Tàu của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản được triển khai ngoài khơi Torishima ngày 20/4/2024. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể khiến Nhật Bản e ngại đưa ra các đề xuất gây tranh cãi liên quan đến liên minh song phương kéo dài hàng thập kỷ - trong đó có mong muốn của Thủ tướng Shigeru Ishiba về việc lần đầu tiên sửa đổi hiệp định quy định sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Nhật Bản.
Thủ tướng Ishiba tuyên bố muốn củng cố liên minh bằng cách thay đổi Hiệp ước về quy chế các lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản (SOFA). Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng những nỗ lực sửa đổi hiệp ước có thể phản tác dụng khi Tổng thống đắc cử đảng Cộng hòa thường chỉ trích các đồng minh về việc không chi trả đủ cho sự hỗ trợ an ninh của Mỹ.
Ưu tiên trước mắt của chính phủ Nhật Bản có thể sẽ là vực dậy nền kinh tế, đặc biệt sau khi liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Ishiba dẫn đầu đã mất đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cử ngày 27/10 vừa qua.
Ông Ishiba, một chuyên gia về chính sách quốc phòng nhậm chức ngày 1/10, cho rằng Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật hiện tại là "không cân xứng" vì trong khi Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh châu Á thì Nhật Bản không có nghĩa vụ tương ứng, mà thay vào đó Tokyo phải cung cấp các căn cứ quân sự cho lực lượng Mỹ.
Trong một bài bình luận gửi tới Viện Nghiên cứu Hudson của Mỹ và được công bố chỉ vài ngày trước khi ông trở thành Thủ tướng, ông đề xuất đưa các thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đến đồn trú tại Guam để tăng cường khả năng răn đe của liên minh, bao gồm cả việc sửa đổi SOFA.
Theo hiệp ước an ninh song phương hiện hành, hơn 50.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, cho phép Mỹ phản ứng nhanh chóng trước các tình huống khẩn cấp trong khu vực, nơi Trung Quốc ngày càng quyết đoán và Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo. SOFA được ký kết song song với hiệp ước năm 1960, quy định các quyền và đặc quyền của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, giới phê bình và tỉnh Okinawa - nơi đặt phần lớn cơ sở quân sự Mỹ tại Nhật Bản - cho rằng thỏa thuận này không công bằng với Nhật Bản, đặc biệt là về việc bảo vệ pháp lý khỏi bị truy tố dành cho quân nhân Mỹ và điều tra tai nạn.
Khi vận động cho cuộc đua lãnh đạo đảng vào tháng 9 và tổng tuyển cử vào tháng sau đó, ông Ishiba đã thể hiện mong muốn sửa đổi SOFA, với lập trường thường thấy ở các đảng đối lập hơn là đảng LDP vốn cầm quyền lâu năm.
Nhớ lại vụ trực thăng quân sự Mỹ rơi xuống khuôn viên một trường đại học ở Okinawa năm 2004 khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Ishiba nói bản thân đã tự hỏi liệu Nhật Bản có phải là "một quốc gia có chủ quyền" hay không khi lực lượng Mỹ phong tỏa hiện trường để thu hồi xác máy bay còn cảnh sát địa phương không thể tiến hành điều tra.
Cho đến nay, hai nước đã thực hiện những thay đổi về mặt hoạt động hoặc đạt được các thỏa thuận bổ sung khi các vụ án hoặc sự cố nghiêm trọng phơi bày những vấn đề trong các thỏa thuận SOFA.
Ông Ishiba cho rằng những thay đổi về mặt hoạt động có thể không còn đủ để giải quyết các quan ngại về SOFA, nhưng các chuyên gia và quan chức Nhật Bản nghi ngờ khả năng ông có thể thúc đẩy việc cải tổ.
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc sửa đổi SOFA có thể phản tác dụng, đặc biệt khi ông Trump thường chỉ trích các đồng minh không chi trả đủ cho sự bảo vệ của Mỹ. Năm 2019, ông Trump từng chỉ trích liên minh này là thiên vị một bên, nói rằng "nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta sẽ chiến đấu trong Thế chiến thứ 3... nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản chỉ ngồi nhìn".
Áp lực buộc Nhật Bản tăng chi phí đồn trú quân Mỹ có thể tăng lên dưới thời Trump nhiệm kỳ hai, dù Tokyo đã quyết định tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không nên gạt bỏ hoàn toàn ý tưởng này. Thay vì đồn trú quân tại Mỹ, Nhật Bản có thể xem xét phương án sử dụng các cơ sở tại căn cứ Mỹ để huấn luyện và tập trận chung nhiều hơn. Muốn thúc đẩy sửa đổi SOFA, ông Ishiba cần kiên trì xây dựng mối quan hệ tin cậy với cả giới quan chức Nhật Bản và phía Mỹ trước khi đưa vấn đề này ra thảo luận với Trump.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Kyodo)