Trong nhiều tháng qua, Nga đã tăng cường phá băng trong quan hệ với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đưa ra nhiều cam kết, hứa hẹn hợp tác kinh tế và thể hiện mong muốn hòa bình của nước này. Tuy vậy, Moscow vẫn tăng cường tấn công Ukraine và nỗ lực phá vỡ sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev.
Nga tăng cường tấn công Ukraine. Ảnh: TASS
Sự lựa chọn khó khăn của Tổng thống Putin
Cách tiếp cận này của Điện Kremlin dường như đang chững lại khi Tổng thống Trump cho biết ông có kế hoạch tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine, trong đó cân nhắc gửi thêm một hệ thống phòng không Patriot. Trước đó, ông Trump đã chỉ trích các cuộc không kích liên tục của Nga vào lãnh thổ Ukraine.
Theo giới phân tích, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải đối mặt với sự lựa chọn đầy khó khăn: Liệu Nga có nên tận dụng lợi thế trên chiến trường và chấp nhận rủi ro từ phản ứng mạnh mẽ hơn của Mỹ hay Moscow sẽ buộc phải thay đổi lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán.
Vào ngày 8/7, Tổng thống Trump đã đưa ra một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quan hệ Nga-Mỹ đang xấu đi. Phát biểu trong cuộc họp nội các, ông Trump nói: "Chúng ta phải hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích từ Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo Nga rất tốt nhưng nhiều điều ông ấy nói lại vô nghĩa”.
Trong những tuần gần đây, Nga đã tăng cường nỗ lực giành thêm lãnh thổ ở phía đông Ukraine và đẩy mạnh các cuộc không kích vào nhiều thành phố của nước này. Mục đích là làm suy yếu tinh thần chiến đấu của Ukraine, trong khi kéo dãn lực lượng đối phương – vốn có quân số ít ỏi hơn, trên tiền tuyến. Không quân Ukraine cho biết ngày 9/7 Nga đã phóng kỷ lục lên đến 728 máy bay không người lái và 13 tên lửa vào Ukraine.
Tổng thống Trump - người từng cam kết sẽ sớm chấm dứt cuộc xung đột và thúc đẩy hai bên bàn đàm phán hòa bình, đã phản ứng gay gắt trước cuộc tấn công của Nga. Ngày 7/7, ông tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp vũ khí để giúp Ukraine chống lại các cuộc tấn công của Nga. “Chúng tôi phải làm vậy, họ phải có khả năng tự vệ”, ông Trump nói.
Ngày 8/7, Nga đã gửi thông điệp mong muốn giữ hòa khí với Washington, nhấn mạnh Moscow đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời cho biết, đang tìm hiểu các loại vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Trong thông điệp này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phân biệt giữa Mỹ và Châu Âu. Ông nói: "Rõ ràng là Châu Âu đang tích cực tham gia vào việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Những hành động này có thể không phù hợp với các nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình".
Nhưng nhiều nhân vật cứng rắn ở Moscow cho rằng, Nga nên gác lại nỗ lực hàn gắn quan hệ với Mỹ và tập trung hơn nữa vào nỗ lực chiến đấu.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho rằng, nếu không có một thỏa thuận hòa bình mang lại lợi ích cho Nga, Moscow sẽ tiếp tục chiến đấu.
Nhà phân tích Abbas Gallyamov cho rằng: “Những nhân vật cứng rắn trong chính quyền của Tổng thống Putin đang nhấn mạnh quan điểm của họ là không thể dựa vào Mỹ. Bằng cách này hay cách khác, Washington sẽ sớm khiến Moscow thất vọng”.
Cho đến nay, Nga vẫn kiên trì lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán, khẳng định bất kỳ giải pháp nào cho cuộc chiến đều phải giải quyết "nguyên nhân gốc rễ" gây ra xung đột, ý nói đến mong muốn phi quân sự hóa Ukraine và khiến nước này trở thành quốc gia trung lập.
Các nhà phân tích suy đoán, Tổng thống Putin dường như coi ông Trump là người mà ông có thể hợp tác để đạt được những mục tiêu đó thông qua con đường ngoại giao. Nỗ lực này cùng với sự sẵn lòng hợp tác của ông Trump với Moscow ở giai đoạn đầu, dường như đã mang lại kết quả tích cực. Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên với Nga tại Saudi Arabia vào tháng 2/2025 và Moscow đã cử các quan chức đến Washington để khám phá tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản quan trọng và thám hiểm không gian.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn giữ nguyên lập trường về Ukraine. Các cuộc đàm phán hòa bình đã đạt được rất ít tiến triển và một loạt các cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ không mang lại bất kỳ đột phá nào.
Ông Trump mất kiên nhẫn với Nga
Trong những tuần gần đây, giọng điệu của Tổng thống Trump về Nga đã thay đổi. Khi ông Putin đề nghị hỗ trợ hòa giải xung đột giữa Israel và Iran, ông Trump đã gạt đi lời đề nghị đó: "Tôi đã nói, hãy giúp tôi một việc, hãy tự làm trung gian hòa giải cho chính ông. Hãy làm trung gian cho Nga trước”.
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào tuần trước dường như khiến ông Trump tin rằng Tổng thống Putin không có ý định rút lui khỏi cuộc xung đột. Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã nói rõ với ông Trump rằng Nga cam kết thực hiện các mục tiêu của nước này ở Ukraine và muốn đạt được những mục tiêu đó thông qua ngoại giao. Nếu điều này không thể thực hiện được, Nga sẽ tiếp tục chiến đấu
Sau đó, ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng. “Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi không nghĩ ông ấy muốn dừng lại và điều đó thật tệ", ông Trump phát biểu khi nói về nhà lãnh đạo Nga.
Mặc dù giọng điệu của Tổng thống Trump về Nga đã thay đổi đáng kể trong những ngày gần đây, nhưng ông vẫn chưa đưa ra tín hiệu cho thấy sẵn sàng đi xa hơn trong việc ủng hộ Ukraine. Ngoài ra, ông Trump cũng không tiết lộ phản ứng tiếp theo đối với Moscow.
Bất chấp phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, Nga vẫn không từ bỏ mục tiêu của nước này. Các nhà phân tích cho biết, Moscow có khả năng đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột dài hơi. Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia cho rằng, ông Putin – người có 1/4 thế kỷ kinh nghiệm ứng phó với các tổng thống Mỹ dường như biết rằng ông Trump có xu hướng thay đổi quan điểm.
“Hiện giờ, ông Trump có thể ca ngợi quyết tâm của Ukraine và cam kết viện trợ nhiều hơn cho quốc gia này, nhưng chẳng mấy chốc, ông ấy có thể ủng hộ quan điểm của ông Putin. Ông Trump đang nghiêng về Ukraine, nhưng không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong hai tuần nữa”.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Wall Street Journal