúng ta”, ông Trump tuyên bố hồi tháng 11/2024.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, các biện pháp thuế quan đã gia tăng mạnh mẽ. Ngày 2/4, còn được gọi là “Ngày Giải phóng”, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, viện dẫn tình trạng thâm hụt thương mại lớn và kéo dài của Mỹ. Và dựa trên Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), ông áp đặt mức thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 5/4.
Bên cạnh đó, chính quyền ông Trump cũng áp “thuế đối ứng” từ ngày 9/4 lên 57 quốc gia, với mức thuế cao nhất lên tới 50%. Ví dụ, Trung Quốc phải chịu thêm thuế 34% bên cạnh mức thuế hiện hành 20%, nâng tổng mức thuế lên 54%. Liên minh châu Âu bị áp thuế 20%.
Hồi tháng 4, ông Trump cũng cam kết sẽ ký kết 90 thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 4 thỏa thuận được hoàn tất sơ bộ, bao gồm với Trung Quốc, Vương quốc Anh, Việt Nam, và Indonesia.
Hạn chót ban đầu để hoàn tất các thỏa thuận là ngày 9/7, nhưng đã được lùi đến ngày 1/8 do khung thời gian trước đó được cho là không thực tế. Chính quyền ông Trump hiện đặt mục tiêu đạt được 10-12 thỏa thuận lớn vào đầu tháng 9.
Trong lúc đàm phán đang tiếp diễn, ông Trump đã gửi thư tới các đối tác thương mại để tuyên bố áp dụng mức thuế cao hơn. Đây được cho là biện pháp gây sức ép nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Các cam kết môi trường và năng lượng
Rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris: Ngay ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp để thực hiện lời hứa rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, vốn đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Việc rút lui sẽ chính thức có hiệu lực sau một năm.
Tăng cường khai thác dầu khí: Tổng thống Mỹ đã biến khẩu hiệu “khoan, khoan nữa, khoan mãi” thành điểm nhấn trong chính sách năng lượng của mình. Sau khi nhậm chức, chính quyền của ông Trump đã ban hành các sắc lệnh về chính sách năng lượng, nhằm mở rộng khai thác dầu khí trên đất và vùng biển liên bang, nới lỏng các quy định đối với sản xuất dầu, khí và than, tái cấp phép cho các dự án xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, và giảm bớt hạn chế đối với hoạt động khai thác, cho thuê và xuất khẩu than.
Cắt giảm quy mô bộ máy chính phủ
Ông Trump và đồng minh từng hứa cắt giảm quy mô lớn lực lượng viên chức liên bang và cắt giảm hàng trăm tỷ USD chi tiêu liên bang, với sự hỗ trợ của DOGE. Sau khi lên nắm quyền, chính quyền ông Trump đã triển khai chiến dịch với quy mô chưa từng có nhằm thu hẹp quy mô chính phủ liên bang, ngừng cấp kinh phí và tuyển dụng nhân sự, khiến hàng nghìn người Mỹ mất việc và làm gián đoạn nhiều hoạt động của chính phủ.
Chính quyền cũng đang lên kế hoạch cho một đợt cắt giảm quy mô lớn nữa, có thể ảnh hưởng 8%-50% nhân sự tại các cơ quan liên bang. Những động thái này đã dẫn đến hàng loạt vụ kiện và tranh chấp pháp lý.
Cung cấp miễn phí dịch vụ thụ tinh ống nghiệm (IVF)
Tình trạng thực hiện: Chưa rõ kết quả
Ông Trump từng cam kết sẽ bảo đảm người dân Mỹ được chi trả chi phí thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thông qua chính phủ hoặc bảo hiểm y tế.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu cấp dưới xây dựng đề xuất chính sách nhằm mở rộng khả năng tiếp cận và giảm chi phí dịch vụ IVF. Tuy nhiên, sắc lệnh này không trực tiếp mở rộng quyền tiếp cận IVF, cũng không đưa ra chi tiết cụ thể về cách thức giảm chi phí, vai trò của chính phủ hay các công ty bảo hiểm trong việc này.
Tổng thống Donald Trump ký các sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục vào ngày 23/5. Ảnh: Washington Post.
Đóng cửa Bộ Giáo dục
Tình trạng thực hiện: Đang diễn ra
Ông Trump cam kết xóa bỏ Bộ Giáo dục và trao lại quyền kiểm soát cho từng bang. Phát biểu tại Mosinee, Wisconsin vào tháng 9/2024, ông nói: “Chúng ta sẽ tiến tới loại bỏ hoàn toàn Bộ Giáo dục liên bang và trả lại quyền quản lý giáo dục cho Wisconsin và các tiểu bang”.
Ngày 20/3, ông Trump đã yêu cầu quan chức dưới quyền tìm mọi cách trong thẩm quyền để đóng cửa Bộ Giáo dục. Vì Bộ Giáo dục được Quốc hội thành lập, việc giải thể cơ quan này vẫn cần Quốc hội thông qua. Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon nói sẽ phối hợp với Quốc hội để đạt được mục tiêu này. Trong thời gian đó, chính quyền ông Trump công bố kế hoạch cắt giảm khoảng một nửa nhân sự của bộ. Một số trường học và các bên liên quan đã đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn kế hoạch của ông Trump.
Ngày 15/7, Tòa Tối cao Mỹ đã lật ngược quyết định của tòa cấp dưới, qua đó cho phép chính quyền ông Trump tiếp tục kế hoạch cắt giảm hàng loạt nhân sự của bộ.
Cắt giảm thuế
Tình trạng thực hiện: Đã thực hiện
Nhiều cam kết ông Trump đưa ra khi tranh cử đã được thực hiện sau khi ông gần đây ký ban hành Đạo luật To Đẹp. Cụ thể, đạo luật đưa các ưu đãi thuế ban hành từ năm 2017 trở thành quy định có hiệu lực lâu dài. Đáng chú ý, người lao động làm nghề dịch vụ sẽ không phải nộp thuế đối với tiền boa lên tới 25.000 USD trong ba năm tới. Khoản thu nhập làm thêm giờ cũng được miễn thuế lên đến 12.500 USD. Một khoản khấu trừ mới trị giá 6.000 USD dành cho người trên 65 tuổi cũng sẽ được áp dụng cho đến năm 2028.
Bên cạnh đó, mức khấu trừ thuế tiêu chuẩn sẽ được tăng thêm 750 USD, cùng với việc nâng trần khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương từ 10.000 USD lên 40.000 USD.
Lạc Chi
Nguồn Znews : https://znews.vn/ong-trump-lam-gi-sau-nua-nam-nhiem-ky-hai-post1569174.html