"Tôi nghĩ Nga với giá dầu hiện tại đã giảm, chúng ta đang ở vị thế tốt để giải quyết. Họ muốn giải quyết. Ukraine muốn giải quyết", Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục hôm thứ Hai (5/5).
Giá dầu, vốn là nguồn thu chính của Nga, đã giảm khoảng 15 USD mỗi thùng kể từ đầu năm 2025. Ông Trump cho rằng điều này đã khiến Nga trở nên thuận lợi hơn trong việc tham gia đàm phán.
"Chúng ta đã đi một chặng đường dài và có thể có điều gì đó sẽ xảy ra, hy vọng là sẽ xảy ra", ông Trump nói.
Ông cũng đề cập đến việc ông Putin đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày để kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô và các đồng minh trước phát xít Đức trong Thế chiến II, coi đó là một bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình.
Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)
"Như các bạn đã biết, Tổng thống Putin vừa tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày - nghe có vẻ không nhiều nhưng thực sự là rất nhiều nếu bạn biết chúng ta bắt đầu từ đâu", ông Trump nói. "Đây là một cuộc chiến không bao giờ nên xảy ra".
Tuy nhiên, điện Kremlin đã bác bỏ quan điểm của ông Trump, khẳng định cuộc xung đột tại Ukraine không phụ thuộc vào giá dầu. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, nguyên nhân chính của cuộc chiến là do các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga và việc phương Tây từ chối lắng nghe những lo ngại của Nga.
Khi được một phóng viên hỏi liệu ông có ra lệnh điều tra lại vụ tấn công vào đường ống dẫn khí Nord Stream năm 2022 hay không, Tổng thống Trump đã trả lời bằng giọng điệu hoài nghi và mập mờ về thủ phạm thực sự.
"Người ta nói Nga đã cho nổ tung nó", ông Trump nói, với vẻ ám chỉ rằng ông không hoàn toàn tin vào cáo buộc nhằm vào Moskva. "Tôi nghĩ nhiều người biết ai đã cho nổ tung nó".
Phát biểu này dường như phản ánh lập trường lâu nay của ông Trump - tránh quy kết trách nhiệm trực tiếp cho Nga và thay vào đó để ngỏ khả năng các bên khác có thể đứng sau vụ việc.
Đường ống Nord Stream, vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga sang Đức qua biển Baltic, đã bị hư hại nghiêm trọng sau các vụ nổ dưới nước vào ngày 26/9/2022. Các nhà địa chấn học khi đó xác nhận đã ghi nhận những vụ nổ lớn trong khu vực đường ống.
Vụ việc đã dẫn đến làn sóng đổ lỗi qua lại. Nga cáo buộc các nước phương Tây như Mỹ và Anh đứng sau, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. Ngược lại, một số hãng truyền thông lớn của Mỹ như New York Times, The Washington Post và Wall Street Journal đã dẫn nguồn tin tình báo cho rằng chính các lực lượng thân Ukraine – quốc gia nhiều lần phủ nhận sự liên quan - có thể là thủ phạm thực sự.
Vụ nổ Nord Stream đã làm gián đoạn một tuyến cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu và gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây, đồng thời mở ra những câu hỏi dai dẳng chưa được giải đáp cho đến tận hôm nay.
Cẩm Lai (Nguồn: Reuters)