Ngày 9/2, khi đang trên chuyên cơ Không lực Một đến dự trận Super Bowl ở New Orleans, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Việc cho phép người Palestine hoặc bất kỳ ai khác quay trở lại Dải Gaza sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi cũng không muốn Hamas quay trở lại. Hãy xem nơi này như một khu bất động sản rộng lớn. Mỹ sẽ kiểm soát và phát triển Dải Gaza một cách từ từ, chậm rãi, không vội vàng.”
Kế hoạch tái thiết táo bạo
Ngày 4/2, Tổng thống Donald Trump công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tái thiết Dải Gaza – khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ xung đột.
Ông nhận định Gaza như một "khu bất động sản lớn" và tuyên bố sẽ biến nơi đây thành một trung tâm phát triển mới tại Trung Đông. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình tương lai của khu vực, thực hiện tái thiết theo một lộ trình cụ thể để biến Gaza thành một trung tâm kinh tế tiềm năng.
Ông Trump đề xuất một số quốc gia Trung Đông tiếp nhận người Palestine phải rời khỏi Gaza do xung đột. Ông cho rằng những người này có thể được tái định cư tại các địa điểm phù hợp trong khu vực, nhấn mạnh đây là bước đi cần thiết để đảm bảo ổn định lâu dài cho Trung Đông.
Ông cũng cảnh báo có thể cắt viện trợ cho Ai Cập và Jordan nếu hai nước này không chấp nhận tham gia kế hoạch.
Quan điểm từ Israel
Kế hoạch của Tổng thống Trump thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phía Israel. Đánh giá cao tầm nhìn của người đồng cấp, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định kế hoạch này không chỉ giúp tái thiết khu vực mà còn góp phần đảm bảo an ninh lâu dài cho Israel.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Benjamin Netanyahu tổ chức họp báo chung tại Nhà Trắng ở Washington DC, ngày 4/2 /2025. Ảnh: The Times of Israel
Nhiều nhà lãnh đạo quốc tế trước đó đã kêu gọi sự tham gia của Chính quyền Palestine (PA) vào quá trình tái thiết Gaza. Trái với quan điểm này, Tổng thống Trump khẳng định việc Mỹ trực tiếp quản lý Gaza sẽ mở ra một hướng đi mới, không phụ thuộc vào PA, nhằm đảm bảo sự kiểm soát hiệu quả hơn trong việc phát triển khu vực.
Một khu vực bị tàn phá bởi xung đột tại Dải Gaza. Ảnh: The Times of Israel
Phản ứng của Hamas và các quốc gia trong khu vực
Đề xuất của ông Trump cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Đại diện của Hamas khẳng định Gaza không phải là một khu vực bất động sản có thể mua bán hay thay đổi theo ý muốn. Một quan chức cấp cao của Hamas khẳng định kế hoạch này là vô lý và nhấn mạnh Gaza là một phần không thể tách rời của Palestine.
Các nước trong khu vực như Ai Cập và Jordan cũng bày tỏ lo ngại. Chính quyền Ai Cập khẳng định việc di dời người Palestine ra khỏi Gaza có thể gây bất ổn cho khu vực. Ngoại trưởng Ai Cập, trong cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Mỹ, đã nhấn mạnh sự cần thiết của công việc tái thiết Gaza ngay tại khu vực này thay vì di tản dân ra nước ngoài.
Jordan, quốc gia có biên giới với khu vực Bờ Tây, cũng lên tiếng phản đối bất kỳ kế hoạch nào nhằm thay đổi cấu trúc dân cư Palestine. Vua Jordan Abdullah dự kiến sẽ có cuộc gặp gỡ với Trump tại Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề này.
Thách thức trong kế hoạch thực hiện
Dù nhận được sự ủng hộ từ Israel, kế hoạch của Tổng thống Trump vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Vấn đề pháp lý và quyền sở hữu đất đặt ra trở ngại đáng kể, bởi Gaza hiện là một phần lãnh thổ của Palestine. Bất kỳ sự thay đổi nào về quyền kiểm soát khu vực này đều cần có sự đồng thuận từ các bên liên quan, bao gồm cả người dân Palestine và cộng đồng quốc tế.
Phản ứng từ các tổ chức quốc tế cũng là yếu tố quan trọng. Liên Hợp Quốc cùng nhiều tổ chức nhân quyền đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi của người dân Palestine trong quá trình tái thiết Gaza. Nếu kế hoạch của ông Trump không nhận được sự đồng thuận từ các tổ chức này, việc thực hiện có thể gặp nhiều trở ngại.
Nguồn tài chính và cam kết quốc tế là thách thức khác. Việc tái thiết một khu vực bị tàn phá bởi xung đột đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ và sự tham gia của nhiều bên. Hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ có sẵn sàng tài trợ dài hạn cho dự án này hay sẽ tìm kiếm sự đóng góp từ các quốc gia khác.
Tác động chính trị trong khu vực cũng là mối lo ngại lớn. Việc di dời người Palestine sang các nước láng giềng có thể gây ra căng thẳng về chính trị và xã hội. Ai Cập và Jordan đều lo ngại sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến tình hình nội bộ của họ, tạo ra những bất ổn khó lường.
Tùng Lâm