Tổng thống Donald Trump vào cuối ngày 23/4 cho biết hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang "tích cực" thảo luận về các vấn đề thương mại.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng phủ nhận. Bộ này tuyên bố không có bất kỳ cuộc tham vấn hay đàm phán nào với Mỹ về thuế quan. Người phát ngôn Quách Gia Côn nói trong cuộc họp báo: "Trung Quốc và Mỹ chưa tiến hành tham vấn hay đàm phán nào về thuế quan, càng chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào", và gọi các thông tin trái ngược là “tin giả”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Hôm sau (24/4), ông Trump tái khẳng định thông tin có đàm phán với các phóng viên, nhưng từ chối nêu cụ thể những người tham gia: “Họ đã có một cuộc họp sáng nay. Ai là 'họ' thì không quan trọng. Có thể chúng tôi sẽ tiết lộ sau, nhưng rõ ràng là đã có cuộc gặp với Trung Quốc".
Rốt cuộc, nếu chỉ dựa vào các phát ngôn công khai, không rõ hai bên có đàm phán hay không. Một quan chức Nhà Trắng cho biết trong tuần này giữa hai bên diễn ra các cuộc trao đổi cấp thấp, bao gồm một cuộc gọi điện giữa nhân viên hai bên và một cuộc gặp trực tiếp không công khai.
Những phát biểu mâu thuẫn từ hai cường quốc càng cho thấy rõ mức độ căng thẳng và thiếu minh bạch đang phủ bóng lên quan hệ song phương, khiến thị trường toàn cầu thêm bất ổn và kéo dài thiệt hại kinh tế cho cả hai phía.
Các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục phải gánh chịu chi phí nhập khẩu cao ngất do thuế quan, trong khi các nhà xuất khẩu Trung Quốc gặp khó khăn trước nhu cầu sụt giảm từ thị trường Mỹ — đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Cũng trong tuần này, Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đều phát tín hiệu rằng có thể có chuyển biến tích cực trong căng thẳng thương mại với Bắc Kinh. Ông Bessent hôm thứ Tư (23/4) nhấn mạnh mức thuế hiện tại giữa hai nước là quá cao và cần được giảm trước khi các cuộc đàm phán thực chất có thể tiến hành. Ông cho rằng việc hạ nhiệt căng thẳng là cần thiết để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tái cân bằng quan hệ thương mại.
Trước đó, Nhà Trắng đã áp thuế lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh lập tức trả đũa bằng các biện pháp tương tự: áp thuế lên hàng hóa Mỹ và siết chặt xuất khẩu khoáng sản chiến lược sang Mỹ.
Trong bối cảnh này, phát ngôn không đồng nhất giữa hai chính phủ không chỉ gây nhiễu thông tin mà còn khiến doanh nghiệp toàn cầu và giới đầu tư khó dự đoán về triển vọng kinh tế. Trong khi ông Trump cố tỏ ra lạc quan rằng hai bên đang tiến gần hơn tới bàn đàm phán, thì phản ứng cứng rắn từ Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh vẫn giữ lập trường thận trọng, nếu không muốn nói là đối đầu, trước các động thái gần đây của Washington.
Phương Anh (Nguồn: Reuters, ABC News )